• Zalo

Các bước sơ cứu người bị điện giật

Sức khỏeThứ Sáu, 25/10/2019 15:02:00 +07:00 Google News

Khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng tìm cách tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện và thực hiện các biện pháp sơ cứu cơ bản.

Theo các chuyên gia, những tai nạn điện giật thường xảy ra khi nạn nhân bất ngờ hay vô tình tiếp xúc với điện. Người bị điện giật nếu không được sơ/cấp cứu kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề như: bỏng, ngừng hô hấp hay thậm chí là thiệt mạng. Vì vậy nắm rõ các bước sơ cứu ban đầu cho người bị điện giật rất quan trọng.

1

 Khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng tìm cách tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. (Ảnh: SKDS)

 Dưới đây là những bước sơ cứu cho người bị điện giật:

Bước 1: Khi phát hiện người bị điện giật bạn cần nhanh chóng tìm và cắt ngay nguồn điện đang tiếp xúc với nạn nhân. Đeo găng tay cao su, đi guốc dép khô hay đứng trên một tấm ván khô, dùng gậy gỗ khô để gạt dây điện ra. Lưu ý, không dùng tay không, que/gậy bằng kim loại hay vật dụng có dính nước…

Bước 2: Đặt nạn nhân ở nơi thoáng mát, tránh xa khói bụi, khí độc và nơi có nhiệt độ cao.

Bước 3: Kiểm tra nạn nhân xem còn thở không.

- Nếu nạn nhân không còn thở phải nhanh chóng hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc có dấu hiệu hồi phục mới thôi. Sau đó đưa nạn nhân tới cơ sở y tế nơi gần nhất.

- Trường hợp nạn nhân tự thở được cần kiểm tra ngay mức độ tổn thương ở các vị trí trên cơ thể, đặc biệt là vị trí nguy hiểm như đốt sống cổ. Bởi những tổn thương như vậy có thể gây liệt cho nạn nhân nếu không được sơ cứu kịp thời. Cố gắng động viên, an ủi để nạn nhân bình tĩnh, yên tâm rồi nhanh chóng đưa họ tới cơ sở y tế.

Cần chú ý, với trường hợp nạn nhân bị bỏng, cần băng, che phủ vùng bỏng với băng vô trùng hoặc quần áo sạch. Không dùng chăn mền hay khăn lau vì các chất liệu sợi thưa có thể dính vào vết bỏng.

Phòng ngừa điện giật như thế nào?

- Người dân cố gắng thiết kế những ổ điện an toàn, thường xuyên kiểm tra các hệ thống điện, đảm bảo thiết bị điện an toàn, không bị hở.

- Tuyệt đối không tự ý sửa chữa các thiết bị điện khi không có kỹ năng. Nếu sửa chữa, cần dùng găng tay, đi ủng, kiểm tra nguồn điện bằng bút thử điện và không dùng tay không để nối, cắt điện.

- Không dùng điện để bẫy chuột, bắt cá hoặc chống trộm.

- Với trẻ em, phụ huynh cần để các dụng cụ, dây dẫn điện tránh xa tầm tay của trẻ. Không để trẻ vui đùa gần các thiết bị điện, khu dẫn điện.

- Khi phát hiện nạn nhân bị điện giật cần nhanh chóng sơ cứu rồi đưa họ tới bệnh viện để được cấp cứu, hỗ trợ kịp thời, hạn chế tối đa hậu quả đáng tiếc.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn