Ở Mỹ, Đạo luật về Quyền hạn Giáo dục và Riêng tư Gia đình (FERFA) không cho phép lắp đặt camera giám sát trong phòng học.
Năm 2014, bang Tennessee từng lên kế hoạch lắp thí điểm camera ở 20 quận để đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên. Tuy nhiên, chương trình này chỉ được thông báo và nhận được sự đồng thuận từ ban giám hiệu của nhà trường. Nhân viên trong các trường và phụ huynh đều không hề hay biết. Việc này khiến nhiều người phẫn nộ, kêu gọi hủy bỏ lập tức kế hoạch. Những chiếc camera do đó vẫn còn nằm nguyên trong hộp cho tới khi dự án bị hoãn vô thời hạn.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực lan tràn và sự gia tăng của các vụ xả súng trong trường học Mỹ trong vài năm trở lại đây khiến nhiều bang cân nhắc vấn đề này.
Năm 2017, Texas trở thành bang đầu tiên của Mỹ yêu cầu các trường lắp đặt camera trong các lớp học đặc biệt nếu phụ huynh hoặc giáo viên yêu cầu. Đây được xem là giải pháp giải quyết lo ngại các học sinh tiếp nhận chương trình giáo dục đặc biệt với kỹ năng giao tiếp hạn chế đôi khi không thể báo cáo việc mình bị lạm dụng hoặc là nạn nhân trong trường học.
Nối gót Texas, Georgia cũng cho phép lắp đặt camera trong các lớp học đặc biệt nhưng dựa trên mức độ tự nguyện của phụ huynh.
Khác với Mỹ, ở Anh, vấn đề lắp đặt camera trong trường học nới lỏng hơn rất nhiều. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy hầu hết các trường học của Anh lắp đặt camara giám sát ở khu vực sân chơi và trong các lớp học ghi lại các cuộc trò chuyện và chuyển động của học sinh. Nghiên cứu này cho biết thêm rằng thông thường, các trường trung học trang bị ít nhất 20 camera quanh trường, trong đó có lớp học.
Theo Đạo luật bảo vệ dữ liệu của Anh, các trường buộc phải thông báo cho học sinh biết camera được lắp đặt ở đâu và mục đích sử dụng hình ảnh và âm thanh thu được. Đạo luật này cũng chỉ rõ các dữ liệu thu thập phải "đầy đủ, phù hợp và không đi quá mức".
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục Anh nói rằng những mô tả này có phần mơ hồ, tạo điều kiện để nhiều trường lách luật, nâng cáo mức độ giám sát đối với học sinh.
Ở Ấn Độ, thủ đô New Delhi năm 2018 cho phép lắp đặt camera ở tất cả các các trường công lập, tạo điều kiện để phụ huynh theo dõi tình hình học tập của con cái trên trường từ các thiết bị thông minh. Quyết định này được các bậc cha mẹ hưởng ứng trong bối cảnh các vụ giết người và lạm dụng tình dục trẻ em tại các trường học ở New Delhi tăng cao, nhưng lại vấp phải sự phản đối của các nhà làm luật.
Nhiều trường học ở Trung Quốc vài năm trở lại đây cũng bắt đầu trang bị camera trong các lớp học. Tuy nhiên, thay vì mục đích ngăn chặn bạo lực học đường hay lạm dụng, các hệ thống này thiên về theo dõi mức độ tập trung của các học sinh trong các tiết học.
Ở một trường trung học ở Hàng Châu, hệ thống camera giám sát sẽ theo dõi tất cả hoạt động của học sinh, phân tích rồi phân loại học sinh thành 6 cấp độ.
Theo trang web của Đại học Oxford (Anh), không thể phủ nhận lợi ích nhãn tiền của việc lắp đặt camera trong trường học. Nó giúp theo dõi, giám sát quá trình giảng dạy của thầy cô, trên lớp, phát hiện kịp thời các trường hợp bạo hành và bạo lực học đường.
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ có thể buộc con em mình phải tuân theo quy tắc mà họ đặt ra, tước đi những trải nghiệm thời thơ ấu đơn giản nhưng không thể thiếu để phát triển nhân cách của trẻ như các trò chơi khăm vô hại nhưng bị quan trọng hóa quá mức. Lắp đặt camera cũng sẽ có tác động mạnh tới tâm lý trẻ. Chúng có thể che giấu nhiều thứ, cảm thấy mất đi sự tin tưởng, trở nên vô cảm, mất đi sự độc lập và tự chủ.
Bình luận