Phát biểu tại diễn đàn, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng: “Các quốc gia ASEAN có nhiều lợi thế chung, chúng ta đã và đang là một cộng đồng có uy tín trên phạm vi quốc tế; nền kinh tế của các quốc gia ASEAN tương đối phát triển, các Chính phủ về cơ bản khống chế tốt tình hình dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khoẻ cho người dân; chúng ta cần trao đổi sâu sắc hơn và học hỏi lẫn nhau những bài học kinh nghiệm về hỗ trợ doanh nghiệp.
Chúng ta cần kiến nghị lên các Chính phủ các hỗ trợ cần thiết, có tính chất đồng bộ trong nội khối để đầu tiên là thúc đẩy sự hoạt động bình thường trong nội khối và từ đó tiếp nối, duy trì các thị trường quốc tế khác”.
Ông Tô Hoài Nam cũng nêu rõ về hai lĩnh vực thế mạnh của các nước ASEAN, đó là sản phẩm nông sản miền nhiệt đới và du lịch.
Về sản phẩm nông sản nhiệt đới, bên cạnh các thị trường truyền thống của mỗi nước, bản thân thị trường các nước ASEAN với nhau cũng còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nông nghiệp công nghệ cao đã được thực hành ở hầu hết các quốc gia ASEAN, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của miền nhiệt đới sẽ được thúc đẩy tìm đến các thị trường mới.
Riêng về thị trường du lịch, đây là ngành kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Trong khi đó theo thống kê của Hội đồng Du lịch thế giới, khách du lịch đóng góp tới 13% GDP của khu vực Ðông Nam Á năm 2018, cao thứ hai chỉ sau khu vực Caribbe. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD doanh thu khu vực trong năm 2018.
Với tầm quan trọng như vậy, việc các nước ASEAN phối hợp hành động để từng bước mở cửa lại thị trường du lịch sẽ có tác động rất lớn đến sự phục hồi của thị trường tại từng nước ASEAN cũng như thị trường khu vực và đón đầu sự phục hồi của thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, dịch vụ các sản phẩm du lịch phần nhiều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các doanh nghiệp lớn với vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để cùng vượt qua khó khăn.
Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia phân tích về chuỗi giá trị toàn cầu và sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đánh giá của ông Lực, ASEAN vẫn chưa định vị được mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về khái niệm chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay, ông Lực phân tích về liên kết ngược là sử dụng nguyên liệu sản xuất từ doanh nghiệp FDI hoặc nhập khẩu nguyên liệu và liên kết xuôi là cung cấp nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp FDI hoặc xuất khẩu nguyên liệu. Vì vậy, với Việt Nam và các nước ASEAN, các nước cần phải biết rõ mình muốn gì trong chuỗi giá trị toàn cầu và đang ở giai đoạn nào của tiến trình tham gia chuỗi để có chính sách phù hợp.
Hiện nay, theo ông Lực, Việt Nam đang tham gia tương đối thấp vào chuỗi giá trị toàn cầu dù hiểu rõ rằng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mang lại lợi ích vô cùng to lớn. Thể hiện ở 94% doanh nghiệp Việt Nam khi được khảo sát cho rằng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu rất có ý nghĩa, tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường, mở rộng đối tác.
Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo ông Lực, một trong những giải pháp vô cùng quan trọng là tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác nội khối ASEAN, tìm tiếng nói chung nhiều hơn, để hạn chế những “cuộc đua ưu đãi xuống đáy”.
Bình luận