Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 17/4, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 2.070 ca, trung bình 160 ca mắc mỗi tuần, tỷ lệ bệnh nặng/mắc là 1,3%.
Tuy nhiên từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số người mắc gia tăng. Từ ngày 1/4 đến 7/4, 278 ca/tuần, tỷ lệ nặng/mắc là 1,4%. Từ 8/4 đến 14/4 tăng lên 2.000 ca, nhưng tỷ lệ nặng/mắc là 1,1%.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đang lưu hành chủ yếu trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 được phát hiện tại 95 quốc gia.
Đến nay Omicron xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và chiếm ưu thế. Qua kết quả giám sát giải trình tự gene cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.
Về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa thông tin, đơn vị đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị COVID-19. Tuần này dự kiến họp Hội đồng chuyên môn để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị phù hợp với tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tháng 1/2023, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị 20 ca, tháng 2 là 21, tháng 3 tăng lên 45, nhưng từ tháng 4 tăng đột biến. Cụ thể, tuần đầu tiên 47 ca, tuần 2 tăng lên 85 ca và cập nhật đến cuối chiều 17/4, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị 146 ca, trong đó 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng.
“21 bệnh nhân này hầu hết trên 70 tuổi, đa phần có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, COPD, viêm gan, xơ gan… nếu không mắc COVID-19, chỉ nhiễm cúm cũng nguy cơ cao”, ông Hà nói.
Bình luận