Món mỳ vằn thắn (hoành thánh) có nguồn gốc từ vùng Quảng Đông, Trung Quốc, nguyên bản chỉ nấu bằng nước xương lợn, thêm chút vị thuốc bắc và ăn cùng rau cải. Khi có mặt ở Hà Nội, món này dần dần được điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây, dần dần khác với "bản gốc".
Nước dùng mỳ vằn thắn trong, có một vị ngọt đậm đặc trưng từ xương lợn, sá sùng và tôm. Bát mỳ vằn thắn ngon có những sợi mỳ trứng vàng ươm, dai dai, mềm mềm, có sủi cảo vỏ mềm nhân ngọt làm từ tôm xay nhuyễn, con tôm tươi ngọt lịm, miếng gan lợn bùi bùi, miếng thịt xá xíu đậm đà và hương thơm ấm áp của hạt tiêu, lá hẹ...
Dưới đây là một số quán mỳ vằn thắn ngon mà độc giả có thể tham khảo để đổi vị trong những ngày gió mùa.
Mỳ vằn thắn Lê Duẩn
Mỳ vằn thắn tại đây nhiều thịt xá xíu và gan lợn chắc nịch, ăn thơm bùi, ngậy. Mỳ thường được ăn cùng rau cải cúc, có khi là cải ngọt, thêm chút lá hẹ nồng ấm, hơi hăng hăng. Nhiều thực khách đánh giá mỳ vằn thắn Lê Duẩn có hương vị tinh tế, phù hợp nhất với khẩu vị người Hà Nội nên rất đông khách. .
Địa chỉ: 1 Lê Duẩn, phường Điện Biên, quận Đống Đa.
Mỳ vằn thắn Hải Yến
Thực khách đánh giá nước dùng tại quán mỳ vằn thắn Hải Yến rất trong, ngon, vị thanh ngọt và đậm đà, không có mỳ chính. Món há cảo cũng được đánh giá cao, vỏ không bị dày, nhiều thịt, chắc, ăn rất nịnh miệng. Sợi mỳ thơm bùi, vừa vặn, không quá dày hay quá mỏng. Tuy nhiên, món sủi cảo không quá đặc sắc, chỉ ở tầm trung.
Nhân viên và chủ quán nhanh nhẹn và chiều khách. Quán không quá rộng, chỉ đủ kê tủ kính và 8 cái bàn và luôn kín chỗ.
Địa chỉ: 136 Đông Các, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
Mỳ vằn thắn Thành Vy
Quán mỳ vằn thắn Thành Vy đã được truyền qua 3 đời. Thực khách đánh giá sợi mỳ ở đây giòn, dai, ngọt, đã chần qua nhưng không bị nát; thịt xá xíu cũng rất ngon. Một phần mỳ vằn thắn luôn có sủi cảo chiên ăn kèm, giòn rụm và thơm lựng. Mỳ vằn thắn Thành Vy có đầy đủ cả loại khô và loại nước.
Tại quầy có 4 nồi nước dùng, cái để chần mỳ, cái thì chần rau... Chủ quán chỉ việc thong thả đặt cuộn mỳ lên chiếc vá rồi nhúng từng bước rồi chan nước dùng ngọt lừ lên bát mỳ hoàn chỉnh với đầy đủ thịt xá xíu, sủi cảo, gan lợn, lá hẹ, rau cải, trứng cút...
Địa chỉ: 157a Trương Định, phường Trương Định, quận Hoàng Mai.
Mỳ vằn thắn Duy Anh
Tô mỳ tại quán Duy Anh thường to, khá đầy đặn, nhiều thịt. Nước dùng đậm đà nhưng vẫn có độ thanh. Sủi cảo cũng khá nhiều, được gói rất khéo, chín vừa nên không bị nát.
Quán mỳ vằn thắn này chỉ bán từ chiều tối trên vỉa hè nhưng lượng khách luôn rất đông, bao gồm cả dân công sở đến học sinh, sinh viên và các gia đình. Ngoài mỳ vằn thắn, quán còn bán cả hủ tíu và sủi cảo, cũng rất ngon.
Địa chỉ: 100 Cửa Bắc, phường Quán Thánh, quận Ba Đình.
Mỳ vằn thắn Kố Kiên
Mỳ vằn thắn Kố Kiên được cho là có hương vị gần giống với "bản gốc" ở Quảng Đông, Trung Quốc. Bát mỳ cũng có đầy đủ thịt xá xíu, trứng luộc, sủi cảo, tôm tươi, bóng, gan, rau cải cúc… nhưng có thêm bát tỏi phi vàng ruộm ăn kèm, giúp món ăn mùi hơn hẳn. Điểm khác biệt khác là phần nhân của miếng sủi cảo cũng có tỏi, những người chưa quen có thể e ngại nhưng sau đó sẽ thích. Sợi mỳ ở đây được thái nhỏ, dai, mềm mà không nát, có màu vàng đẹp mắt.
Địa chỉ: 40 Tuệ Tĩnh, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng.
Mỳ vằn thắn Gia
Quán này được mở từ những năm 1950, khách hàng nhiều thế hệ vẫn luôn trung thành, thường lui tới để thưởng thức hương vị đặc biệt khó đâu có được. Sợi mỳ tươi được sử dụng trong ngày là một điểm độc đáo của Gia. Chủ quán sử dụng lòng đỏ trứng hảo hạng tạo độ ngậy, lòng trắng trứng tạo độ xoăn cho sợi mỳ, tăng độ đậm đà, thơm dai. Sủi cảo cũng rất ngon, được làm từ bột mỳ ngon và trứng, nhân gồm thịt, tôm xay nhuyễn.
Địa chỉ: 108-D14 phố 8-3, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng.
Bình luận