“Các quy tắc mới sẽ giúp các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các công ty năng lượng có thể mua khí đốt chung trên thị trường toàn cầu. Các nước thành viên đã nói rõ rằng khí đốt của Nga sẽ bị loại khỏi danh sách mua chung”, tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ.
Tuy nhiên, khái niệm “khí đốt của Nga” vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng và vẫn chưa biết liệu khí đốt được sản xuất tại Nga và được mua với sự trợ giúp của một bên trung gian hay một chuỗi các bên trung gian sẽ được định nghĩa như vậy.
“Trên thực tế, các quốc gia thành viên đã thống nhất rằng các công ty khí đốt và các công ty tiêu thụ khí đốt ở EU và các nước thuộc Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu sẽ đệ trình nhu cầu nhập khẩu khí đốt. EU sẽ thuê một nhà cung cấp dịch vụ để tính tổng nhu cầu và tìm kiếm các bên trên thị trường toàn cầu để đáp ứng nhu cầu”, EC cho biết.
Động thái này vẫn chưa được chính thức thông qua cho đến cuộc họp của Hội đồng Năng lượng EU, dự kiến diễn ra vào tháng 12. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc Jozef Sikela, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU trong tháng 11, cho biết, tất cả các cuộc thảo luận về vấn đề này đã hoàn thành và sẽ được thông qua mà không cần tham vấn trước.
Do đó, EU sẽ buộc các công ty phải mua một lượng khí đốt nhất định, không phải trực tiếp trên thị trường mà phải có sự trung gian của EC. Điều này nghĩa là các nước EU đã ủy thác một phần chức năng chủ quyền khác của họ cho EC.
Bình luận