• Zalo

Bulava - 'Cây gậy' hạt nhân Nga ra đời thế nào?

Thế giớiThứ Sáu, 28/12/2012 06:03:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trong tiếng Nga, Bulava có nghĩa là ‘chiếc gậy’, biểu tượng về vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân quốc gia này.

(VTC News) - Trong tiếng Nga, Bulava có nghĩa là ‘chiếc gậy’, biểu tượng về vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân quốc gia này.

Như trong bài trước đã nói, tên lửa liên lục địa là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn lớn hơn 5.500 km. Tuy nhiên, trong các loại tên lửa đạn đạo cũng được chia thành nhiều kiểu khác nhau, như LGM-118 của Mỹ là tên lửa bắn từ đất liền. 

Bên cạnh đó còn có các loại tên lửa liên lục địa được chế tạo để khai hỏa từ tàu ngầm, điển hình là RSM-56 Bulava của Nga.

Bulava là loại tên lửa liên lục địa đang được phát triển, hoạt động bằng nhiên liệu rắn, dự kiến sẽ trang bị cho tàu ngầm tên lửa lớp Borei hiện đại của Nga. 
Trong tương lai Bulava, cùng với 2 loại tên lửa liên lục địa đất liền RS-12M và RS-24 sẽ là xương sống cho lực lượng tên lửa của Nga.

Tên lửa liên lục địa Bulava được phóng đi từ tàu ngầm lớp Borei trong lúc thử nghiệm 

Đây cũng là dự án phát triển vũ khí đắt nhất của Nga hiện nay. Trong tiếng Nga, Bulava có nghĩa là ‘chiếc gậy’ một biểu tượng về vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân quốc gia này.

Xương sống của Hải quân Nga trong tương lai

Được thiết kế bởi Viện công nghệ nhiệt Moscow dưới sự chỉ đạo của Tổng công trình sư Yury Solomonov, Bulava đã được phát triển từ cuối năm 1990 để hay thế cho các tên lửa đạn đạo tàu ngầm nhiên liệu rắn R-39 đã cũ.

Theo dự kiến của Nga, 3 chiếc tàu ngầm lớp Borei đầu tiên, mỗi tàu sẽ được trang bị 16 tên lửa Bulava, sau đó 5 chiếc tàu ngầm giai đoạn tiếp theo sẽ được trang bị 20 tên lửa mỗi tên lửa.

Từ khi mới còn trên bàn thiết kế, đã nhiều lời đồn đoán về Bulava, trong đó nhiều người cho rằng nó sẽ có cấu tạo tương tự với RS-12M, loại tên lửa liên lục địa trên đất liền của Nga. 
Tuy nhiên, khi lần đầu xuất hiện, Bulava đã đánh tan mọi nghi ngờ trước đây, loại tên lửa này có thiết hoàn toàn so với anh em trên cạn của mình. Bulava có chiều dài 12.1m, đường kính 2m và nặng 36.8 tấn.

Tàu ngầm nguyên tử lớp Borei, loại tàu sẽ được trang bị tên lửa Bulava sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm 

Loại tên lửa này được thiết kế để bay trong 3 giai đoạn, 2 giai đoạn đầu dùng các khối nhiên liệu rắn trong khi giai đoạn cuối dùng nhiên liệu lỏng để tăng cường khả năng cơ động trong quá trình tách các đầu đạn hạt nhân phóng đến mục tiêu.

Bulava có thể được bắn từ vị trí nghiêng và trong lúc tàu ngầm đang chuyển động. Do quỹ đạo bay không quá cao nên Bulava còn được gọi là tên lửa đạn đạo lưỡng tính.

Tên lửa Bulava được thiết kế có thể mang 6 đầu đạn hạt nhân có khả năng tái nhập khí quyển tấn công đa mục tiêu – MIRV, tuy nhiên sức chứa tối đa của nó lên tới 10 đầu đạn loại này với khả năng tấn công các mục tiêu độc lập. 
Mỗi đầu đạn của Bulava chỉ có sức công phá 150 kiloton, tương đương 150 nghìn tấn thuốc TNT, bằng một nửa so với các đầu đạn của tên lửa LGM-118 của Mỹ.

Tên lửa liên lục địa di động trên đất liền của quân đội Nga 

Tầm bắn tối đa của Bulava chỉ được 9.000km, trong khi con số này ở LGm-118 là 9.600km. Các nhà thiết kế của Viên công nghệ nhiệt Moscow cũng đưa ra một phiên bản đặc biệt của Bulava chỉ mang 1 đầu đạn duy nhất nhưng sức công phá lên đến 500 kiloton, dùng để tấn công những mục tiêu trọng điểm, cần phá hủy triệt để.

Hiện nay, cả Nga và Mỹ đều đã không còn mặn mà với việc phát triển các đầu đạn đa mục tiêu MIRV, do đó có thể phiên bản đầu đang đơn 500 kiloton của Bulava sẽ được ủng hộ trong tương lai. 
Cả 2 loại đầu đạn này đều có khả năng cơ động trong khi bay và tái định vị với các mục tiêu di động.

Khó khăn trong quá trình thử nghiệm

Mặc dù được nghiên cứu bởi cơ quan khoa học hàng đầu của Nga và mang niềm hi vọng lớn cho lực lượng tên lửa trong tương lai nhưng Bulava cẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thử nghiệm. 
Tính đến thời điểm hiện nay, tên lửa Bulava đã được phóng thử 19 lần trong đó có 7 lần thất bại và 1 trong số đó là thất bại khi phóng từ hầm tên lửa trên đất liền.

Cuối năm 2009, Bulava trải qua 13 vụ phóng thử và thất bại trong 6 lần. Giải thích về vấn đề này, các chuyên gia tên lửa Nga cho biết, nguyên nhân của điều này là do các sai sót kĩ thuật trong quá trình sản xuất các hệ thống phụ. 
Sau thất bại tháng 12/2009, các kế hoạch thử nghiệm đã phải tạm hoãn để tìm hiểu về nguyên nhân thất bại.

Phóng thử nghiệm tên lửa Bualava 

Tổng công trình sư Solomonov đã đưa ra nguyên nhân của các thất bại là do thiếu sót trong nền công nghiệp quốc phòng của Nga hiện nay. 
Cha đẻ của Bulava cho biết: “Đôi khi vấn đề thuộc về chất lượng kém của các vật liệu chế tạo tên lửa, cũng có thể đó là những thiếu sót trong các hệ thống chế tạo tự động hóa cần thiết để thay thế yếu tố con người hoặc là do sai sót trong khâu kiểm tra chất lượng cuối cùng”.

Đến 7/10/2010, quá trình thử nghiệm Bulava được tiếp tục, tên lửa được phóng đi từ tàu ngầm Dmitri Donskoi lớp Typhoon ở Biển Trắng. 
Tên lửa đã được phóng thành công và các đầu đạn đều nhắm đến chính xác các mục tiêu giả định ở vùng Viễn Đông của Nga.

Sang năm 2011, lần đầu tiên Bulava được phóng đi từ tàu ngầm Yury Dolgorukiy lớp Borei vào tháng 6 và tháng 8 năm đó, tên lửa đã phóng thành công với tầm bắn tối đa, lên đến 9.000km.


Video thử nghiệm tên lửa Bulava trên tàu ngầm


Do sự chậm trễ trong quá trình phát triển và thử nghiệm của tên lửa Bulava, quá trình sản xuất tàu ngầm lớp Borei thứ 4 Svyatitel Nikolay của Hải quân Nga cũng bị kéo lùi so với dự kiến. 
Hiện nay, Nga đang lên kế hoạch xây dựng được 8 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei vào năm 2015. Trong khi đó, ngoài các tàu lớp Borei, chỉ có duy nhất tàu ngầm Dmitry Donskoy của lớp Typhoon được trang bị tên lửa Bulava.

Mặc dù gặp nhiều thất bại trong thử nghiệm nhưng Bqộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ không bỏ rơi dự án Bulava. 
Theo tôi, bất chấp mọi thất bại trước đây, cuối cùng tên lửa sẽ thành công”. 
Phát biểu trên được đưa ra vào cuối tháng 12/2009 và Quân đội Nga cũng khẳng định họ không có phương án dự phòng nào để thay thế cho Bulava.


Video thử phóng thử LGM-118 Peacekeeper của M

Tháng 5/2012, một nhân viên của Viện nghiên cứu và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga đã bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật về thiết kế của Bulava cho các đối tượng bên ngoài. 
Theo thông tin của Interfax, những thông tin bị chia sẻ thuộc dạng tuyệt mật của chính phủ Nga về các hệ thống vũ khí chiến lược.

Tuy nhiên, chỉ sau sự kiện này 1 tháng, Đô đốc Hải quân Viktor Chirkov cho biết tên lửa Bulava đã được đưa vào sử dụng và trang bị cho các tàu ngầm lớp Borei đã hạ thủy của họ. 
Đô đốc cho biết: “Trên thực tế, Bulava đã được trang bị cho các tàu ngầm của Hải quân và các thủ tục giấy tờ liên quan đang được hoàn tất để kết thúc quá trình chuyển giao trong thời gian ngắn nhất”.
Kỳ tớiSau khi vũ khí hạt nhân ra đời, các cường quốc đều quan tâm đến cách sử dụng loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược này. Nga và Mỹ lần lượt sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo, và Trung Quốc không hề muốn bị lép vế trước hai siêu cường.

Tùng Đinh

Bình luận
vtcnews.vn