Năm qua là thời gian thuận buồm xuôi gió của các gia tộc giàu có ở nhiều quốc gia. Theo báo cáo của Bloomberg, tài sản của 25 gia tộc giàu nhất thế giới đã tăng hơn 22%, tương đương với 312 tỷ USD, tổng tài sản chạm tới con số khổng lồ 17 nghìn tỷ USD. Nhờ có thanh khoản dồi dào, thị trường chứng khoán diễn biến có lợi và việc điều chỉnh các chính sách thuế, các gia tộc này đã giàu nay càng giàu hơn.
Đứng đầu bảng xếp hạng các gia tộc giàu nhất thế giới 4 năm liên tiếp là nhà Waltons tại Arkansas, Mỹ. Đây là gia tộc sở hữu gần một nửa công ty bán lẻ Walmart với giá trị tài sản ròng 238,2 tỷ USD.
Hồi tháng 2, nhà Waltons đã bán bớt số cổ phiếu trị giá 6 tỷ USD - cao gấp đôi số tiền thưởng Walmart trả cho tất cả 1,5 triệu công nhân Mỹ vào năm ngoái để ghi nhận những đóng góp của họ trong thời gian diễn ra COVID-19. Tuy nhiên, việc này gần như không gây ra tổn hại đáng kể nào cho tài sản của họ, các thành viên Waltons vẫn kiểm soát trực tiếp 1.334.480.250 cổ phiếu của Walmart. Không chỉ vậy, tổng tài sản của họ còn tăng 23 tỷ USD trong năm qua do giá cổ phiếu tăng.
Thành công của Walmart đã giúp gia tộc ở Arkansas vượt mặt các tỷ phú danh tiếng Jeff Bezos và Elon Musk về độ giàu có, đồng thời kéo khoảng cách tài sản giữa họ và gia tộc giàu thứ hai thế giới lên 100 tỷ USD.
Cả hai gia tộc giàu có đứng đầu thế giới là nhà Waltons và nhà Mars đều nằm trong số những doanh nhân thắng trong năm qua, khi đại dịch định hình lại cách con người sống và làm việc. Tài sản của gia tộc sở hữu thương hiệu Hermes cũng tăng vọt tới 75%, đạt mức 111,6 tỷ USD.
Đặc biệt, trong bảng xếp hạng các gia tộc giàu có có một hoàng tộc: nhà Al Saud - hoàng gia Ả Rập Xê Út. Trong gần một thế kỷ nắm giữ hoàng vị, khối tài sản khổng lồ của gia đình Al Saud đã lên tới 100 tỷ USD. Số tiền khổng lồ này được tích lũy sau hơn 50 năm nhờ Royal Diwan, văn phòng điều hành của nhà vua.
Tài sản của hoàng gia Ả Rập Xê Út vẫn tăng đều nhờ mối quan hệ với tập đoàn Saudi Aramco, gã khổng lồ trong ngành dầu mỏ với lợi nhuận cao nhất thế giới. Không chỉ vậy, tài sản thực tế mà nhà Al Saud sở hữu rất có thể còn lớn hơn nhiều do hoàng tộc này có tới 15.000 thành viên, nhiều người trong số họ đã thành lập doanh nghiệp riêng.
Bảng xếp hạng gia tộc giàu có cũng xuất hiện thêm vài cái tên mới, bao gồm nhà Dassaults của Pháp - chủ hãng hàng không Dassault Aviation - và nhà Lauders, chủ hãng mỹ phẩm được phụ nữ cả thế giới ưa chuộng Estee Lauder có trụ sở tại New York. Sự trỗi dậy của gia tộc Lauders có thể nói là một sự kiện đáng kinh ngạc do ngành công nghiệp Mỹ phẩm đã thiệt hại nặng nề và được dự báo sẽ diễn biến ảm đạm trong đại dịch.
Dễ thấy rằng những thay đổi trong thời kỳ mới đã đem lại lợi ích lớn cho người giàu. Chuyên gia Bob Lord, một luật sư thuế tại Arizona, ví một năm qua giống như “cơn bão tích lũy tài sản của các gia tộc”.
Tuy nhiên, không phải tất cả hậu duệ của gia tộc giàu có đều gặp may. Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đề xuất nhiều cách khác nhau để nhằm vào người giàu, bao gồm tăng mạnh thuế thu nhập cao và đưa ra loạt quy định mới gây khó khăn cho việc chuyển giao tài sản cho người thừa kế.
Kết quả của chính sách mới là nhà Mills ở Chicago phải bán lại doanh nghiệp y tế Medline với giá hơn 30 tỷ USD để đón đầu các mức phạt cao ngất ngưởng của chính phủ, cũng như cung cấp thanh khoản cho các thành viên trong gia đình.
Tại Hàn Quốc, nhà họ Lee sở hữu Samsung cũng gặp vận rủi khi gia chủ Lee Kun-hee qua đời vào năm ngoái. Họ đã bị loại khỏi danh sách các gia tộc giàu có hàng đầu thế giới sau khi phải trả khoản thuế thừa kế trị giá 11 tỷ USD.
Tuy thuế thừa kế là một vấn đề gây đau đầu cho các tân gia chủ, nhưng một số gia tộc giàu có vẫn thành công trốn thuế theo nhiều cách. Ở Pháp, tiền thừa kế bị đánh thuế lên tới 45% nhưng quốc gia này vẫn tự hào có 4 gia đình được xếp vào hàng giàu nhất thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài Mỹ.
Bình luận