Động thái này diễn ra khi số ca mắc COVID-19 mới ở Tokyo tăng lên mức kỷ lục - 2.447 ca nhiễm mới trong ngày. Tuần trước, lần đầu thủ đô Tokyo ghi nhận tổng số ca nhiễm nCoV hàng ngày vượt 1.000 ca. Tốc độ gia tăng vế số người nhiễm bệnh khiến Nhật Bản phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan, coi đây là ưu tiên chính trị hàng đầu.
Tình trạng khẩn cấp vừa ban bố sẽ được áp đặt trong phạm vi thủ đô Tokyo và các tỉnh xung quanh gồm Kanagawa, Saitama và Chiba, có hiệu lực vào nửa đêm ngày 7/1 và sẽ kéo dài đến hết ngày 7/2.
Đây là lần thứ hai Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp cho Tokyo kể từ tháng 4. Hôm 6/1, lần đầu tiên số ca nhiễm bệnh tại Nhật Bản vượt quá 6.000 trường hợp/ngày. Trong hai tháng qua, số ca bệnh hàng ngày đã tăng gấp 5 lần, khiến các bệnh viện ở Tokyo quá tải.
Làn sóng lây nhiễm mới bắt đầu vào đầu tháng 11/2020 khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu chuyển trọng tâm sang phục hồi kinh tế, cung cấp các khoản trợ cấp cho các chuyến đi trong nước, khuyến khích hoạt động dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng.
Những hạn chế mới có khả năng ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế. Các chuyên gia dự báo, giai đoạn tăng trưởng âm sẽ tiếp diễn trong trong quý 1 - 3 năm nay.
Thủ tướng Suga cho rằng, tuyên bố về khẩn cấp mới là "những biện pháp hạn chế có giới hạn và mang tính tập trung". Mọi người được yêu cầu không ra ngoài sau 8 giờ tối, các nhà hàng, quán bar và cửa hàng được yêu cầu đóng cửa. Trong khi đó, trường học sẽ vẫn mở cửa.
"Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus thay vì đóng cửa hoạt động kinh tế trên diện rộng. Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn đại dịch trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp", Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng phụ trách ứng phó COVID-19 của Nhật Bản, cho biết.
Tình trạng khẩn cấp của khu vực Tokyo có thể được mở rộng ra phạm vi toàn quốc, hoặc khu vực này cũng có thể tiếp tục sau ngày 7/2. Điều này được cho sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản, có thể làm phức tạp việc Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Mùa hè dự kiến vào tháng 7.
Bình luận