• Zalo

Các bà mẹ truyền "chiêu” chống thịt lợn nhiễm độc

Sức khỏeThứ Năm, 15/03/2012 08:21:00 +07:00Google News

(VTC News) – Hiện các bà, các mẹ đang xôn xao bàn tán và mách nước cho nhau những “chiêu” tránh xa thịt lợn bị bơm thuốc nhiễm độc.

(VTC News) – Sau khi thông tin lợn siêu nạc chứa chất Beta Agonists có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, thời điểm này, các bà, các mẹ từ công sở đến khu phố mách nước cho nhau những “chiêu” tránh xa thịt lợn nhiễm độc này…

Lo con quên thịt “nghiện” tôm

Mấy hôm nay, chị Hạnh Lê (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa một số đường link lên YMS (chat trên yahoo) và giựt những câu bắt mắt trên status, nào là “Mình phải tạm ngưng ăn thịt lợn chứ biết làm sao!”, nào là “Biết cho con ăn thịt gì đây?!”…

Bạn bè ai cũng tò mò click ngay vào đường link trên YMS của Hạnh Lê và thấy ngay bài báo về cuộc họp của Bộ Nông nghiệp mới đây tại Hà Nội về triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có nêu nhiều mẫu thịt lợn nhiễm chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists (chất làm giảm mỡ, tăng nạc). Theo Bộ này thì việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists trong chăn nuôi đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Người tiêu dùng "soi" kỹ hơn khi chọn mua thịt lợn (Ảnh: Internet) 
Đọc những thông tin về chất Beta Agonists chị Hạnh Lê mới tá hỏa vì giờ mới biết đó là nhóm hormone tăng trưởng có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm, có thể nhanh chóng biến một con heo gầy thành một con heo béo, giúp kích thích chuyển hóa protein một cách nhanh nhất, giảm mỡ tăng thịt thăn, nạc, màu sắc thịt đỏ đẹp…

Điều quan trọng là “nó” (thịt lợn nhiễm chất Beta Agonists) đã bị cấm sử dụng để chăn nuôi trên thế giới và ở Việt Nam do nhiều vụ ngộ độc và tai biến do ăn thịt chứa Beta Agonists được phát hiện dẫn đến các ảnh hưởng không mong muốn như làm tim đập nhanh, rung cơ, hồi hộp lo lắng và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của người, thậm chí nếu người tiêu dùng ăn phải sản phẩm động vật có tồn dư hormone này sẽ bị ngộ độc, nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Không chỉ chị Hạnh Lê, nhiều người càng lo lắng khi thấy trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh tại cuộc họp: "Bản thân chúng ta ngồi đây có ai dám ăn thịt chứa chất Clenbuterol và Salbutamol không? Có ai dám bỏ tiền túi mua những miếng thịt này về nấu cho con mình ăn không? Chúng ta không giấu diếm mà phải thông báo công khai để người dân không ăn phải thịt có chứa chất cấm".

Bà Liên (C2, khu đô thị Mỹ Đình 1) đọc xong thông tin về thịt lợn siêu nạc cảm thấy bị ám ảnh bởi bà có đứa cháu “cưng” 1 tuổi đang thời kỳ ăn cháo và thịt lợn nạc là một trong những món chính trong thực đơn của cháu bà.

Bà Liên bày tỏ: “Khi nghe con tôi đọc thông tin trên báo về thịt lợn có nhiễm chất Beta Agonists tôi chẳng dám cho cháu ăn ăn thịt mấy hôm nay rồi, không biết lâu nay bé ăn thịt có miếng nào bị nhiễm Beta Agonists hay không, lo quá, mình người lớn còn đề kháng tốt, bé thì biết làm sao?”

Không chỉ bà Liên, chính chị Hạnh Lê cũng ám ảnh không kém trước thông tin thịt lợn nhiễm Beta Agonists, nhà chị Hạnh Lê có 2 cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, trong đó cậu con lớn năm nay 6 tuổi lại rất mê món thịt nạc băm và thịt nạc rim, “giờ không cho con ăn cũng thấy thương, mà cho ăn thì lo ngay ngáy” – chị Hạnh Lê nói.

Thông tin về thịt lợn Beta Agonists thời gian này tác động đến các bà, các mẹ nhiều nhất vì đó là những người nội trợ chính trong gia đình, hâu hết hàng ngày họ đều “giao tiếp” với thịt. Trong câu chuyện thời sự tại các cơ quan, công sở hay khu dân cư đều có thể nghe các bà các cô, các mẹ, các chị em bàn tán, than thở, lo lắng về nỗi lo ăn phải thịt nhiễm Beta Agonists, nên những câu than thở như của chị Hạnh Lê hóa ra lại là nỗi niềm chung của nhiều người khi biết về thông tin chất Beta Agonists trong thịt lợn.

Mách nhau các “chiêu” quay lưng với thịt lợn nhiễm độc

Bà Liên từ khi biết thông tin trên, hàng ngày đi chợ bà chỉ nhăm nhăm các món tôm, cá, trứng cho thực đơn của cháu mình. Không chỉ cháu bé, gia đình bà 4 người lớn cũng nhất trí tạm thời “loại” món thịt lợn ra khỏi bữa ăn, bà Liên bảo vì nuôi cháu nhỏ nên cũng phải cẩn thận trong ăn uống, vì không cho cháu ăn thịt lợn nên cả gia đình bà Liên đều phải “kiêng thịt” theo.

Thực đơn cho bữa ăn cháu bé của bà Liên sẽ "tạm xa" món thịt lợn, thay vào đó là tôm và... thịt bò (Ảnh: Trần Vũ) 

Nhưng vì “kiêng” món thông dụng và chủ đạo lâu nay trong bữa ăn gia đình thì việc chọn các món khác thay thế cũng khiến cho ví tiền của bà Liên cũng vèo vèo theo tôm, cá, thịt bò… “Xót cả ruột nhưng vì an toàn nên… nghiến răng thôi” – bà Liên lắc đầu.

Chị Hạnh Lê thì vẫn rón rén mua thịt lợn nhưng chủ yếu bố mẹ ăn, 2 con thì chị mua hàng cân tôm sú đút tủ ăn dần, thay bằng thịt nạc rim thì giờ cậu con trai lớn của chị ăn tôm rim, tuy cậu cũng nhớ món thịt nhưng chị Hạnh Lê nịnh con vài câu là cu cậu nguôi nguôi chịu ăn tôm. “Có lẽ do tôm cũng… ngon, mình sợ sau đợt này con lại nghiện tôm thì chắc bố mẹ… lõm túi thôi” – chị Hạnh cười.

Bà Liên thì bày tỏ, hy vọng vụ “tẩy chay” thịt siêu nạc tạm lắng xuống một thời gian để người chăn nuôi bỏ chất Beta Agonists đi cho người tiêu dùng được “quay về ăn thịt lợn”.

Nhiều người như chị Hạnh Lê đều chia sẻ, lo thì lo nhưng vẫn phải ăn thịt thôi, bởi nghe nói chỉ khoảng gần 50% thịt lợn bị nhiễm Beta Agonists, “như vậy vẫn còn khoảng 50% là thịt an toàn”, theo đó, mọi người đều mong sao có nhiều thông tin chính thống “bày” cho các cách phân biệt được 50% thịt an toàn để không ai mua trúng phải thịt nhiễm độc.

Theo chị Hạnh Lê, các bạn chị đang truyền nhau mấy bí quyết để được ăn thịt an toàn, nào là vào mua thịt lợn trong Metro hay mua ở một số công ty thực phẩm có thương hiệu vì ở đó có nguồn gốc thịt rõ ràng, kiểm dịch tốt, nào là nếu mua ở các hàng thịt ngoài chợ thì cũng nên chọn loại thịt có bì dày hoặc mua thịt có nhiều mỡ, nào là “tránh xa” những miếng thịt có màu đỏ tươi khác thường, tránh những miếng thịt có phần nạc và mỡ gần như tách rời rỉ nước vàng hay những miếng thịt có lớp mỡ quá mỏng…

“Hơn nữa, người tiêu dùng như chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng có biện pháp chặn ngay việc đưa chất Beta Agonists vào thịt, cũng là con người với nhau mà họ (người chăn nuôi sử dụng chất Beta Agonists cho vật nuôi) làm như thế thì “ác” quá, rõ ràng là chất cấm rồi mà vẫn sử dụng như là… điếc không sợ súng vậy. Cũng phải có những chế tài phạt nặng và mạnh để không ai dám làm việc này nữa!” – bà Liên mong mỏi.

Kiều Minh


Bình luận
vtcnews.vn