• Zalo

Các nữ lãnh đạo thế giới đang đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 ra sao?

Thời sự quốc tếThứ Năm, 16/04/2020 08:07:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các nữ lãnh đạo nhiều khu vực trên thế giới đang thể hiện tài năng và thành công trong việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Tháng 12/2019, khi tiếp cận thông tin về virus bí ẩn đang lây nhiễm giữa các công dân Vũ Hán, lãnh đạo Đài Loan, Thái Anh Văn đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tất cả các máy bay từ Vũ Hán đến Đài Loan.

Bà Thái Anh Văn yêu cầu thiết lập trung tâm kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh sản xuất trang bị bảo hộ cá nhân và hạn chế các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.

Các nữ lãnh đạo thế giới đang đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 ra sao? - 1

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. (Ảnh: EPA-EFE)

Tại Đài Loan, các biện pháp can thiệp sớm đã giúp họ kiểm soát dịch bệnh thành công. Hiện Đài Bắc có thể xuất khẩu hàng triệu khẩu trang để giúp châu Âu và các khu vực khác chống dịch.

Đến 15/4, Đài Loan chỉ ghi nhận 393 ca mắc COVID-19 và 6 ca chết người.

Tại Đức, chương trình xét nghiệm quy mô lớn nhất châu Âu được triển khai, với khoảng 350.000 xét nghiệm mỗi tuần. Các bệnh nhân COVID-19 được phát hiện sớm và cách ly kịp thời.

Thủ tướng Đức Angela Merkel là tiến sĩ hóa học lượng tử, hiện giành tỷ lệ ủng hộ ngày càng cao, nhờ khả năng ứng phó với đại dịch COVID-19.

Các nữ lãnh đạo thế giới đang đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 ra sao? - 2

Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi dịch bệnh là "thách thức lớn nhất kể từ thế chiến 2". (Ảnh: Reuters)

Đức có hơn 132.000 ca mắc COVID-19, tuy nhiên tỷ lệ người chết tính trên 1 triệu dân thấp hơn phần lớn các nước châu Âu khác. 

Ngoài ra, Đức có số giường bệnh chăm sóc đặc biệt và chương trình xét nghiệm quy mô lớn nhất châu Âu.

“Có lẽ sức mạnh lớn nhất ở Đức là quyết định lý trí được đưa ra ở cấp chính phủ, cùng với sự tin tưởng chính phủ đối với người dân”, Hans-Georg Kräusslich, trưởng khoa virus học tại Đại học Heidelberg trả lời The New York Times.

Giống như Đức, New Zealand cũng thực hiện xét nghiệm trên diện rộng và ghi nhận hơn 1.300 ca mắc COVID-19 song chỉ có 9 ca chết người.

New Zealand là quốc đảo với gần 5 triệu dân, có nền kinh tế phụ thuộc mạnh mẽ vào du lịch. Tuy nhiên Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern quyết định đóng cửa biên giới từ ngày 19/3 và thông báo phong tỏa toàn quốc ngày 23/3.

Bà Jacinda Ardern yêu cầu những người dân ở nhà và chỉ ra ngoài để mua thực phẩm hoặc tập thể dục cạnh nhà.

Các nữ lãnh đạo thế giới đang đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 ra sao? - 3

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. (Ảnh: Getty Images)

 

Hiện New Zealand trải qua một nửa thời gian phong tỏa và Thủ tướng Ardern tuyên bố, lệnh này sẽ chưa thể kết thúc sớm.

New Zealand, Đài Loan và Đức hiện kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh nhờ những can thiệp sớm và khoa học. Họ triển khai xét nghiệm trên diện rộng, sớm cho người dân tiếp cận điều trị y tế chất lượng, truy dấu những người có tiếp xúc với các ca bệnh và hạn chế nghiêm ngặt tiếp xúc xã hội.

Ngoài ra, các nữ lãnh đạo ở nhiều nước khác cũng để lại ấn tượng trong cách ứng phó của họ đối với virus corona.

4 trong số 5 quốc gia Bắc Âu có lãnh đạo là phụ nữ. Các quốc gia này đều có tỷ lệ chết người do COVID-19 thấp hơn so với phần còn lại của châu Âu.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, 34 tuổi, nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới, nhưng có tỷ lệ ủng hộ 85% từ người Phần Lan vì có sự chuẩn bị tốt ngăn ngừa đại dịch.

Hiện Phần Lan chỉ có 59 ca thiệt mạng trong tổng số 5,5 triệu dân.

Các nữ lãnh đạo thế giới đang đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 ra sao? - 4

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin. 

Đối nghịch với cách phản ứng can thiệp này là Thụy Điển, nước Bắc Âu duy nhất không có nữ lãnh đạo. Thủ tướng Stefan Löfven từ chối phong tỏa và duy trì mở cửa trường học, doanh nghiệp. Hiện tỷ lệ tử vong ở đây cao hơn nhiều nước châu Âu khác.

Thủ tướng Iceland, Katrín Jakobsdóttir, lãnh đạo quốc đảo nhỏ chỉ có 360.000 dân số. Nhưng Iceland sớm can thiệp và xét nghiệm ngẫu nhiên quy mô lớn. Từ đó phát hiện ra khoảng một nửa số người mắc bệnh không có triệu chứng.

Iceland cũng ráo riết truy tìm và cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Thủ tướng Silveria Jacobs của Sint Maarten, điều hành một hòn đảo nhỏ bé vùng Caribbean, chỉ với 41.000 dân số. Nhưng đoạn video bà Jacobs nói với các công dân việc "đơn giản là ngừng di chuyển" trong 2 tuần đã được lan truyền khắp thế giới.

"Nếu bạn không có loại bánh mì bạn thích trong nhà, hãy ăn bánh quy. Nếu bạn không có bánh mì, hãy ăn ngũ cốc. Ăn yến mạch", bà Jacobs nhấn mạnh.

Video: Thủ tướng Angela Merkel tự cách ly tại nhà

Mặc dù vẫn còn quá sớm để khẳng định các nhà lãnh đạo quốc gia và vùng lãnh thổ nào sẽ thực hiện đầy đủ và đúng đắn các biện pháp chống dịch, nhưng các ví dụ trên cho thấy phần lớn các lãnh đạo hành động sớm và quyết liệt là phụ nữ.

Phương Anh(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn