Sáng 5/11, tại hội thảo Tìm giải pháp chống ngập do báo Tiền Phong phối hợp Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức, nhiều giải pháp chống ngập tiếp tục được các chuyên gia đề xuất, thảo luận.
Tại hội thảo, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm chống ngập TP.HCM cho biết, nhiều năm qua, TP.HCM đã nỗ lực đưa ra các giải pháp, xây dựng các công trình chống ngập và đạt được những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên do tốc độ đô thị hoá nhanh, người dân xả rác bừa bãi và mưa kết hợp với triều cường dẫn đến việc giải quyết tình trạng ngập nước chưa giải quyết được.
“Để giải quyết tình trạng trên, những năm gần đây, TP.HCM ưu tiên xây dựng và cải tạo các tuyến cống thoát nước. Cụ thể, các dự án đang được xây dựng như: Dự án nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên với chiều dài 32km; Dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2km; Dự án cải tạo rạch chính khu vực nội đô; Xây dựng 3 hồ điều tiết; Dự án quy hoạch 1547; Xây dựng 8 cống kiểm soát triều cường….”, ông Long nói.
Còn ông Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM chỉ ra việc TP.HCM liên tục xảy ra tình trạng ngập nước gây về vật chất, tinh thần của khoảng 3 triệu người dân.
“Các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vui chơi giải trí… bị đình trệ; tổn thất cơ sở hạ tầng, công trình nhà ở; công ăn việc làm; tai nạn giao thông; vệ sinh môi trường… bị ảnh hưởng từ tình trạng ngập nước. Thiệt hại do ngập nước gây ra rất lớn”, ông Thành nói.
Về giải pháp chống ngập, ông Thành cho biết: “TP.HCM nên gấp rút thực hiện quy hoạch 752, cải tạo các kênh rạch và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, trạm bơm; sớm hoàn thiện dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng; xây hồ điều tiết… để chống ngập”.
Kĩ sư Nguyễn Trọng Dần (Hội viện hội khoa học kĩ thuật máy thuỷ khí Việt Nam) cho biết, chống ngập úng là vấn đề rất khó khăn và phức tạp của tất cả quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.
Theo ông Dần, việc nâng cốt nền đường giao thông làm tăng tốc độ dốc thoát nước để giải quyết tình trạng ngập úng tại TP.HCM là không đúng.
“Thực chất việc nâng đường không làm tăng tốc độ dốc thoát nước mà còn gây ra hệ luỵ như: Tạo sự phân cách giữa các khu vực trũng thấp, ngăn cản việc tiêu thoát úng bởi các con đường mới tôn cao, khu dân sinh sẽ ngập nặng hơn. Đường cao hơn nhà, phá vỡ quy hoạch mặt bằng giao thông, thương mại hiện hành dẫn đến hậu quả khó khắc phục như đường Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Quá”, ông Dần lý giải.
Về giải pháp tạo các hầm điều hoà và hồ điều hoà bằng công nghệ, ông Dần cho biết, do dung tích khiêm tốn chỉ vài trăm mét khối nên nó sẽ không có ý nghĩa, trong khi cần lưu ý đến môi trường.
Hầm điều hoà và hồ điều hoà có tác dụng tốt khi sở hữu dung tích đủ lớn từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn mét khối.
Về giải pháp chống ngập bằng siêu máy bơm của Tập đoàn Quang Trung, ông Dần cho biết thiết bị trên cơ bản giúp đường Nguyễn Hữu Cảnh kiểm soát được ngập. Tuy nhiên đây là phương án tình huống cho giai đoạn trước mắt từ 10 – 15 năm tới.
Bình luận