Tại Pháp, học sinh từ 6 tuổi trở lên bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tới trường. Học sinh có thể tháo khẩu trang khi tham gia các hoạt động ngoài trời nhưng phải đảm bảo giãn cách xã hội. Trong khi đó các môn thể thao bị cấm.
Nếu bất cứ lớp tiểu học nào ghi nhận ca nhiễm COVID-19, toàn bộ lớp đó sẽ phải học trực tuyến trong 7 ngày. Với các trường từ cấp 2 trở lên, yếu tố quyết định là vaccine. Các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh mà chưa tiêm vaccine sẽ phải học từ xa trong một tuần trong khi các học sinh dù tiếp xúc nhưng đã chích ngừa vẫn được tới trường.
Bộ trưởng giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer khuyến nghị sử dụng máy dò carbon dioxide để xác định khi nào các lớp học cần thông gió nhằm giảm khả năng lây truyền qua khí dung của COVID-19.
Ông Blanquer cũng cam kết cung cấp 600.000 xét nghiệm sàng lọc COVID-19 mỗi tuần cho các trường tiểu học.
Hồi giữa tháng 8, Bộ Giáo dục Mỹ đăng tải khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) về việc "tất cả giáo viên, nhân viên, học sinh và khách đến các trường từ mẫu giáo đến lớp 12 đeo khẩu trang dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccine phòng COVID-19".
Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang sẽ do học khu từng khu vực quyết định.
Cùng với việc đeo khẩu trang, giới chức y tế Mỹ tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ, thông gió đầy đủ cho các phòng học, đảm bảo trẻ ngồi cách xa nhau và tăng cường xét nghiệm sàng lọc.
Mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là một trong những nỗ lực của Đức để đảm bảo năm học mới cho trẻ. Một số bang cử các đội tiêm chủng lưu động tới tận các trường học.
Tương tự Mỹ, mỗi bang ở Đức sẽ tự quyết định các quy định về khẩu trang. Hamburg bắt buộc học sinh tới trường phải đeo khẩu trang. Schleswig-Holstein yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trong 3 tuần đầu tiên nhưng có thể tháo bỏ trong sân trường. Học sinh ở Mecklenburg-Western Pomerania phải đeo khẩu trang trong lớp ít nhất 2 tuần đầu tiên.
Chính phủ Đức chi gần 230 triệu USD để hỗ trợ các bang trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ.
Từ tháng 9, các học sinh ở Anh bắt đầu đón học sinh trở lại trường học trong bối cảnh nới lỏng một số hạn chế.
Các trường đại học và cao đẳng vẫn phải duy trì các biện pháp phòng dịch như xét nghiệm, thông gió. Các trường này và khối trung học sẽ phải tổ chức 2 đợt xét nghiệm tại chỗ vào đầu học kỳ sau đó là xét nghiệm thường xuyên tại nhà.
Học sinh từ 12 tuổi trở lên được khuyến nghị tiêm vaccine.
Anh cũng đầu tư hàng chục triệu USD cung cấp máy dò carbon dioxide cho các cơ sở giáo dục do nhà nước tài trợ. Phụ huynh được khuyến khích truy cập vào trang web gov.uk/backtoschool để biết thông tin và hướng dẫn giúp họ lập kế hoạch cho con em quay lại trường.
Các tờ rơi giải thích thêm về các biện pháp an toàn tại chỗ cũng được phát tại các trường.
Sau gần 2 năm đóng cửa trường học do đại dịch, Philippines hôm 5/11 bắt đầu các lớp học trực tiếp giới hạn ở một số khu vực được chọn.
Theo phê duyệt của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, tổng cộng 100 trường công trong tổng số 48.000 trường công trên toàn Philippines nằm trong khu vực nguy cơ thấp với COVID-19 tham gia chương trình thử nghiệm mở cửa trở lại trường học kéo dài trong hai tháng bắt đầu từ hôm nay. Trong khi đó, 30 trường tư sẽ bắt đầu các lớp học trực diện một tuần sau đó, vào ngày 22/11.
Theo ông Malcolm Garma, Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục Philippines, trong giai đoạn thí điểm, hàng ngàn học sinh Philippines từ cấp mẫu giáo đến lớp Ba và 1 số trường trung học phổ thông sẽ dành 3-5 giờ học trên lớp. Mỗi lớp học chỉ được chứa tối đa 12-15 học sinh để đảm bảo giãn cách và các trường học phải trang bị thêm cơ sở vật chất để thực hiện các quy trình y tế và tránh sự lây lan COVID-19.
Giáo viên và các cán bộ trường học đều phải được tiêm phòng đầy đủ. Bộ Giáo dục Philippines không yêu cầu học sinh phải tiêm chủng vaccine COVID-19 bởi gần đây Philippines mới bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Ông Malcolm Garma cho biết, các trường học phải tuân theo quy trình thông thường của Bộ Y tế về cách ly và truy vết nếu có bất kỳ học sinh nào có biểu hiện COVID-19 hoặc bị nhiễm bệnh.
Từ 30/8, học sinh ở các "vùng xanh" của Indonesia được phép trở lại trường học. Các trường phải đảm bảo thực hiện các quy định an toàn y tế, tổ chức học luân phiên thứ 2, 4, 6. Các ngày thứ 3, thứ 5 phun thuốc khử trùng. Công suất tối đa là 50% mỗi lớp/giảng đường. Thời gian học ở trường tối đa 12 tiếng.
Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5 m, không được tụ tập nói chuyện trong lớp học, phải đeo khẩu trang suốt thời gian ở trường và không ai được ra khỏi lớp trong giờ nghỉ giải lao. Bên cạnh đó, tất cả giáo viên đều phải tiêm vaccine phòng COVID-19.
Với trường học có tỷ lệ xét nghiệm dương tính với COVID-19 trên 5% trong thời gian học trực tiếp, các cơ sở này phải đóng cửa trong hai tuần.
Chính phủ Indonesia cũng triển khai chương trình giám sát ngẫu nhiên tại 10% các trường tổ chức (PTM) ở mỗi quận, huyện và thành phố. Theo đó, 30 học sinh và 3 giáo viên hoặc nhân viên của mỗi trường sẽ được lấy mẫu xét nghiệm để xác định tỷ lệ dương tính.
Bình luận