Buổi chiều 19/2 trên sân Thống Nhất, những khán giả theo dõi cuộc so tài giữa TP.HCM và Long An đã phải chứng kiến khoảnh khắc thật sự đáng quên.
Sự cố trong trận đấu giữa CLB TP.HCM và Long An được bắt đầu từ phút 80. Sau tình huống thổi phạt đền gây tranh cãi của trọng tài Nguyễn Trọng Thư, các cầu thủ Long An đã có những phản ứng theo cách chưa từng có.
Lần đầu tiên, một đội bóng đứng trên sân như những cái bóng vật vờ, mặc cho đối thủ ghi liên tiếp ba bàn thắng. Lần đầu tiên, một thủ môn quay mông về đối thủ khi bắt phạt đền, nhào lộn hai vòng trên mặt cỏ để cản đối mặt và hứng chịu bàn thua.
Dù Minh Nhựt cùng các đồng đội không triệt hạ đối phương, vẫn góp mặt trên sân và không thực hiện tình huống nào trái luật bóng đá, cái cách cả đội Long An đứng im, buông bỏ tất cả như thể "mời gọi" đối thủ ghi bàn, đó vẫn là phản ứng không thể chấp nhận trên phương diện đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.
Để biết các cầu thủ Long An đã làm sai điều gì, hãy đặt ngược lại vấn đề: Tại sao họ có thể có mặt tại đây, trên sân Thống Nhất này, để thỏa mãn đam mê chơi bóng và đối đầu với CLB TP.HCM?
Minh Nhựt, Tài Lộc hay bất kỳ cầu thủ Long An nào khác, đều được CLB nuôi sống bằng những đồng lương. Đổi lại, họ phải ra sân thi đấu để mang lại thành tích, giữ gìn hình ảnh của CLB để ổn định khoản thu của đội bóng và đem lại niềm vui cho cổ động viên - những người bỏ tiền để nuôi sống CLB và cầu thủ thông qua nhiều hình thức.
Clip: Phản ứng không thể chấp nhận được của đội Long An
Nói cách khác, cầu thủ ra sân vì bản thân mình, vì đội bóng và cổ động viên trên phương diện lợi ích vật chất lẫn tinh thần. Khi cầu thủ buông xuôi, thực hiện những hành vi phi thể thao trên sân bóng, họ đã tự đá đổ "cần câu cơm" của mình. Bởi hình ảnh cá nhân và đội bóng bị hoen ố, cũng có nghĩa nguồn thu của đội bóng bị ảnh hưởng, lợi ích cầu thủ cũng vì lẽ đó mà bị đe dọa theo.
Cú santo như một trò hề của Minh Nhựt hay vài phút "dỗi hờn" của cầu thủ Long An thể hiện sự vô trách nhiệm trước những nguy cơ hiển hiện đó.
Một khi cầu thủ "ngó lơ" với tương lai của mình, anh ta cũng chẳng đủ tư cách để cống hiến và giữ gìn hình ảnh cho đội bóng, chẳng đủ niềm tin để khán giả có thể lựa chọn theo dõi và ủng hộ hết mình. Hành động bồng bột của Long An, suy cho cùng, chính là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Dù bóng đá hiện đại đôi khi "không đủ yếu tố để cầu thủ chiến đấu "sống chết" như trước" (theo lời của Mads Timm - cựu cầu thủ Manchester United), mỗi cái tên cũng cần thể hiện trách nhiệm và đạo đức tối thiểu với đội bóng mà họ đầu quân.
Cầu thủ đẳng cấp thế giới hay cầu thủ bán chuyên ở những đội bóng nhỏ bé đều phải có điểm chung như vậy. Đã chơi bóng, hãy chơi hết mình vì câu lạc bộ chủ quản, vì miếng cơm manh áo và vì hy vọng của chính những người đã đặt niềm tin vào mình.
Nghe tưởng dễ, mà với các cầu thủ Long An trong chiều hôm ấy, đó lại là điều cực kỳ khó khăn. Thay vì tiếp tục nỗ lực để cản phá quả 11m, Minh Nhựt lại quay mông bỏ cuộc.
Thay vì dồn lên chiến đấu để có được bàn gỡ, toàn đội Long An lại quyết định buông xuôi. Và thay vì chơi bóng trong những phút cuối để tôn trọng khán giả, 11 cái bóng áo trắng lại làm hỏng trận đấu.
Bất luận vì lí do gì, chẳng thể nào bao biện cho hành động phản cảm của các cầu thủ Long An. Họ phản ứng để nhắm đến trọng tài, đến cả một hệ thống bóng đá còn nhiều bức xúc, nhưng người chịu thiệt lại là khán giả.
Khán giả bỏ tiền, bỏ thời gian, bỏ công trong một chiều chủ nhật để đến sân vì họ tôn trọng cầu thủ, để rồi những gì nhận lại được là một vở hài kịch không hơn không kém. Vở hài kịch với nụ cười đầy tính giễu cợt của thủ môn Minh Nhựt.
Nhưng với khán giả, ai có thể cười nổi khi cầu thủ vứt bỏ đạo đức nghề nghiệp, trọng tài trở thành trung tâm bị lên án còn bóng đá nước nhà nhận đòn giáng mạnh sau nhiều năm "thoi thóp" với hàng loạt vấn đề nhức nhối. Nếu ai đó cười, đó chắc hẳn là một nụ cười chua chát đến đau lòng.
19/2, sân Thống Nhất chứng kiến một chiến thắng và bốn thất bại. CLB TP.HCM thắng, Long An thua, khán giả thua, đạo đức nghề nghiệp thua và bóng đá Việt Nam cũng thua hoàn toàn!
Bình luận