• Zalo

Cả trạm là F0, nhân viên y tế phường vừa tự điều trị vừa làm việc

Covid-19Chủ Nhật, 06/03/2022 15:33:26 +07:00Google News

Tại rất nhiều trạm y tế ở Hà Nội, số nhân viên mắc COVID-19 chiếm quá nửa, thậm chí "cả trạm là F0".

"Mệt mỏi vì không thể liên lạc với y tế phường"

Gia đình chị Lê Mai Anh (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) có 4 người thì 3 người gồm bố mẹ, em trai đều đang mắc COVID-19. Chị tâm sự, hiện cả gia đình rất mệt mỏi vì không thể liên hệ với y tế phường.

Khoảng 1 tuần trước, em trai 21 tuổi của chị Mai Anh là người đầu tiên trong nhà có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Chị cố gắng liên lạc nhiều lần với trạm y tế qua số điện thoại bàn và email để khai báo y tế cho em trai, tuy nhiên đều không thấy phản hồi.

Qua người quen, chị Mai Anh hỏi được số điện thoại cá nhân của trưởng trạm y tế, sau vài cuộc gọi thì thấy đầu dây bên kia bắt máy. “Họ hướng dẫn, thông tin khai báo gửi vào email rồi sẽ xử lý sau. Túi thuốc A gia đình tự chuẩn bị, còn thuốc Molnupiravir chỉ khuyến cáo cho người trên 55 tuổi, trường hợp em trai tôi không cần uống. Chưa kịp trình bày gì thêm, họ đã nói bận rồi cúp máy ngay”, chị Mai Anh chia sẻ.  

Một vài hôm sau, bố mẹ chị Mai Anh cũng có kết quả dương tính, riêng người mẹ còn có nhiều bệnh nền như suy gan, thấp khớp, cao huyết áp, tiểu đường. Tuy nhiên, gia đình chị vẫn không thể gọi cho y tế phường.

“Nhà tôi cũng có người quen làm bác sĩ, có thể nhờ tư vấn cách chữa bệnh nhưng vẫn muốn gọi ra  trạm y tế phường khai báo vì đó là nghĩa vụ công dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn được hưởng bảo hiểm xã hội, y tế phường xác nhận thì mới làm thủ tục nhận được”, chị tâm sự.

Cũng như gia đình chị Mai Anh, chị Nguyễn Ngọc Lan, 27 tuổi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết vẫn chưa thể liên hệ với trạm y tế phường để khai báo, xin tư vấn dù đã mắc COVID-19 nhiều ngày. “Hiện tại, tôi sốt, ho, họng sưng, thi thoảng khó thở, hụt hơi, chóng mặt, nằm xuống càng chóng mặt hơn. Tôi còn bị đau đầu dữ dội, lưỡi hơi rát, miệng khô đắng”, chị chia sẻ.

Điều chị lo lắng nhất là bản thân có tiền sử ung thư tuyến giáp thể nhú, men gan cao, không rõ có nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc COVID-19 hay không. “Tôi rất lo vì bây giờ vẫn chưa khai báo được với trạm y tế, nếu chuyển nặng không biết có thể liên lạc theo kênh nào để nhờ hỗ trợ”, chị Lan tâm sự.

Theo chị Đoàn Phương Dung (33 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội), người mắc COVID-19 vừa khỏi bệnh, tổ dân phố nơi chị cư trú cho biết lý do khiến việc tiếp cận với y tế phường khó khăn, chậm trễ hơn trong giai đoạn này là nhân viên trạm y tế đều đã nhiễm COVID-19.

“Hôm vừa rồi, tôi muốn ra trạm y tế xin giấy xác nhận khỏi bệnh để được hưởng bảo hiểm xã hội thì nghe tổ dân phố thông báo 7/8 nhân viên của y tế phường đều đã dương tính SARS-CoV-2. Bởi vậy, F0 muốn nhận giấy chứng nhận khỏi bệnh cần tự quay video lấy mẫu xét nghiệm, sau đó gửi về tổ dân phố để họ gửi về trạm y tế. Nhân viên y tế sẽ làm việc online, gửi trả giấy tờ sau khi hoàn thiện. Thời gian chờ đợi khá lâu. Tổ dân phố nói sẽ kết hợp giúp đỡ y tế phường trong việc giải quyết thủ tục để họ đỡ mệt hơn”, chị Dung chia sẻ.

Cả trạm là F0, nhân viên y tế phường vừa tự điều trị vừa làm việc - 1
Cả trạm là F0, nhân viên y tế phường vừa tự điều trị vừa làm việc - 2

Nhân viên một trạm y tế phường ở Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân - Ảnh: Thảo Vy

Nhân viên y tế vừa làm việc, vừa tự điều trị

Trao đổi với VietNamNet, một nhân viên y tế phường tại quận nội thành Hà Nội cho biết trạm y tế của chị có tổng số 9 người, hiện cả 9 người đều mắc COVID-19. Trong số đó, có 1 nhân viên âm tính sau 5 ngày, sức khỏe ổn định hơn đã ra trạm làm việc ngay. Những người còn lại điều trị tại nhà, cường độ công việc không thay đổi.

Theo nữ nhân viên y tế, khó khăn lớn nhất với chị và các đồng nghiệp là lực lượng mỏng nhưng số F0 lớn. Họ phải giải quyết nhiều đầu việc, đặc biệt là vấn đề giấy tờ, thủ tục để người dân lấy bảo hiểm, xác nhận khỏi bệnh.

“Bản thân tôi mới bị 2 hôm nay, sốt cao, khó thở, sức khỏe khá yếu nhưng vì hẹn dân rồi thì nhất định phải giải quyết sớm. Nhiều người trách móc rằng cần giấy tờ ngay để đi làm, rằng "nếu chị không xong cho em thì cơ quan em khiển trách, kinh tế nhà em khó khăn". Họ nói cũng đúng vì đó là quyền lợi của họ, nên mình phải cố gắng thôi”, nữ nhân viên tâm sự.

Theo chị, không riêng hoạt động phòng chống dịch, chương trình tiêm chủng cũng đang tiếp tục phải tăng cường, đẩy mạnh. Việc thu gom rác thải của các gia đình F0 cũng do y tế phường phụ trách. Hiện Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương đã tham gia hỗ trợ vấn đề này. 

Bên cạnh đó là công tác xét nghiệm tại các đám tang trên địa bàn. Theo quy định, nếu một gia đình có đám tang, người mất cần có xác nhận xét nghiệm COVID-19 của y tế phường. Nếu âm tính, gia đình có thể hỏa táng, tổ chức tang lễ ngay. Nếu dương tính, y tế phường phải hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ban chỉ đạo để có những giải pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch.

“Có ngày, một mình tôi phụ trách xét nghiệm tại 3 đám tang, thêm 1 đám tang nữa có kết quả dương tính hôm trước, cần hoàn thiện hồ sơ. Cứ chạy đi chạy lại, không thể chậm trễ vì người dân cần lo liệu tang lễ đúng giờ”, chị chia sẻ.

Hiện không chỉ nữ nhân viên y tế, cả hai con và người bố chồng ở cùng nhà đều mắc COVID-19. Nhưng do vẫn phải làm việc hàng ngày, chị không có thời gian chăm sóc gia đình.“Khi có ca cấp cứu, tôi vẫn mặc quần áo bảo hộ, trang bị đầy đủ để đi tới nhà dân. Vì cả nhà họ là F0 rồi, mình cũng là F0 nên có thể mặc bảo hộ đến sơ cấp cứu”, chị nói.

Các lực lượng khác trong phường cũng đang hỗ trợ rất nhiệt tình, đặc biệt là lực lượng thanh niên tình nguyện. Tuy nhiên, họ không thể đảm đương quá nhiều đầu việc do có những vấn đề liên quan tới chuyên môn như tư vấn bệnh, sơ cấp cứu,… vẫn cần nhân viên y tế trực tiếp xử lý.

Một nhân viên y tế phường tại quận nội đô khác cho biết, trung bình mỗi ngày, đơn vị của chị nhận thông tin khai báo của khoảng 500 F0 mới. Vấn đề khó khăn nhất cũng là giải quyết quá nhiều thủ tục hành chính cho người dân như quyết định cách ly, giấy chứng nhận khỏi bệnh, chứng nhận liên quan đến bảo hiểm,…

Trạm y tế của nữ y sĩ này có 9 người, nhưng tới nay đã 7 người mắc COVID-19, trong đó có chị. “Tôi không nghỉ ngày nào, vẫn làm việc qua máy tính, điện thoại cả ngày lẫn đêm. Rồi đến con mắc thì phải chăm cả con, rồi chồng tôi cũng mắc. Tôi sốt rét nhiều, ho nhiều, khó thở vẫn cố gắng để tư vấn. Mệt quá thì nghỉ một chút lại tiếp tục làm việc”, chị kể.

Theo chị, hiện các tổ COVID-19 cộng đồng, đoàn thanh niên, dân phòng,… cũng đã giúp sức cho trạm y tế nhưng nhiều vấn đề phải do lực lượng y tế trực tiếp thực hiện, đặc biệt là tổ chức cấp cứu, chuyển viện kịp thời, hướng dẫn cách đo nồng độ oxy máu, tư vấn, triệu chứng… “Một số trường hợp theo đúng quy định, chúng tôi chỉ có thể chuyển đến bệnh viện này nhưng người nhà lại cương quyết muốn đi tới bệnh viện kia nên phải giải thích rất vất vả”, nữ y sĩ nói.

Về vấn đề người dân khó khăn khi gọi tới trạm y tế, nhân viên y tế chia sẻ, hiện 1 hotline của UBND, 1 hotline của trạm y tế, 1 máy cố định ở trạm y tế và máy cá nhân của các nhân viên y tế đều trong tình trạng hoạt động “không ngơi nghỉ”, chưa kịp kết thúc cuộc gọi này lại có người khác gọi đến. Lý do bởi số nhiễm mới cao, với mỗi cuộc gọi, nhân viên y tế đều phải hướng dẫn, giải thích nhiều, đã nhờ lực lượng đoàn thanh niên, tổ COVID hỗ trợ nhưng vẫn không thể đáp ứng hết.

“Nhiều người trách móc, chỉ trích y tế cơ sở, chúng tôi nghe thấy như vậy cũng rất buồn”, chị tâm sự.

Người dân xoay sở thế nào?

Tại phiên họp trực tuyến với UBND TP Hà Nội hôm 27/2, các địa phương đã phản ánh về tình trạng quá tải, thiếu nhân lực hỗ trợ y tế ở cấp xã, phường. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở, phải phân bổ lực lượng cán bộ y tế phù hợp kịp thời chăm sóc F0; vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể hỗ trợ… Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã rà soát ngay, thực hiện đầy đủ chính sách chế độ với các cán bộ y tế.

Cả trạm là F0, nhân viên y tế phường vừa tự điều trị vừa làm việc - 3

Nhân viên y tế phường ở Hà Nội tới phát thuốc, thăm khám cho F0 - Ảnh: Nguyễn Liên

Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Nam Từ Liêm cho hay, hiện nay, khoảng 50% - 60% nhân lực tại các trạm y tế cố định trên địa bàn quận đã nhiễm COVID-19. 

Để giảm tải cho nhân viên tại trạm y tế cố định, quận đã huy động lực lượng y tế tư nhân trên địa bàn tham gia đóng góp nhân lực cho các trạm y tế lưu động. Tất cả 10 trạm y tế lưu động của các phường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đều do lực lượng y tế tư nhân tham gia “làm chủ công”, tổng số trên 70 y bác sĩ từ cơ sở tư nhân tham gia. 

Tuy nhiên, do số lượng F0 tăng nhanh, vị đại diện cho biết thực tế có tình trạng người dân khó khăn khi liên hệ các trạm y tế, thậm chí gọi hàng chục cuộc vẫn không thể kết nối.

Nhằm giải quyết thực trạng này, quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo tất cả trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động “chia nhỏ quân” phụ trách từng địa bàn, từng tổ dân phố. Tại mỗi tổ dân phố lại có ít nhất 1 tổ Chăm sóc người nhiễm COVID-19 gồm 5-7 người làm nhiệm vụ hỗ trợ quản lý F0.

Tại các tổ Chăm sóc người nhiễm COVID-19 này, nhân lực lại chia nhỏ, một người phụ trách một cụm dân cư. Tất cả lực lượng này đã được sàng lọc, tập huấn, hướng dẫn, đều có kiến thức để có thể hướng dẫn người dân. Đây là lực lượng lượng gần nhất, sát nhất với dân.

“Như vậy, khi phát hiện nhiễm COVID-19, người dân trước tiên cần báo ngay cho thành viên tổ Chăm sóc người nhiễm tại nhà phụ trách cụm dân cư của mình, hàng ngày trao đổi thông tin với họ. Nếu F0 nào diễn tiến bất thường, người phụ trách sẽ nắm được ngay và báo cho nhân viên trạm y tế phụ trách. Nhân viên này có nhiệm vụ đánh giá bước đầu để thông tin tới tới trạm y tế, trạm cấp cứu, từ đó xử trí kịp thời”, vị đại diện cho hay.

Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Nam Từ Liêm yêu cầu người dân khi phát hiện dương tính cần liên hệ trước tiên với tổ Chăm sóc người nhiễm, tổ dân phố để được hướng dẫn trực tiếp.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn