Tháng 4/2007 một chiều mưa London ẩm ướt. Trò đấu vật giải trí đình đám WWE từ Mỹ đã về đến trung tâm nước Anh. Dân tình đổ xô đi xem sau quá nhiều ngày bị “bỏ đói” bởi lịch trình làm việc như những con robot. Shane McMahon (đô vật thần tượng) bước ra sàn đấu trong tiếng hò reo của khán giả, trên dưới là màn đốt pháo sáng và phụt lửa để tăng thêm tính “hoành tráng” của sự kiện giải trí được mong chờ nhất năm.
Nhận micro từ MC, McMahon chuẩn bị cất giọng nói hào sảng và sẵn sàng khuấy động khán phòng vốn đã náo nhiệt. Rồi tầm mắt anh ta vô tình đập vào cảnh tượng một ông bố hai tay quắp theo hai đứa nhỏ, dường như đang vật lộn vỗ về thằng bé con khóc ra rả. “Có phải Mourinho, HLV đội Chelsea không? Phải không? Đúng rồi, đúng Mourinho rồi! HLV xuất sắc nhất mà tôi từng biết đấy!”, McMahon rú lên.
Video: Chelsea 4-0 MU
Sự tập trung của đám đông chuyển hướng sang Mourinho. Những tiếng “boo” và cả ngón tay cái lộn ngược xuất hiện. Ở đây, người ta không chào đón Mourinho – kẻ lộng ngôn, dám chà đạp mọi giá trị xưa cũ ở Premier League. Mourinho mỉm cười với tất cả, ra dấu với McMahon rằng cảm ơn vì đã chú ý và ngồi im suốt 3 giờ đồng hồ.
Một khoảnh khắc hiếm thấy trong giai đoạn đầu Mourinho cầm quân ở Tây London. Không còn hình ảnh Mourinho ngạo mạn, tự tin thái quá thường ngày. “Người đặc biệt” chỉ tầm thường và bình dân như bao số phận khác.
Phải chăng, đấy là lời nhắc nhở cho những cái nhìn cay nghiệt bấy lâu nay về Mourinho? Giữa ranh giới ác quỷ và thiên thần, đâu mới là Mourinho mà ông ta thật sự là? Liệu rằng, những gì dư luận biết về Mourinho mới dừng lại ở Mourinho trên đường pitch? Đằng sau Mourinho gai góc thường thấy, biết đâu đó là những góc khuất… đáng mến mà ai trong chúng ta đều có.
Ngày đầu tiên tại Stamford Bridge, Mourinho gọi Eidur Gudjohnsen vào phòng. “Tôi phải cho cậu xem cái này”, Mourinho bật máy chiếu hình VCR. Quang cảnh trận đấu giữa Benfica và Anderlect năm 1988 hiện ra. Gudjohnsen thấy cha mình, ông Arnor ghi bàn thắng duy nhất. “Biết nạn nhân của bàn thắng đó là ai không Eidur?”, Mourinho hỏi. “Louro Silvino đấy, HLV thủ môn của tôi”, Mourinho tiếp lời.
“Bây giờ, chạy ra sân, chào Louro và thay mặt bố gửi lời hỏi thăm sức khỏe tới ông ấy”, Mourinho căn dặn. Lúc đó, Gudjohnsen biết rằng anh có thể làm mọi thứ phó mặc khó khăn để trở thành tiền đạo giỏi vì Mourinho, người thầy luôn biết cách khơi gợi những xúc cảm ẩn sâu bên trong các học trò.
Kỷ luật thép chỉ đơn giản là một trong vô vàn cách giúp Mourinho tiếp cận vinh quang. Đâu ngẫu nhiên mà anh chàng ngổ ngáo Marco Materazzi lại rơi lệ trước ông thầy chẳng mấy khi cho anh vào sân. Phút bù giờ thứ 2 chung kết Champions League 2010, Materazzi nhận lệnh thay Milito.
“4 năm trước, cậu đứng trên đỉnh thế giới. Bây giờ, cậu là chứng nhân lịch sử của sự kiện trọng đại khác. Từ Berlin tới Madrid, không ai đặc biệt như cậu, Marco à”, Mourinho đã nói thầm vào tai Materazzi. “Ở đây, không ai ngoài ông nhận được tình yêu to lớn của chúng tôi”, Materazzi nhìn Mourinho.
Trong lúc nước sôi lửa bóng tại Madrid, cô con gái Matilde nói với Carlos Dominguez, phóng viên tờ Mundo Deportivo “Bố cháu gây hấn với mọi người ư? Có nhầm không, ông ấy ở nhà hiền lắm”. Rời trại huấn luyện Valdebebas, Mourinho chỉ là “nô lệ” dưới con mắt của con trai Jose Jr.
Quyền lực nằm trong tay vợ Tami và các con. Mourinho xem những gì con cái xem, tới rạp chiếu phim mà con cái thích. Mourinho muốn con theo học đại học ở Mỹ để tiện cho dự định sang làm việc tại xứ cờ hoa. Nhưng Matilde thích hệ thống giáo dục Anh, lựa chọn của Jose Jr là Madrid với thời tiết dễ chịu. Thế là Mourinho cho các con tùy ý đi theo con đường chúng muốn.
Thật dễ để nhớ những thứ xấu xí Mourinho đã làm, nhưng thật khó để nhận ra (hoặc chấp nhận) động lực tốt đẹp đứng sau mỗi hành động “xấu xí” ấy. Ở đâu, làm gì, với ai, Mourinho cũng đứng ra bảo vệ, bao bọc cho những người ông chịu trách nhiệm.
Với thực lực hiện tại và những dư âm nặng nề của hai cuộc chuyển giao quyền lực dang dở trước đó ở Old Trafford, vào đến chung kết Europa League là một thành công lớn của M.U. Họ phải cảm ơn Mourinho, vì ít nhất, ông cũng đảm bảo cho một cơ hội cạnh tranh nghiêm túc vé dự Champions League – điều Moyes và Van Gaal không làm được.
Nếu Mourinho có bảo rằng “MU chủ động buông Premier League”, đấy cũng là một thái độ hết sức nghiêm túc, khi họ đã tận dụng triệt để lợi thế mà Europa League mang lại.
Đấy gọi là “biết mình biết ta”.
Bình luận