Vụ đuối nước xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 2/6, tại bể bơi Fitness Garden, tòa nhà Golden Land 275 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Theo thông tin ban đầu, một người phụ nữ đưa 2 bé trai sinh đôi (khoảng 5 tuổi) đến bể để học bơi. Tuy nhiên, trong lúc người mẹ đang trò chuyện với thầy giáo dạy bơi về phương pháp học thì một trong hai bé lao xuống bể và bị ngạt nước.
Ngay khi phát hiện sự việc, nhiều người lao xuống đưa bé lên bờ thực hiện hô hấp nhân tạo, sơ cứu nhưng không kịp, cháu bé đã chết trước đó.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, người dân báo cho lực lượng chức năng để điều tra, làm rõ. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân xác nhận vụ việc trên và cho biết, một trong hai bé trai tử vong là anh em sinh đôi.
Đây là một trường hợp đuổi nước thương tâm đầu mùa hèn 2018, những sự việc tương tự từng xảy ra rất nhiều lần trong các năm qua do đó, cha mẹ cần nắm rõ phương pháp sơ cứu trẻ bị đuối nước, để cứu con mình khi tai nạn xảy ra.
Nguyên tắc cứu người đuối nước là cấp cứu tại chỗ, khẩn trương, đúng phương pháp. Mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho trẻ. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa trẻ ra khỏi nước:
- Nếu trẻ còn tỉnh giãy giụa dưới nước, ném cho trẻ một cái phao, một khúc gỗ hoặc một sợi dây để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Vì trẻ lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn.
Khi cấp cứu trẻ ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu trẻ nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho trẻ trấn tĩnh và thở.
Video: Chết đuối trên cạn - 'sát thủ' mùa hè nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết
- Nếu trẻ bất tỉnh dưới nước phải nhanh chóng đưa trẻ lên bờ và tiến hành cấp cứu tại chỗ. Đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng.
Nếu trẻ tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực. Khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân.
Dùng một tay (ở trẻ nhỏ) hoặc hai tay chồng lên nhau (ở trẻ lớn) đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim 30 nhịp, rồi hà hơi thổi ngạt 2 lần thật hiệu quả (nhìn thấy lồng ngực nhô lên).
Sau đó lập đi lập lại ấn tim 30 lần, hà hơi 2 lần trong vòng 2 phút, sau 2 phút đánh giá lại nạn nhân nếu vẫn chưa có nhịp tim, chưa tự thở được thì phải tiếp tục lập lại thaocho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi lực lượng cứu hộ đến và đưa tới cơ sở y tế gần nhất.
Cảnh giác phù phổi cấp sau khi đuối nước
Sau sơ cứu ban đầu người bị đuối nước tỉnh lại, cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước, hay còn được gọi là “chết đuối trên cạn” hay không.
Một người khi hít phải nước (đặc biệt là nước biển), nước hít vào trong phế nang phổi có thể kéo nước từ các mao mạch xung quanh phế nang vào trong lòng phế nang gây ra phù phổi. Trẻ có thể có các dấu hiệu như khó thở, đau ngực hoặc ho khạc đàm bọt hồng, tình trạng suy hô hấp tăng dần, để lâu, nguy cơ tử vong sẽ cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Những sai lầm cần tránh
- Nhiều người thường có thói quen dốc ngược trẻ, gọi là xốc nước, đây là hành động hoàn toàn sai vì lượng nước hít phải vào phổi khi đuối nước thực sự không nhiều, hành động này không giúp nước ra ngoài bao nhiêu mà còn làm mất thời gian quý giá để cấp cứu trẻ.
- Hơ lửa cũng là hành động sai, mọi người thường nghĩ làm vậy sẽ giúp trẻ ấm lại, nhưng thực ra có thể khiến trẻ bị phỏng và mất thời gian vàng để cấp cứu.
- Không hô hấp nhân tạo và ấn tim ngoài lồng ngực trong khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, dễ gây thiếu oxy não. Chúng ta biết ngạt quá 4 phút có thể gây tổn thương não, ngạt quá 10 phút có thể tử vong, nếu sống thì để lại di chứng não nặng nề.
Bình luận