• Zalo

Toàn cảnh cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar

Tư liệuThứ Hai, 01/02/2021 14:43:30 +07:00Google News
(VTC News) -

Quân đội Myanmar hôm 1/2 tuyên bố tình trạng khẩn cấp và sẽ kiểm soát Myanmar trong một năm, sau khi bắt giữ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao khác của đảng cầm quyền bị bắt trong một cuộc đột kích vào sáng sớm ngày 1/2.

Quyền lực hiện được giao cho Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, theo Reuters. Phó Tổng thống Myint Swe, một cựu tướng quân đội, sẽ tiếp quản quyền lực từ Tổng thống Win Myint, theo Channel News Asia. 

Sự việc diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ và quân đội Myanmar. Quân đội khẳng định cuộc bầu cử trước đó, khi đảng của bà Suu Kyi chiến thắng, đã bị gian lận.

Ủy ban bầu cử bác bỏ cáo buộc gian lận, khẳng định không có sai sót đủ lớn để ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu.

Toàn cảnh cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar - 1

Quân đội Myanmar hôm 1/2 tuyên bố tình trạng khẩn cấp và sẽ kiểm soát Myanmar trong một năm. 

Ngân hàng đóng cửa, internet gián đoạn

Các ngân hàng Myanmar tạm thời ngừng dịch vụ tài chính hôm 1/2 do kết nối internet kém trong tình hình chính trị hiện tại, Hiệp hội Ngân hàng Myanmar cho biết.

Các ngân hàng sẽ xin phép ngân hàng trung ương về việc đóng cửa tạm thời và thông báo khi họ có kế hoạch khởi động lại các dịch vụ.

Kết nối Internet ở Myanmar gián đoạn sau thông tin về vụ bắt giữ. Theo báo cáo, mạng chập chờn từ khoảng 3 giờ sáng. Tình trạng mất kết nối tiếp tục, giảm xuống 75% và sau đó là 50% mức thông thường vào 8 giờ sáng.

Các đường dây điện thoại đến Naypyitaw và trung tâm thương mại chính tại Yangon đều không thể kết nối được và truyền hình nhà nước đã tắt sóng trước giờ quốc hội dự họp lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử của NLD.

Quốc tế phản ứng

Sau chính biến tại Myanmar, Liên hợp quốc và một số nước lên tiếng phản đối hành động bắt giữ và kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng quân đội nên tôn trọng ý chí của người dân Myanmar và giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này cảm thấy “vô cùng lo ngại và đáng báo động” về thông tin quân đội Myanmar bắt giữ các quan chức chính phủ và lãnh đạo xã hội dân sự. “Mỹ ủng hộ người dân Burma (Myanmar) với mong muốn dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội nên rút lại các hành động ngay lập tức”, ông nói. Mỹ cảnh báo sẽ có hành động nếu quân đội Myanmar không thả người.

Australia kêu gọi quân đội Myanmar "tôn trọng pháp quyền, giải quyết các tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người khác đã bị giam giữ bất hợp pháp".

Singapore, trong khi đó cho biết đang theo dõi tình hình và mong các bên kiềm chế, duy trì đối thoại, hướng tới kết quả hòa bình. Thái Lan thì cho rằng việc bà Suu Kyi bị bắt là “việc nội bộ” của Myanmar.

Toàn cảnh cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar - 2

Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

Các diễn biến chính

Tháng 11/2015:Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đình đám và bà Suu Kyi đảm nhận quyền lực trong vai trò cố vấn nhà nước. Bà cam kết sẽ giải quyết vô số xung đột sắc tộc của nước này, thu hút đầu tư nước ngoài và tiếp tục các cải cách do cựu tướng Thein Sein khởi xướng.

2016-2017: Xung đột giữa phiến quân Rohingya và quân đội khiến khoảng 800.000 người phải rời khu vực sang nước láng giềng Bangladesh, đồng thời các chiến dịch an ninh của quân đội Myanmar bị quốc tế chỉ trích gay gắt. Bà Suu Kyi khi đó nói rằng "những kẻ khủng bố" đang đứng sau "tảng băng thông tin sai lệch" về vụ việc.

2019: Vấn đề người Rohingya được đệ trình tại tòa án công lý quốc tế. Bà Suu Kyi bác bỏ các cáo buộc là "không đầy đủ và gây hiểu lầm" nhưng nói rằng tội ác chiến tranh có thể đã xảy ra.

2020: Đại dịch COVID-19 quét qua Myanmar. Chính phủ phong tỏa Yangon, thủ đô thương mại và các khu vực khác nhưng khẳng định một cuộc bầu cử vào ngày 8/11 sẽ diễn ra.

Ủy ban bầu cử của Myanmar hủy bỏ cuộc bỏ phiếu ở những vùng đất rộng lớn của bang Rakhine, nơi các cuộc giao tranh đã khiến nhiều người thiệt mạng và phải di tản. Ủy ban cho biết một số khu vực “không thể tổ chức bầu cử tự do và công bằng”.

Ngày 3/11: Chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing nói rằng chính phủ dân sự đang mắc phải “những sai lầm không thể chấp nhận được” trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Bà Suu Kyi kêu gọi người dân bình tĩnh và các cử tri không sợ hãi. 

Ngày 9/11:NLD tuyên bố giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội. 

Ngày 11/11: Phe đối lập chính, Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh (USDP) do quân đội hậu thuẫn, yêu cầu tổ chức lại cuộc bầu cử và kêu gọi sự trợ giúp của quân đội để đảm bảo sự công bằng.

Ngày 13/11:NLD cho biết họ sẽ tìm cách thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc sau khi kết quả bầu cử chính thức cho thấy họ giành đủ số ghế thành lập chính quyền tiếp theo.

Ngày 26/1/2021:Phát ngôn viên quân đội, Chuẩn tướng Zaw Min Tun cảnh báo sẽ "hành động" nếu tranh chấp bầu cử không được giải quyết, không loại trừ đảo chính, yêu cầu ủy ban bầu cử điều tra danh sách cử tri.

Ngày 28/1:Ủy ban bầu cử bác bỏ các cáo buộc gian lận phiếu bầu.

Ngày 30/1: Quân đội Myanmar cho biết họ sẽ bảo vệ và tuân thủ hiến pháp cũng như hành động theo luật pháp. Các cuộc biểu tình ủng hộ quân đội được tổ chức tại một số thành phố lớn, bao gồm cả Yangon. Ngày hôm sau, quân đội "phủ nhận dứt khoát" việc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ trong một tuyên bố trên Facebook.

Ngày 1/2: Bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng sớm.

Phương Anh(Nguồn: Reuters, Channel News Asia)
Bình luận
vtcnews.vn