Có thể nhiều người sẽ cho rằng người viết bài này cực đoan khi đặt tựa trên cho bài viết. Tuy nhiên, gửi bài viết đến báo, tôi đề nghị tòa soạn giữ nguyên tít để phản ánh chân thực nhất quan điểm cá nhân của người viết sau khi xem hết bộ phim này.
Dư luận ngày càng ồn ào, sau khi cơ quan quản lý nhà nước – Cục Điện ảnh, dựa trên ý kiến thẩm định của Hội đồng Trung ương Thẩm định phim truyện hai lần yêu cầu hãng phim chỉnh sửa nội dung phim cho phù hợp quy định của pháp luật cũng như thuần phong mỹ tục của người Việt.
Các ý kiến phần lớn là ủng hộ quan điểm của nhà sản xuất đề nghị cơ quan quản lý cho phép công chiếu bộ phim này. Ghé qua trang Facebook cá nhân của diễn viên Johnny Trí Nguyễn, có nhiều comment cổ vũ cho phim, thậm chí bằng những lời chửi bới. Một cảnh trong Bụi đời Chợ Lớn
Có thể nói, đang có cơn sóng ngầm ủng hộ, mong chờ bộ phim trong khán giả, đặc biệt giới trẻ.
Người viết bài này cũng từng có ý nghĩ, tại sao bộ phim bị gây khó dễ đến vậy?
Câu trả lời đã rõ ràng sau khi người viết có cơ hội được xem hết bộ phim. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không dám nêu quan điểm phán xét nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước đúng hay sai mà chỉ viết chân thực nhất những cảm nhận của mình về bộ phim.
“Bụi đời chợ Lớn” xoay quanh mối quan hệ giữa 4 nhân vật chính là Hùng Chợ Lớn (Long Điền thủ vai), Tài Nhớt (Hoàng Phúc đóng), Phong Bụi (Johnny Trí Nguyễn thủ vai) và Lâm (Hà Hiền), em trai Hùng. Vì si mê Hương, người tình Tài Nhớt, nên Lâm đã đưa Hương đi trốn ở nơi an toàn do anh trai mình, Hùng chợ Lớn, bố trí.
Vốn đã có âm mưu chiếm Chợ Lớn để buôn bán ma túy, nhân cơ hội này Tài Nhớt buộc Hùng phải đối đầu với mình. Để tăng thêm cơ hội chắc thắng, hắn đã tìm mọi cách khiến cho Phong Bụi – “cao thủ” ẩn mình mà hắn luôn xem như anh em phải quay trở lại giúp Phong đánh bại Hùng.
Cuộc chiến đã nổ ra giữa hai nhóm Tài Nhớt - Hùng Chợ Lớn với những trận đấu sinh tử một mất một còn. Đây là nội dung bộ phim được đăng tải công khai cùng với trailer.
Cảm nhận tổng thể về bộ phim là sự tàn ác đến mất hết nhân tính của con người; cái ác thắng tuyệt đối cái thiện. Thông điệp của bộ phim “Hãy đánh người hoặc sẽ bị người đánh”. Các nhà làm phim đặc tả cái ác ghê rợn đầy say mê và hào hứng.
Phần lớn các cảnh quay đặc tả những gương mặt đằng đằng sát khí, lăm lăm đao, kiếm, dao… Họ dàn trận và lao vào nhau thỏa sức chém giết như chốn không người giữa phố xá Sài Gòn. Những xác chết nằm đầy đường, những câu thoại sặc mùi giang hồ, chết chóc.
Ở ngay phần mở đầu phim đã là màn rượt đuổi đầy bạo lực trong ngõ hẻm Sài Gòn khi Lâm đưa Hương đi trốn. Đây chính là khởi nguồn của những cuộc gặp gỡ, thương thảo của những tay anh chị giang hồ khét tiếng, những trận chiến mà đạo diễn như kẻ say máu muốn phơi bày tất cả những gì ghê rợn, tàn ác, đẫm máu nhất.
Cảm giác rõ nhất của người xem phim là một Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trở thành chốn không có luật pháp, băng đảng ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán nhau bằng dao, lưỡi lê trên nhiều đường phố, trong các ngõ hẻm. Sau mỗi trận ác chiến, những xác chết la liệt trên đường
Sau mỗi cuộc thương thảo lạnh lùng giữa những tên giang hồ lại là một trận chiến kinh hoàng, ghê rợn. Tính mạng của một con người bị lấy đi dễ hơn cả giết một con gà. Xác chết và máu đầy đường… Khi xem phim, trong tôi cứ vang lên câu hỏi: “Đây có phải là đất nước Việt Nam của chúng ta hay là một nơi chốn hiện thân của ác quỷ say máu người?”
Những màn giết chóc ghê rợn diễn ra ở bất cứ đâu vào ban đêm: Giữa đường phố, trong ngõ hẻm, trong hành lang chung cư mà không có sự xuất hiện của bất cứ người dân nào.
Điều đáng nói, những trận chiến nhuộm đỏ máu tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất cứ một lực lượng chức năng nào.
Bản cuối cùng mà người viết bài được xem có thêm hai cảnh quay với sự xuất hiện của hai cảnh sát, nghe đâu được thêm vào sau khi có yêu cầu chỉnh sửa từ Cục Điện ảnh.
Tuy nhiên, theo tôi, cảnh quay này thêm vào càng khiến sự phản cảm tăng thêm bởi nó thể hiện sự yếu ớt quá sức tưởng tượng của cơ quan bảo vệ pháp luật trước sự lộng hành của băng nhóm xã hội đen tàn ác hoạt động công khai.
Tôi tin, khi xem hết bộ phim, nhiều người có những ý kiến ủng hộ “Bụi đời Chợ Lớn” sẽ thay đổi quan điểm của mình. Một tác phẩm nghệ thuật được số đông hưởng ứng phải mang đậm giá trị chân-thiện-mỹ, đề cao lòng nhân ái của con người, hướng thiện, triệt tiêu cái ác.
Có ai muốn con cái mình xem một bộ phim mà thông điệp chỉ hướng con người đến sự hận thù, tàn ác đến ghê rợn? Những người trẻ đang trong độ tuổi hình thành nhân cách sẽ thu được điều gì sau khi xem bộ phim ấy?
Còn nhớ năm 2011, dư luận đã đồng loạt lên tiếng lo ngại bởi nạn đao kiếm hoành hành trên đường phố Hà Nội. Người đi đường bất an bởi chỉ cần va chạm giao thông rất nhỏ, một con dao, một lưỡi lê, một đoạn gươm sáng loáng có thể được rút ra từ cốp xe… Một vụ án mạng lại có thể xảy ra.
Dư luận bàng hoàng khi hay tin một sinh viên vô tội bị nhóm thanh niên rượt đuổi đâm chết trên đường Giải Phóng cùng năm đó. Hai kẻ trẻ tuổi lao vào đâm chết một thanh niên chỉ vì bị cho là “nhìn đểu” khi anh này đang đi dạo cùng người yêu trên phố Lò Đúc… Công an Hà Nội đã phải lập lực lượng đặc nhiệm 141 mới dẹp yên được nạn đao kiếm gây ra những cái chết thảm thương như đã nói ở trên.
Tội ác man rợ ấy từ đâu ra? Rõ ràng, những thông điệp cổ súy bạo lực, giết chóc, giống như Bụi đời Chợ Lớn, là một trong những nguyên nhân chính.
Vì vậy, cấm vĩnh viễn phim Bụi đời Chợ Lớn cũng là điều đáng mừng.
Hải Hà
Bình luận