• Zalo

Buýt nhanh Hà Nội: Làm thật mạnh để khắc chế kiểu giao thông hoang dã, vô luật pháp

Thời sựThứ Tư, 28/12/2016 12:22:00 +07:00 Google News

Không thể bao biện, ngụy biện cho tư duy cũ kỹ, lạc hậu về thứ giao thông bệ rạc, hoang dã, mọi rợ, vô luật pháp khi phản đối tuyến buýt nhanh ở Hà Nội…

Những ngày qua, dư luận ồn ào với nhiều quan điểm trái chiều xung quanh việc triển khai tuyến xe buýt nhanh (BRT) đoạn Yên Nghĩa – Kim Mã (Hà Nội).

Điều đáng buồn là, như Tiến sỹ, chuyên gia Lương Hoài Nam đã phải than trên facebook cá nhân rằng: “Nhìn thái độ phổ biến trên báo chí và facebook với xe buýt nhanh ở Hà Nội mà rùng mình. Văn minh đô thị khó có đất để nảy mầm. Đời mình khổ, đời con cháu cũng khổ với môi trường sống bệ rạc kiểu này…”.

cover-303_DLFT

 Xe buýt nhanh vận hành thử nghiệm trên đường Giảng Võ ngày 25/12. Ảnh: Trần Vương.

“Thái độ phổ biến” đó là gì? Là rất nhiều ý kiến không ủng hộ hoặc bày tỏ sự lo ngại cho tuyến buýt nhanh bằng vô vàn lý do: Nào là gây kẹt xe, nào là không chạy nhanh hơn buýt thường bao nhiêu, nào là phạt xe chạy vào làn dành riêng cho buýt nhanh sao được, rồi ai phạt, phạt có xuể không…

Tôi nghĩ rằng, đó chỉ là những lời bao biện, thậm chí là ngụy biện. Ngụy biện cho cái gì? Ngụy biện cho tư duy cũ kỹ, lạc hậu; ngụy biện cho lối văn hóa giao thông bệ rạc, hoang dã, mọi rợ của đa số người tham gia giao thông trong bao nhiêu năm nay. Thậm chí, nhiều người xem thứ giao thông ấy là “văn hóa”, là “đặc sản”, là “nét riêng”…

Không bệ rạc, không hoang dã, không mọi rợ sao, khi mà cứ phi xe ra ngoài đường là tìm mọi cách để chen, để lấn, vượt đèn đỏ, cắt mặt, đi ngược chiều, ngang ngược đi vào đường cấm, để chà đạp lên mọi quy tắc, quy định, luật pháp về giao thông, miễn là mình đi được, còn thiên hạ thì “sống chết mặc bay”.

Ở đây, sự thờ ơ không chỉ với người khác mà còn là với cộng đồng, với xã hội, với tương lai của con em chúng ta, trong đó có con em của những vị đang tìm mọi lý lẽ bao biện, ngụy biện cho tư duy bệ rạc, cản trở sự phát triển, cản trở sự đổi mới (ở đây chỉ nói trong lĩnh vực giao thông).

Tóm tắt ngắn gọn về tuyến buýt nhanh như sau: Buýt nhanh có làn dành riêng, nằm ở phía trong cùng, giáp với dải phân cách giữa đường. Theo thiết kế, các điểm đón trả khách nằm ở giữa dải phân cách, khách phải đi từ phía ngoài cùng qua đường hầm bộ sang điểm đón trả. Tất cả các phương tiện khác nếu đi vào làn dành riêng cho buýt nhanh sẽ bị phạt.

bus-5715-1482407972-2014520

Tổng quan tuyến xe buýt nhanh đầu tiên ở Hà Nội. Đồ họa: Tiến Thành 

Thế mà, trên một số tờ báo, đặc biệt trên mạng xã hội ngập tràn các tít bài kiểu như: Vỡ trận xe buýt nhanh, dân lo lắng về an toàn của buýt nhanh, khó phạt phương tiện chạy vào làn buýt nhanh, nỗi phấp phỏng mang tên buýt nhanh…

Phản biện là điều quan trọng và đáng ghi nhận, khuyến khích. Nhưng, thưa quý vị, nếu quý vị đã đến các nước tiên tiến như: Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, thậm chí ngay như Trung Quốc… để xem họ triển khai buýt nhanh như thế nào thì chắc chắn quý vị sẽ thấy xấu hổ với những quan điểm kiểu như trên.

Làn buýt riêng thì chỉ xe buýt được đi, hoặc có nước quy định thêm cho xe ưu tiên như xe cảnh sát, xe quân đội, xe cứu thương… Dù đường có tắc thế nào thì không có phương tiện nào dám và được phép đi vào làn xe xuýt nhanh. Sẽ có người thắc mắc rằng, sao những lúc tắc như thế, không hướng dẫn cho xe khác đi vào làn buýt nhanh để tránh ùn tắc?

Xin trả lời ngay rằng: Thứ nhất, pháp luật đã cấm thì phải được thực thi một cách nghiêm minh, không có ngoại lệ; Thứ hai, mỗi cá nhân khi tham gia giao thông thì phải tuân thủ để dần hình thành văn hóa giao thông tuân thủ; Thứ ba, quan trọng hơn, và là mấu chốt để trả lời cho thắc mắc trên là: Để không bị tắc thì mời quý vị đi buýt nhanh!

trang3-303b_nqhg

Xe buýt nhanh sẽ chính thức hoạt động ở Hà Nội từ 1/1/2017.

Tôi có đọc ở đâu đó rằng, có một đoàn quan khách từ Việt Nam sang một nước tiên tiến dự hội nghị quốc tế, phía nước chủ nhà khuyên rằng “nếu quý vị muốn đến dự hội nghị đúng giờ thì nên đi xe buýt” và họ đã phát cho đoàn quan khách này những tấm thẻ đi xe công cộng.

Điều đó nói lên gì? Rõ ràng nó thể hiện sự bất cập, bất tiện cho các phương tiện cá nhân. Nhưng làm được điều đó tức là đã đạt được mục đích hạn chế phương tiện cá nhân. Làm được điều đó cũng tức là khuyến khích người dân tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, đừng đi xe cá nhân nữa!

 
Khó khăn, các cơ quan chức năng chắc đã nhìn nhận thấy. Nhưng cũng vì thế, xin đừng chùn tay, xin đừng nửa vời.

Tác giả Khánh Nguyên

Quay trở lại chuyện xe buýt nhanh Hà Nội. Chỉ ít ngày nữa, tuyến buýt này sẽ chính thức đi vào hoạt động. Khó khăn, các cơ quan chức năng chắc đã nhìn nhận thấy. Nhưng cũng vì thế, xin đừng chùn tay, xin đừng nửa vời.

Hãy xử lý thật mạnh, thật rắn, thật nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định về giao thông, nhất là lấn làn, cản trở tuyến buýt này.

Làm được điều đó, tôi đồ rằng, đố kẻ nào dám ngang nhiên đi vào làn buýt nhanh, đố kẻ nào dám liều lĩnh đánh đổi tính mạng khi chạy vào làn ưu tiên này.

Làm được điều đó, Hà Nội chắc chắn sẽ mở đường cho tư duy đổi mới giao thông vốn dĩ hoang dã, mọi rợ trên nhiều tuyến phố.

Làm được điều đó thì, nay mai, nếu thấy vì có buýt nhanh mà đoạn đường này ùn tắc, xin mời hãy bỏ ngay cái xe máy, ô tô ở nhà mà mua vé buýt nhanh và “nào chúng ta cùng lên xe buýt…”. Thế thôi!.

Video: Lấn làn xe buýt nhanh có thể bị phạt 1,2 triệu đồng

 

Khánh Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn