• Zalo

Cả làng góp sức dựng đền thờ bộ xương 'quái vật biển'

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 27/04/2013 07:03:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người dân hai làng cùng góp tiền xây dựng ngôi đền thờ bộ xương khổng lồ, để cầu mong những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió.

(VTC News) - Người dân hai làng cùng góp tiền xây dựng ngôi đền thờ bộ xương khổng lồ, để cầu mong những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió.

“Suốt đời đè sóng trải gió, lặn lội kiếm ăn trên biển, nhưng quả thật chưa bao giờ chúng tôi được nhìn thấy con cá nào to như thế. Ngài lừng lững như chiếc thuyền lớn, theo thủy triều trôi dạt vào vùng bãi của xã, cách đất liền chừng hơn một hải lý” – ông Lê Thanh Hải, trưởng thôn Hùng Thành cho biết.

“Ngài” là cách xưng hô với thái độ tôn kính của ông Hải với một con cá voi lớn, dài chừng 12m, ước nặng khoảng 20 tấn (một số người cho rằng nặng đến 50 tấn) bị chết trên biển Đông, xác trôi dạt vào bờ biển xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) khoảng giữa năm 2004.

xương cá voi
 Trưởng thôn Lê Thanh Hải đang kể chuyện người dân góp tiền xây đền thờ cá voi
Trước đó, đám ngư dân nhìn thấy xác một con cá lớn như chiếc tàu ngầm dạt vào vùng đất của huyện Nga Sơn. Có lẽ do dòng nước và gió mùa đông bắc, nên xác cá lại trôi về bên này. Đám ngư dân về kháo chuyện, thế là cả làng cả xã xôn xao, tất bật hẳn lên.

Ai cũng muốn chèo thuyền ra tận nơi để tận mắt nhìn thấy cá voi khổng lồ. Bởi người đi biển luôn tin rằng, cá voi là thần hộ mệnh cho họ trong những chuyến đi đầy rẫy hiểm nguy bất trắc nơi đầu sóng ngọn gió. Họ tin rằng, cá voi dạt vào vùng biển này là muốn được “nghỉ ngơi” ở đây.

Thôn xóm càng thêm xôn xao hơn khi có người nhớ ra câu chuyện ly kỳ cũ chưa rõ thực hư. Rằng từ lâu, ngư dân ở đây đã bắt được một con cá voi nhỏ, rồi xẻ thịt chia nhau ăn. Sau đó cuộc sống của ngư dân dần điêu đứng, khó khăn. Hợp tác xã Hùng Thành từng là đơn vị dẫn đầu về đánh bắt hải sản cũng bị thua lỗ, rồi phá sản...
xương cá voi
 Bộ xương cá voi khổng lồ ở Đa Lộc (theo Đất Việt) 
Vị trưởng thôn Hùng Thành tiếp tục nói: “Hôm đó tôi cũng chèo thuyền ra xem, thấy đúng là cá voi thì mừng lắm. Trước đây vùng biển ở huyện bên cũng có một con cá lớn trôi vào, nhưng không phải cá voi, nên họ chôn ngay ngoài bãi biển.

Tôi bàn với mọi người, nên đưa ngài vào chôn cất cho tử tế. Nhiều người già trong cả hai thôn Hùng Thành và Yên Lộc đều cho rằng, cần lưu giữ di cốt của ngài mà hương khói chu đáo, cầu mong những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió. Già trẻ gái trai của hai làng cùng rất ưng thuận.

Tôi cũng từng thấy người ta bảo quản một bộ xương cá voi rất lớn ở Viện Hải dương học Nha Trang, nên đem việc của làng báo cáo lên xã, rồi bên Biên phòng... Cán bộ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng về làng, xác định đây là cá voi xanh”.
xương cá voi
Ngư dân hai làng hân hoan trong ngày đưa bộ xương cá voi lên bờ (ảnh tư liệu) 
Thế là mọi người vội vã đem các tấm lưới đan dài cả trăm mét giăng vây lấy vùng nước rộng, sợ rằng sóng gió lại đưa ngài đi nơi khác. Những tấm lưới lớn được ngư dân quấn chặt thân ngài, để lưu giữ từng mảnh xương nhỏ có thể sẽ rơi mất khi xác thịt rữa đi.

Chừng nửa năm sau, ngày 19 tháng giêng (âm lịch) năm 2005, bờ biển xã Đa Lộc người đông như trẩy hội. Người ta đến xem ngư dân hai thôn Hùng Thành và Yên Lộc đưa xương của cá voi khổng lồ lên bờ.

Mười sáu chiếc thuyền nối nhau rời bến, chầm chậm tiến đến bãi lưới lớn đang giăng kín xác con cá voi chỉ còn trơ trọi bộ xương. Đám ngư dân thận trọng đem từng mảnh lưới lớn đưa lên thuyền rồi giong vào bờ trong tiếng hò reo trầm trồ của bà con.
xương cá voi
 
xương cá voi
Những khúc xương cá voi to lớn khác thường 
“Chúng tôi tiến hành làm vệ sinh sạch sẽ bộ xương. Có cả thảy 12 cặp xương sườn (24 chiếc), mỗi chiếc xương dài chừng hơn 1m. Số xương sống thu được là 39 đốt, đều to tướng như chiếc đôn, chiếc ghế. Có vẻ như một số chiếc bị thất lạc.

Bộ xương đầu còn to hơn nữa, có tấm nhìn như chiếc quạt lớn, rất nặng. Tôi từng xem bộ xương cá voi trưng bày, nên tham gia vào việc dựng ghép lại. Khi ghép xong, bộ xương của ngài dài chừng 10m, như một ngôi nhà ba gian”.

Tôi hỏi: “Bà con đã bọc lưới xung quanh thân của cá voi, sao lại thất lạc mấy đốt xương sống được?”. Ông Lê Thanh Hải trầm ngâm: “Ban đầu, một người dân bên thôn Ninh Phú đi biển về, thấy những bộ xương cá lạ mắt thì nhặt một đốt sống gần đuôi về làm kỷ niệm.

Anh này bảo, chẳng hiểu sao trên biển cứ thấy bất an, vội vã trở về bờ. Thấy bà con đem ghép bộ xương lại để thờ, thì vội vàng mang lại để nộp. Rồi cứ chắp tay khấn khứa xin ngài tha tội không biết mà mạo phạm”.

Ngập ngừng một chút, ông Hải cho biết thêm: “Thực ra, tôi biết cá voi có đôi ngà nữa, nhưng ở bộ xương cá này không thấy có. Hoặc do bị thất lạc, hoặc ai đó còn giữ mà chưa đem trả lại.

Mới đây, vợ con một người thêm bên thôn Ninh Phú phát hiện người chồng mang khúc xương ngài về làm chiếc đôn cho chậu cây cảnh, bèn đem lễ lạt đến trả lại”.
xương cá voi
Ngôi đền thờ cá voi đang được ngư dân xây dựng trên đất Đa Lộc 
Ông Hải dẫn chúng tôi đi theo con đường nhỏ, đến nơi có bộ xương cá voi đang được bà con dỡ ra để bảo quản. Đợt trước, bộ xương được xếp khá hoàn chỉnh trên một bệ dài, dưới mái lán phibrô xi măng, nên sương gió làm hư hại nhiều. Bà con hai làng quyết định sẽ góp tiền xây dựng một ngôi đền khang trang để thờ cá voi.

Ngôi đền chung của hai làng Hùng Thành và Yên Lộc đang ngổn ngang vôi vữa, giàn giáo. Ông từ trông đền cùng hai người làng đang loay hoay với vôi ve trang trí, đều dừng tay lại rót nước tiếp khách.

“Chúng tôi đang cố gắng làm thật nhanh, thật đẹp, để dịp rằm tháng tới bà con đến thăm ngài thấy một ngôi đền khang trang” – ông từ vui vẻ cho biết.

“Đây là công trình của hai làng, do bà con tự nguyện đóng góp, nên kinh phí rất hạn hẹp. Một số ít gia đình có điều kiện đóng góp nhiều hơn, đa phần bà con còn nghèo.

Cứ có chút kinh phí nào thì chúng tôi lại tiến hành xây sửa, hàng năm nay rồi mà vẫn chưa xong. Chúng tôi dự tính, ngài sẽ ngự ở ngôi nhà ngói ba gian phía bên phải đền, trong lồng kính. Bộ xương của ngài sẽ được sơn phủ cẩn thận, tránh tình trạng xuống cấp, hư hại” - ông Hải cho biết thêm
.

Người đi biển ai cũng mong muốn mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, nên ngày khánh thành ngôi đền thờ ngài được bà con ngư dân mong mỏi lắm.

Gia Linh

Bình luận
vtcnews.vn