Điển hình phải kể đến các hợp tác xã (HTX) như: HTX Nông nghiệp Trâu Vàng, HTX Nông nghiệp và Thương mại Bình Minh, HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá, HTX Nông sản an toàn Liên Minh, HTX Nông sản sạch La Hiên, HTX Nông nghiệp và Thương mại La Hiên, HTX Thịnh Vượng, HTX Vạn Phúc…
Các HTX này do thanh niên người dân tộc thành lập và quản lý, hoạt động ở khu vực nông thôn, miền núi, khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương như trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu, lâm sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm…
Hoạt động của các HTX không chỉ giúp thanh niên làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động là người địa phương.
Anh Mai Văn Toàn, Giám đốc HTX Vạn Phúc, xã La Hiên, huyện Võ Nhai cho biết, HTX có 40 thành viên, chuyên sản xuất chè và 27 ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó trồng 50 ha chè, 10 ha khoai tây, hơn 10 ha rau sạch và hàng trăm ha keo lai, hơn 30 mô hình chăn nuôi bò, trâu, gà, lợn, dúi, thỏ, thả cá...
Chỉ riêng gia đình anh Toàn, Giám đốc HTX đã nuôi 3.000 con gà, 500 con dúi, trồng 5ha keo lai, 2ha chè. Ngoài ra, anh Toàn còn trồng các loại rau vụ đông, trong đó, khoai tây 5ha, bình quân mỗi năm gia đình anh Toàn thu nhập đạt gần 500 triệu đồng.
Anh Ma Văn Khoa, dân tộc Nùng, xóm Cây Thị, xã La Hiên cho biết, anh tham gia HTX Vạn Phúc 5 năm nay. Hiện gia đình anh nuôi 4 con bò, 400 con dúi, 2 sào ao nuôi cá, trồng 1 mẫu chè, 2ha keo lai và 3ha trồng cây ăn quả gồm ổi, mít, thanh long...
Thời gian qua, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đã và đang đem lại cho gia đình anh Khoa nguồn thu mỗi năm đạt hơn 400 triệu đồng, trong đó đàn dúi hơn 400 đã cho thu nhập ổn định nhất.
“Tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, dúi, kỹ thuật sản xuất chè, được hỗ trợ mua phân bón trả chậm với giá rẻ hơn ở ngoài, vừa đảm bảo chất lượng. Mặt khác, đến vụ, HTX bao tiêu đầu ra cho bà con, giúp người dân yên tâm sản xuất mà không phải lo về thị trường tiêu thụ cũng như giá cả”, anh Khoa nói.
Góp phần phát triển kinh tế xã hội
Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết, trong những năm qua, trên địa bàn xã có hàng nghìn người dân trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lao động do trình độ, sức khoẻ không đảm bảo nên gặp khó khăn khi đi xin việc.
“Việc ra đời các HTX do thanh niên dân tộc có trình độ, kỹ năng, năng động, sáng tạo làm quản lý, điều hành không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mà còn góp phần giải quyết việc làm cho những lao động tại địa phương, qua đó nâng tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn xã đạt trên 95%”, ông Cử cho biết.
Đánh giá về các HTX nông nghiệp trên địa bàn do thanh niên là người dân tộc thành lập và quản lý, một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết, các HTX do thanh niên thành lập và quản lý ra đời đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, nguyện vọng của các thành viên.
Đó là yếu tố bền vững đảm bảo cho các đơn vị hoạt động đúng bản chất, thực chất và hiệu quả. Nhiều HTX có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, phù hợp với thực tế và xu hướng thị trường. Điều đáng mừng là nhiều HTX đã quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm, bao tiêu nông sản, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Cùng với sự năng động, nội lực của các HTX do các thanh niên đồng bào dân tộc làm chủ, huyện Võ Nhai đã và đang quan tâm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế HTX. Theo đó, trong 2 năm 2019-2020, toàn huyện Võ Nhai có nhiều HTX được hưởng các chính hỗ trợ của tỉnh, của huyện.
Cụ thể, có 7 HTX được hỗ trợ 240 triệu đồng để thu hút trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn; 4 HTX nông nghiệp được hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất với tổng kinh phí trên 1 tỷ 100 triệu đồng; 2 HTX được hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng với tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng.
Bình luận