Ngày 10/8, hàng loạt trang báo uy tín của Mỹ như New York Times, AP, Washington Post dẫn bài viết về dự án Xã hội trí tuệ nhân tạo, đồng sáng lập cuối năm 2017 bởi ông Michael Dukakis – cựu thống đốc Massachusetts, từng là ứng cử viên tổng thống và ông Nguyễn Anh Tuấn – "học giả Việt Nam nổi tiếng với thành tựu thành lập nhà cung cấp mạng internet đầu tiên và tờ báo điện tử trong nước đầu tiên, trước khi chuyển đến Mỹ vào năm 2007".
Dự án Xã hội trí tuệ nhân tạo (AIWS) xuất phát từ sự nỗ lực của những người sáng lập nhằm đảm bảo những công nghệ phát triển nhanh chóng được sử dụng một cách có trách nhiệm bởi các chính phủ trên khắp thế giới. Khi thông báo về sáng kiến này cùng ông Dukakis, ông Nguyễn Anh Tuấn hy vọng có thể đánh giá trí tuệ nhân tạo (AI) ở “phương diện con người” và xây dựng một “khung đạo đức” để phát triển công nghệ này.
“Trí tuệ nhân tạo ở khắp nơi xung quanh chúng ta từ lớn đến nhỏ - từ sử dụng chiếc điện thoại iPhone để ra lệnh cho Siri đến giải quyết những vấn đề phức tạp trong kinh doanh, sản xuất, giáo dục, chính phủ và y tế. Nhưng chúng ta phải luôn nghĩ đến tác động của AI với quy mô loài người, phải thận trọng về cách sự phát triển tiên tiến của AI ảnh hưởng và tác động đến chúng ta như những cá nhân và như toàn xã hội, và cách chúng ta có thể khai thác ích lợi của AI” – ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo AP, Sáng kiến Xã hội trí tuệ nhân tạo là một dự án nhằm đảm bảo AI trở thành một lực lượng “tử tế” phục vụ cho những lợi ích lớn nhất của con người và không trở thành một công nghệ đi ngược lại lợi ích của chính những người tạo ra nó – như một số tác phẩm khoa học viễn tưởng đề cập.
Cùng với ông Dukakis, ông Nguyễn Anh Tuấn sáng lập Viện lãnh đạo và đổi mới Michael Dukakis nhằm khuyến khích các lãnh đạo trẻ phát triển trong lĩnh vực an ninh mạng, AI và một số lĩnh vực khác, bên cạnh đó là Diễn đàn Boston toàn cầu, một cơ sở nghiên cứu về những giải pháp hòa bình cho các xung đột thế giới.
Video: Robot tuyên bố có thể làm Tổng thống tốt hơn ông Donald Trump
AIWS tổ chức hội thảo quốc tế tại Havard hồi tháng 4/2018 và đang đề xuất với Liên Hợp Quốc thành lập một cơ quan, cùng với cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, theo đuổi các thỏa thuận toàn cầu giữa các chính phủ rằng sẽ chỉ sử dụng AI cho những mục đích mang tính xây dựng. Những thỏa thuận quốc tế sẽ giúp đảm bảo “không còn xâm phạm tin tặc vào các cuộc bầu cử và hàng nghìn thứ bị cắt xén khác” – theo ông Dukakis.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để đề cập đến khả năng học và tự phát triển các kỹ năng nhận thức của máy tính bằng việc thu thập một lượng lớn dữ liệu. Công nghệ này đã có một số ứng dụng như ô tô không người lái, trợ lý ảo Alexa và Siri được sử dụng rộng rãi.
Lĩnh vực công dù vậy chưa tiếp nhận AI một cách nhanh chóng, trong khi những lợi ích đáng kể của công nghệ này được nhắc đến. Một nghiên cứu năm 2017 cho rằng đầu tư vào AI có thể giảm tải 1,2 tỷ giờ làm việc của các nhân viên chính phủ liên bang, tiết kiệm hơn 41 tỷ USD mỗi năm. Các tác giả nghiên cứu dự đoán AI có thể thay đổi đáng kể lĩnh vực này trong tương lai.
Bình luận