Hãng Boeing dự báo, đến năm 2037, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ thiếu hụt 261.000 phi công do sự bùng nổ của vận tải hàng không và tính mức độ toàn cầu sẽ cần đến 800 ngàn phi công.
Tuy nhiên không cần chờ đến thời điểm trên, hiện các hãng hàng không đã đối mặt với việc thiếu phi công nên dẫn đến tình trạng “săn trộm” phi công của nhau.
Tại Việt Nam đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các hãng hàng không về tình trạng đưa ra “bẫy tài chính” để hút phi công.
Du lịch hàng không đang tăng trưởng một cách mạnh mẽ, và sự bùng nổ các hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt là châu Á đã buộc các hãng hàng không lao vào cuộc đua đào tạo phi công mới và thậm chí phải tranh giành nhau để giữ chân các phi công có kinh nghiệm trong bối cảnh sự thiếu hụt phi công ngày càng tồi tệ.
Thiếu phi công nhưng các hãng hàng không ngày càng đẩy mạnh tần suất bay, tăng mua máy bay mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng khiến các hãng rơi vào tình trạng vơ vét cả những phi công không đủ chuẩn và làm gia tăng mối quan ngại tiêu chuẩn an toàn bay.
Boeing còn đưa ra con số rất chi tiết cho việc thiếu hụt phi công trên toàn cầu trong 20 năm đến. Theo đó, khu vực Bắc Mỹ cần 206 ngàn phi công, châu Âu là 146 ngàn phi công, Trung Đông (64 ngàn), châu Mỹ La tinh (57 ngàn), châu Phi (29 ngàn), Ngà và Trung Á (27 ngàn). Cuối cùng châu Á – Thái Bình Dương cần nhiều phi công nhất là 261 ngàn, trong đó nhu cầu đến từ Trung Quốc lớn nhất.
Trả lời hãng tin Nikkei (Nhật), ông Abdulla Al Hammadi, Phó Chủ tịch Viện đào tạo bay Emirates (Dubai), tính toán, các học viện hàng không trên thế giới cần cho ra lò 80 phi công mỗi ngày mới đủ đáp ứng được nhu cầu thế giới.
Hoạt động từ năm 2017, Viện đào tạo bay Emirates hiện đang huấn luyện 200 học viên, và kỳ vọng tăng con số này lên gấp đôi vào năm 2020, trong tương lai Emirates còn muốn đẩy con số này lên 600 học viên.
Đối mặt với tình trạng thiếu phi công, Hãng Virgin Australia Airlines, hãng hàng không lớn thứ 2 của Úc đã phải lên kế hoạch mở một trường đào tạo bay tại thành phố Tamworth, điều đặc biệt là do Tập đoàn HNA Group của Trung Quốc điều hành và đào tạo. Nguyên nhân chỉ có một số ít hãng bay sở hữu được công nghệ và trình độ chuyên môn để có đủ khả năng vận hành riêng trường bay của mình.
Và khi không có trường bay, một phương cách tiếp cận dễ dàng và đỡ tốn sức hơn là tăng lương và các lợi ích để giữa chân phi công và “săn” phi công của hãng khác. Hãng hàng không giá rẻ IndiGo của Ấn Độ đã săn trộm các phi công từ các hãng bay giá rẻ khác mà đang thiếu nợ tiền lương bằng cách đề nghị trả lương quá hạn cho phi công để mời chào họ qua hãng bay IndiGo.
Các hãng hàng không Hàn Quốc cũng liên tục đẩy các gói lợi ích ngày càng hấp dẫn cho phi công, vì nước này đối diện với vấn nạn “câu trộm” phi công của nhau một cách khủng khiếp đến mức các hãng đồng loạt đệ đơn lên chính quyền nhờ can thiệp.
Trong khi đó, vì thiếu phi công, nhiều hãng hàng không Trung Quốc bắt đầu nới giới hạn tiêu chuẩn phi công để có người bay nhiều hơn. Air China đã nới quy đình chiều cao từ 168 – 188 cm, trong khi trước đó là 170 – 185 cm. Một số hãng khác còn nới quy định về thị lực.
Hai hãng hàng không lớn của Nhật là ANA và Japan Airlines vốn bảo thủ chỉ sử dụng phi công nội địa đã buộc chuyển sag thuê thêm phi công nước ngoài để đáp ứng nhu cầu khách du lịch đang đổ vào nước này.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tổng số lượng khách đi máy bay trên toàn cầu sẽ đạt con số 4,59 tỉ lượt người vào năm 2019, tăng 38% so với năm 2014. Phần lớn sự gia tăng này đến từ nhóm người có thu nhập trung bình ngày càng tăng, đặc biệt là châu Á.
“Nhu cầu phi công tăng nhanh, đã dẫn đến các hãng hàng không thuê những phi công dưới chuẩn, và qua đó lại khiến các hãng tăng chi phí do phải đào tạo lại”, ông Hideki Kazama, nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu quản lý hàng không Nhật Bản nói.
Việt Nam cũng đang trong cơn khát phi công khi ngày càng nhiều hãng hàng không giá rẻ ra đời. Hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là VietnamAirlines nhiều lần than phiền về tình trạng phi công nghỉ việc để sang hãng khác làm với mức lương cao hơn, trong khi chi phí đào tạo một phi công không hề nhỏ.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, để đào tạo một phi công lái chính Airbus A320, A321, Hãng này cần ít nhất 3-4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7-8 năm.
Vietnam Airlines và VietJet là 2 đơn vị có trường bay đào tạo phi công riêng của mình, nhưng vẫn không đủ đáp ứng buộc phải thuê thêm phi công nước ngoài. Đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã đào tạo gần 800 phi công là người Việt Nam trong tổng số 1.200 phi công, thiếu khoảng 400 nên phải tuyển người nước ngoài.
Bình luận