Singapore
Tại Singapore, 4 ngôn ngữ chính được Chính phủ công nhận bao gồm tiếng Malay (được sử dụng bởi Malaysia và Indonesia), tiếng Trung, tiếng Tamil (cho cộng đồng người Ấn Độ) và tiếng Anh. Trong đó, tiếng Malay được công nhận là ngôn ngữ quốc gia.
Nguồn gốc của tiếng Anh tại Singapore bắt đầu từ năm 1819 khi đế quốc Anh bắt đầu giao thương với khu vực này. Sau đó, việc Singapore trở thành thuộc địa của Anh cho đến tận năm 1963 khiến ngôn ngữ này duy trì được "vị thế".
Khi Singapore giành độc lập vào năm 1965, chính quyền nước này quyết định giữ nguyên tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhằm tận dụng tối đa các lợi ích về kinh tế mà chúng đem lại.
Do đó, từ khi sinh ra những đứa trẻ Singapore đã tiếp xúc với môi trường nói tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính được dạy ở trường học. Học sinh học tất cả các môn bằng tiếng Anh và học tiếng mẹ đẻ để duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc.
Người Singapore nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, thậm chí là thứ tiếng Anh bồi có tên Singlish. Họ không bị giới hạn bởi tư tưởng khi giao tiếp luôn cần chuẩn, từ ngữ pháp đến ngữ âm. Người Singapore luôn mạnh dạn nói tiếng Anh và học hỏi để cải thiện dần. Theo nhiều nghiên cứu và bảng xếp hạng đánh giá, Singapore là một trong những quốc gia Đông Nam Á nói tiếng Anh tốt nhất.
Hiện tất cả các học sinh, sinh viên tại Singapore đều được giảng dạy bằng tiếng Anh chuẩn cùng với một thứ tiếng khác tùy chọn làm ngôn ngữ thứ 2.
Philippines
Philippines là đất nước nói tiếng Anh lớn thứ 5 thế giới. Nó trở thành một trong hai ngôn ngữ chính ở đây từ năm 1935 và được sử dụng rộng rãi trên hơn 7.000 hòn đảo của đất nước này. Hệ thống giáo dục của Philippines cũng sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức từ tiểu học đến đại học và sau đại học.
Trên thực tế, ở Philippines, tiếng Anh được xem như là ngôn ngữ chính thứ hai, chỉ sau tiếng quốc ngữ là Tagalog (Philippines). Hầu hết những người có học thức ở Philippines đều biết tiếng Anh và sách giáo khoa ở Philippines cũng được viết bằng tiếng Anh.
Một điều tạo nên sự khác biệt là mặc dù tiếng Tagalog (sau này là Phillippine) rất khó nghe, nhưng hầu hết người Philippines đều có ý thức tìm cơ hội nói tiếng Anh thường xuyên với người bản xứ để học hỏi được cách diễn đạt sao cho giống nhất, hiệu quả giao tiếp cao nhất.
Philippines đang đứng thứ 14/88 Quốc gia sử dụng tiếng Anh một cách thông thạo, theo nghiên cứu của EF-EPI (Education First) năm 2018.
Nhật Bản
Trẻ em Nhật Bản bắt buộc phải học 6 năm tiếng Anh trong trường THCS và THPT. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản nhìn chung có khả năng nói tiếng Anh rất hạn chế. Các nhà giáo dục tại Nhật đã thực hiện một cuộc khảo sát về việc “sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ”. Trong 21 quốc gia tại châu Á, trình độ tiếng Anh của người Nhật được xếp hạng có số lượng người dân nói tiếng Anh thấp, chiếm 51,50% dân số (Theo nghiên cứu của EF - EPI 2018).
“Cú hích” đầu tiên khiến người Nhật đổ xô đi học tiếng Anh là quyết định của hãng bán lẻ trực tuyến Rakuten. Hãng này đã quyết định lấy tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng chính thức của mình. Những người Nhật không biết tiếng Anh cảm thấy sẽ khó đạt được thành công khi họ giao tiếp với thế giới bên ngoài, cả trong hoạt động kinh doanh lẫn khi đi du lịch.
Gần một nửa các công ty Nhật Bản lên kế hoạch cho thêm yêu cầu “biết sử dụng tiếng Anh thương mại” vào quy định tuyển dụng. Thị trường đào tạo ngoại ngữ tại Nhật Bản sau đó phát triển rầm rộ, với những người học sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho các buổi học, đĩa DVD hay các khóa học tiếng Anh trực tuyến. Hiện trình độ tiếng Anh của người Nhật đã được cải thiện rất nhiều.
Ấn Độ
Mặc dù Hindi là ngôn ngữ quốc gia và tiếng địa phương là ngôn ngữ được dùng hàng ngày ở nhà, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ của đời sống xã hội. Ở Ấn Độ, nếu không giỏi tiếng Anh, bạn sẽ suốt đời làm những công việc có lương được trả theo mức địa phương và dĩ nhiên rất thấp so với lương ở các công ty nước ngoài.
Tại trường, học sinh được học ba ngôn ngữ. Các biển báo công cộng cũng được viết theo 3 thứ tiếng: Hindi, tiếng Anh và tiếng địa phương. Người dân Ấn Độ luôn cố gắng tìm những môi trường nhiều người nói tiếng Anh bản địa để rèn luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh.
Trong ngành công nghệ thông tin, nguồn cung cấp lớp chuyên viên và kỹ sư trẻ thỏa mãn hai điều kiện chuyên môn và tiếng Anh không đâu khác hơn là Ấn Độ. Trong cuốn sách so sánh tương lai của Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, cựu tổng biên tập báo The Economist của Anh Bill Emmott cho rằng Ấn Độ thua kém Trung Quốc gần như mọi mặt, trừ khả năng nói tiếng Anh.
Hàn Quốc
Trước đây, người Hàn rất khiêm tốn khi nói tiếng Anh và luôn giữ ý nghĩ trong đầu rằng đây là tiếng của một nhóm người khác. Suy nghĩ này được dập tắt khi bà Park Geun-hye lên cầm quyền. Bà Park đã có một bài phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Anh trong một sự kiện quốc tế. Đây là điều chưa từng có bởi các đời tổng thống trước, tiếng Hàn Quốc luôn được ưu tiên lựa chọn.
Người dân Hàn Quốc đã lấy đó làm tấm gương và học theo một cách rất hiệu quả. Họ chi gần 15 tỷ USD vào các chương trình dạy tiếng Anh tư nhân, với hơn 17.000 trung tâm tiếng Anh (hay còn gọi là hagwons) trên toàn quốc. Đội ngũ giáo viên cũng rất đông với 30.000 giáo viên Âu - Úc - Mỹ và hàng chục nghìn giáo viên tiếng Anh không chính thức khác.
Suốt một thập kỷ qua, điểm TOEFL trung bình của người dân Hàn Quốc là trên dưới 70 điểm, năm nay đã vượt lên 85. Theo một cuộc điều tra, 50% người dân Hàn Quốc dưới 40 tuổi cho biết họ có thể nắm được tiếng Anh cơ bản, 10% nghĩ rằng họ có thể sử dụng tiếng Anh trôi chảy.
Bình luận