• Zalo

Cá nhân kiếm tiền từ Google, Facbook nộp thuế gần 1.000 tỷ đồng

Tài chínhThứ Năm, 31/12/2020 18:39:18 +07:00Google News

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong 2 năm 2019-2020 số thuế thu của cá nhân phát sinh doanh thu từ Google, Facebook, YouTube… đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Trong chia sẻ mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số nói chung được dự báo là nguồn thu có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều loại hình kinh doanh đã phải thay đổi cách thức hoạt động. Trong đó, các hoạt động kinh doanh về kinh tế số ghi nhận sự phát triển rất nhanh.

“Cùng với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam sẽ đi đầu về các dịch vụ kinh tế số, các dịch vụ này phát triển cũng tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tốt cho phát triển kinh tế nói chung và là cơ sở phát triển nguồn thu trong tương lai”, ông Minh nhấn mạnh.

Cá nhân kiếm tiền từ Google, Facbook nộp thuế gần 1.000 tỷ đồng - 1

Số thuế thu của các cá nhân có phát sinh doanh thu từ Google, Facebook, YouTube... trong giai đoạn 2019-2020 đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. (Ảnh: Getty)

Tuy vậy, vị lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng thừa nhận hoạt động kinh doanh trên nền tảng số vẫn là một lĩnh vực rất mới và mang nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế.

Trong năm 2020, báo cáo từ các chi cục thuế tại Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận sự phát triển mạnh của mô hình kinh doanh trực tuyến, mua bán online với quy mô lớn hơn nhiều so với mua bán truyền thống.

Theo ông Minh, để chuẩn bị cho những thay đổi này, từ đầu 2020, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo trong toàn ngành Thuế.

Về thể chế, Tổng cục Thuế đã đưa ra các quy định mới về quản lý số, đặc biệt là giao dịch xuyên biên giới. “Các quy định này được đưa vào Luật Quản lý Thuế số 38, đã được hướng dẫn trong nghị định và tới đây sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể”, ông Minh nhấn mạnh.

Cơ quan quản lý thuế sẽ quy định trách nhiệm cụ thể với không chỉ người kinh doanh trên không gian số mà cả các bên trung gian thanh toán, doanh nghiệp cung cấp nền tảng, bộ, ngành có liên quan và hệ thống ngân hàng… để cùng phối hợp quản lý thuế.

Bên cạnh việc đã có chuẩn bị về thể chế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết, cơ quan quản lý đã chuẩn bị cả về nguồn lực để theo dõi, khảo sát các hệ thống kinh doanh online, cá nhân, doanh nghiệp có phát sinh doanh thu từ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài… Từ đó đề xuất phương án phối hợp với quản lý thị trường, trung gian thanh toán để báo cáo cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp quản lý.

Vị lãnh đạo ngành Thuế cho biết thêm, với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng nước ngoài, hiện Tổng cục Thuế đã có kế hoạch quản lý. Trong đó khi xây dựng các thông tư hướng dẫn, cơ quan thuế có mời các đơn vị này tới trao đổi thông tin trên nguyên tắc đầu tiên là tuân thủ quy định, chính sách về quản lý Thuế của Việt Nam.

“Hiện nay, thông qua cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Tổng cục Thuế vẫn có số liệu các giao dịch của cá nhân, doanh nghiệp phát sinh với nền tảng cung cấp dịch vụ nước ngoài. Cá nhân, doanh nghiệp có thu nhập từ Google, Facebook… vẫn thực hiện nộp thuế vào ngân sách”, ông Minh cho biết.

Riêng với hoạt động thu thuế từ cá nhân có doanh thu từ Google, Facebook, YouTube… trong 2 năm 2019 - 2020, số thu từ các cá nhân này đã đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

“Đây là số thu đối với riêng cá nhân có phát sinh doanh thu từ Google, Facebook… và được xác định thông qua phần doanh thu mà doanh nghiệp trả cho cá nhân qua hoạt động quảng cáo. Có trường hợp là cá nhân tự kê khai, có trường hợp là cơ quan thuế yêu cầu cung cấp”, ông Minh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng khẳng định cơ quan quản lý có quyền yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp khi đã đăng ký nộp thuế tại Việt Nam phải có trách nhiệm trao đổi thông tin và nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn