• Zalo

Ca COVID-19 đầu tiên tại Hải Dương: 'Tôi áy náy với mọi người'

Tin tứcThứ Hai, 01/02/2021 08:09:00 +07:00Google News

Cô gái trẻ mong ước “phép màu” sẽ tới, để cô và tất cả bệnh nhân khác sớm hồi phục, dịch bệnh được kiểm soát.

H., 34 tuổi, công nhân tại công ty TNHH Điện tử POYUN là ca COVID-19 cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại ổ dịch Chí Linh, Hải Dương.

Qua cuộc điện thoại kết nối tới khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nơi H. đang điều trị, cô cho biết vẫn run khi nhớ lại thời điểm biết mình mắc bệnh. “Có nằm mơ cả nghìn lần, tôi cũng không tưởng tượng nổi đó là sự thật”, cô gái trẻ nói.

H. khởi phát đau đầu, chóng mặt khoảng giữa tháng 1. Lúc này, cô chỉ nghĩ do tắm gội bằng nước lạnh nên bị cảm. Khi có thêm triệu chứng sốt, cô tới phòng khám tư gần nhà, được bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản và kê thuốc uống. Tuy nhiên, dùng hết số thuốc được kê đơn, bệnh vẫn không thuyên giảm.

Ban ngày, H. đi làm bình thường do không mệt, nhưng đến tối, các triệu chứng lại xuất hiện.

Đến ngày 26/1, H. nhận tin chị dâu được phía Nhật Bản phát hiện nhiễm biến chủng mới của SARS-CoV-2 khi nhập cảnh nước bạn. H. là F1 của trường hợp này do làm việc cùng công ty và từng đến ăn liên hoan, tiễn chị dâu trước ngày lên đường. Cô vội vã rời nơi làm việc, về nhà để đợi CDC địa phương tới lấy mẫu xét nghiệm.

Đêm 27/1, Bộ Y tế công bố kết quả xét nghiệm khẳng định, ghi nhận cô là bệnh nhân 1552 mắc COVID-19.

Tôi sốc, không thể tin nổi. Ngay cả khi họ lấy mẫu bệnh phẩm, tôi vẫn nghĩ mình sẽ bình an. Trong đầu là rất nhiều câu hỏi tại sao”, H. kể. Cô lo lắng khi nghĩ đến hai đứa con ở nhà vắng mẹ, không biết các con và gia đình có ai mắc bệnh hay không. 

Ca COVID-19 đầu tiên tại Hải Dương: 'Tôi áy náy với mọi người' - 1

Lấy mẫu xét nghiệm tại khu điều trị bệnh nhân dương tính, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: VNN)

Ngày đầu chuyển cách ly tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, H. không ăn được, chỉ nằm khóc. Cô tắt nguồn điện thoại để bình tĩnh hơn và ngủ được đôi chút. Thế nhưng, khi tỉnh dậy, tin đầu tiên H. nhận được là trên 70 đồng nghiệp làm cùng phòng đã bị lây nhiễm virus. Với cô, đây mới là nỗi sợ thực sự.

“Ngày ngày, tôi chỉ cầu mong số ca nhiễm sẽ dừng lại ở đó thôi. Tôi không thể biết trước để tránh cho mọi người. Tôi thật sự cảm thấy áy náy, mong tất cả đều không sao”, H. nghẹn ngào chia sẻ.

Những người đồng nghiệp tại công ty POYUN cùng mắc bệnh lập 1 nhóm trò chuyện trên mạng xã hội. Họ động viên nhau mỗi ngày, “bày trò” để tạo tiếng cười, cùng nhau vượt qua khó khăn. Nhờ thế, H. cũng dần được an ủi.

Tại bệnh viện, cô dựa vào những lời động viên của bác sĩ để vượt qua lúc tâm lý bất ổn. Mỗi ngày, cô thắc mắc rất nhiều câu hỏi về diễn tiến bệnh cũng như vấn đề lây nhiễm, đều được bác sĩ tận tình giải đáp.

“Có hôm, đêm muộn rồi nhưng tôi vẫn gọi hỏi, vậy mà họ vẫn nhiệt tình trả lời. Nhờ sự động viên của bác sĩ, tôi bớt đi áp lực và thoải mái hơn để điều trị”, H. tâm sự.

Hiện tại, mong ước lớn nhất của H. là cô và tất cả bệnh nhân khác đều sớm hồi phục, dịch bệnh được kiểm soát. “Hy vọng phép màu sẽ đến với chúng tôi”, cô nói.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân 1552 đang có dấu hiệu sốt, viêm phổi do SARS-CoV-2. Phổi của cô có tổn thương dạng nốt và kính mờ. Ngày 29/1, cô diễn tiến khó thở, mệt mỏi. Tới nay, H. đã đỡ hơn, ăn được, tuy nhiên vẫn còn sốt.

H cho biết, cô cố gắng ăn thêm hoa quả, uống thêm nước, vận động nhẹ nhàng và tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ để mau bình phục.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn