Sáng 1/2, đảo chính xảy ra ở Myanmar sau khi cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị quân đội bắt giữ. Sau sự kiện này, Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp và Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền.
Giới chức quân đội Myanmar tuyên bố, họ tiến hành các vụ bắt giữ này để phản ứng lại những gian lận đã xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái ở Myanmar. Đồng thời, quân đội nước này cho rằng, hành động của họ là cần thiết để bảo vệ “sự ổn định” của đất nước, cáo buộc ủy ban bầu cử quốc gia đã không giải quyết “những sai phạm lớn” trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020.Đây không phải lần đầu tiên ở Myanmar xảy ra chính biến, trong lịch sử nước này đã diễn ra các các cuộc đảo chính vào năm 1962 và 1988.
Cuộc chính biến năm 1962
Trước khi giành độc lập, có nhiều đảng phái chính trị khác nhau cùng tồn tại ở Myanmar với cùng mục tiêu là chống lại thực dân Anh, giành độc lập. Vào thời điểm đó, có 2 đảng mạnh hơn cả là đảng Nhân dân cách mạng do tướng Aung San đứng đầu và Đảng cộng sản Miến Điện do Than Tun đứng đầu.
Sau khi Myanmar giành độc lập, 14 năm cầm quyền của Thủ tướng U Nu thực thi chế độ chính trị Nghị viện dân chủ đa đảng (1948 - 1962). Đây được xem là những năm tháng có sự ra đời hàng loạt đảng phái chính trị từ các thành phố lớn cho tới các bang và vùng biên giới.
Trong thời gian này, do sai lầm về đường lối của Thủ tướng U Nu, Myanmar trở nên rối loạn, nội chiến diễn ra khắp nơi, các đảng phái công kích nhau. Đảng cầm quyền của Thủ tướng U Nu bất lực dẫn đến hậu quả là cuộc đảo chính quân sự ngày 2/3/1962 lật đổ chế độ Nghị viện dân chủ đa đảng của Thủ tướng U Nu.
Sáng sớm ngày 2/3/1962, xe tăng quân đội Myanmar (Tatmadaw) lăn bánh qua các đường phố của Rangoon và quân đội giành quyền kiểm soát các tòa nhà quan trọng, trong đó có cả văn phòng, tòa nhà chính phủ và Tòa án tối cao.
Các nhân vật chủ chốt, gồm Thủ tướng U Nu và các thành viên khác trong nội các đã bị bắt. Mặc dù cuộc đảo chính này được cho không có đổ máu song sự việc đáng tiếc đã xảy ra khi Sao Mye Thaik - con trai của vị Tổng thống đầu tiên của Myanmar Sao Shwe Thaik, bị bắn chết khi cố gắng bảo vệ cha mình.
Cuộc đảo chính mở đường cho tướng Ne Win giới thiệu về “Con đường Miến Điện đến CNXH”, một sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác, Phật giáo và chủ nghĩa dân tộc. Điều này đã khiến cho Myanmar cô lập với phần còn lại của thế giới. Sự thay đổi này đã tàn phá một trong những nền kinh tế giàu có nhất trong khu vực lúc bấy giờ. Chính sách quản lý, điều hành khắc nghiệt chính phủ với người dân đã thổi bùng lên sự phẫn nộ, châm ngòi cho cuộc chính biến vào năm 1988.
Cuộc đảo chính năm 1962 chứng kiến Hội đồng Cách mạng Liên minh quân sự do Tướng Ne Win đứng đầu thay thế chính phủ Liên minh tự do nhân dân của Thủ tướng U Nu và bãi bỏ hiến pháp năm 1947.
Trong 26 năm cầm quyền của Thủ tướng Ne Win (1962 - 1988), Myanmar đã thực hiện chế độ độc đảng, đó là đảng Cương lĩnh XHCN Miến Điện (BSPP) do Thủ tướng Ne Win thành lập ngày 4/7/1962. Chính phủ của Thủ tướng Ne Win tuyên bố đảng Cương lĩnh XHCN Miến Điện là đảng chính trị duy nhất lãnh đạo "Liên bang cộng hòa XHCN Miến Điện" tiến lên CNXH, các đảng khác bị giải thể, tài sản bị sung công, các tổ chức tôn giáo được phép hoạt động nhưng phải đăng ký.
Cuộc nổi dậy năm 1988
Mặc dù giàu tài nguyên nhưng Myanmar đã trải qua một thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài sau khi quân đội tiếp quản đất nước vào năm 1962. Và sinh viên bắt đầu bày tỏ sự bất bình của họ đối với nền kinh tế và những hạn chế rộng rãi của chính phủ đối với tự do cá nhân.
Htay Kywe - trưởng nhóm sinh viên cho biết: “Sinh viên chúng tôi không có hy vọng kiếm được việc làm sau giờ học. Chúng tôi đã hoàn toàn bị mất việc làm".
Sự bất đồng của sinh viên cuối cùng đã phát triển thành một phong trào do sinh viên lãnh đạo kêu gọi dân chủ vào mùa hè năm 1988. Hôm 8/8/1988 diễn ra cuộc biểu tình, hàng người đã diễu hành trên các đường phố của Rangoon - thủ đô vào thời điểm đó, và ở các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước.
Nhà hoạt động sinh viên Khin Ohmar nói: “Nó giống như bạn đang xem sóng ở bãi biển”. Những người biểu tình đã hát quốc ca và hô vang những khẩu hiệu như "hãy chấm dứt chế độ độc tài quân sự để thiết lập nền dân chủ”.
Khi các cuộc biểu tình phát triển từ một phong trào do sinh viên lãnh đạo thành một cuộc nổi dậy toàn quốc, cần có người lãnh đạo. Vào cuối mùa hè, bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước Myanmar người vừa bị bắt đứng lên lãnh đạo phong trào dân chủ.
Các nhà hoạt động sinh viên đã thuyết phục bà Aung San Suu Kyi tham gia phong trào và vào ngày 26/8, bà đã có bài phát biểu quan trọng đầu tiên tại chùa Shwedagon của Rangoon. Bài phát biểu của bà gây tiếng vang, thuyết phục hàng triệu người.
Nhà độc tài cầm quyền lâu đời Ne Win đã từ chức vào cuối tháng 7. Khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trong mùa hè, những người cầm quyền đã hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng, nhưng điều này không làm hài lòng những người biểu tình.
Đến tháng 9, phần lớn chính quyền của chính phủ đã sụp đổ khi các công chức, đơn vị cảnh sát và thậm chí một số binh sĩ tham gia biểu tình. Các nhà hoạt động đã tổ chức cho công dân thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản của chính phủ. Các nhà lãnh đạo sinh viên và một số chính trị gia lớn tuổi bắt đầu xây dựng những gì họ hy vọng sẽ là nền tảng của một chính phủ chuyển tiếp.
Phong trào nổi dậy đòi dân chủ trên toàn quốc dừng lại vào ngày 18/9, khi chính phủ Myanmar công bố một nhà cầm quyền quân sự mới, áp đặt thiết quân luật và cấm tất cả các cuộc biểu tình công khai. Ngày hôm sau, quân đội bắt đầu cuộc đàn áp trên khắp đất nước.
Khi vụ nổ súng cuối cùng kết thúc, khoảng 3.000 người đã bị giết trong cuộc nổi dậy. 3.000 người Miến Điện khác bị bỏ tù, và khoảng 10.000 nhà hoạt động đã bỏ trốn khỏi đất nước.
Bình luận