Tham dự tọa đàm có Tiến sĩ Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội Nhân văn cùng một số chuyên gia và trên 250 sinh viên.
Chia sẻ cùng các bạn sinh viên, GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH - NV kể lại câu chuyện về một người bạn cùng đi du học ở Đức vì tiết kiệm tiền nên không tham gia BHYT, nhưng rồi đau răng phải vào viện điều trị và không đủ tiền chi trả vì chi phí ở bệnh viện nước ngoài rất đắt đỏ. Không biết phải làm thế nào để thoanh toán xuất viện, thầy cô và bạn bè phải cùng quyên góp tiền để trả viện phí cho người bạn này.
GS. TS Phạm Quang Minh nhắn nhủ sinh viên, không bao giờ được chủ quan, ốm đau, bệnh tật có thể đến với bất kỳ ai dù là người đang ở tuổi thanh niên khỏe mạnh. Chính vì vậy tham gia BHYT là sự bảo đảm tốt nhất cho bản thân, gia đình và chia sẻ với cộng đồng xã hội.
Còn theo TS.Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ở nước ngoài, khi một đứa trẻ ra đời, điều đầu tiên bố mẹ quan tâm và làm ngay là tham gia các loại hình BHXH xã hội cho con; không tham gia BHXH cho con cái sẽ khiến bố mẹ cảm thấy bất an.
Tham gia bảo hiểm nhất là BHXH không chỉ là việc thực hiện theo luật định mà đã trở thành một nét văn hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện, diện bao phủ BHXH, BHYT tăng lên, nhất là tỷ lệ tham gia BHYT hiện đã đạt trên 86% dân số cả nước.
Tuy nhiên để một chính sách đi vào cuộc sống và để tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT phát triển có tính bền vững hơn, ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, rất cần đến sự nhận thức và tinh thần chủ động thực hiện từ phía người dân.
Với vai trò là đội ngũ trí thức, chủ nhân tương lai của đất nước, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam mong các bạn sinh viên sẽ là lực lượng tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện chính sách BHXH, BHYT nhất là BHYT học sinh, sinh viên.
Quan trọng hơn, từ nhận thức và ý thức chủ động tham gia, sinh viên cần lan tỏa đến người thân, gia đình và những người khác trong cộng đồng, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Là một trong những người được Quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị bệnh tiểu đường và ung thư trong suốt gần hai năm qua, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh:" Báo chí phải phản ánh, phê phán mạnh mẽ các trường hợp trục lợi BHYT, nhất là với những đối tượng đi khám nhiều lần tại nhiều cơ sở y tế để lạm dụng, lấy thuốc".
Còn theo Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương, BHYT là chính sách cực kỳ quan trọng đối với người lao động, chi phí khám, điều trị sẽ rất lớn nếu không có BHYT hỗ trợ. Tại Việt Nam, mệnh giá BHYT không hề cao, học sinh, sinh viên còn được hỗ trợ đóng, đây là sự ưu đãi rất lớn, rất thuận lợi để tham gia.
Mức sống của sinh viên bây giờ cũng ở mức tương đối, chuyện không có tiền đóng BHYT gần như là không có, chỉ cần tiết kiệm các khoản chi phí khác một chút là có thể mua BHYT, bảo đảm sức khỏe trong suốt 12 tháng.
Tiến sĩ Đoàn Hương khuyến nghị, cần tổ chức chiến dịch truyền thông hoặc sự kiện truyền thông lớn để chuyển tải thông điệp về bản chất nhân văn của chính sách BHXH, BHYT tới đông đảo sinh viên cũng như người dân, giúp cho cộng đồng hiểu, tham gia BHYT chính là sự tự bảo vệ bản thân tốt nhất.
Bình luận