Hôm 24/7, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đảm nhận cương vị mới, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào đúng hạn chót 31/10 sau rất nhiều lần trì hoãn.
"Chúng tôi sẽ hướng tới một thỏa thuận mới, một văn kiện tối đa hóa cơ hội của Brexit trong khi vẫn cho phép chúng tôi phát triển một quan hệ đối tác mới với những nước châu Âu còn lại dựa trên thương mại tự do và tương trợ lẫn nhau", ông Johnson nói.
Ông khẳng định đang nắm trong tay kế hoạch tiến tới một thỏa thuận Brexit mới bất chấp việc giới chức EU nhiều lần bày tỏ quan điểm cứng rắn rằng họ không chấp nhận bất cứ kịch bản đàm phán lại Brexit trong bối cảnh khối này vẫn chưa đóng khung được "bộ sậu" lãnh đạo mới dưới thời tân Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.
Kể cả sau khi Anh có Thủ tướng mới, các quan chức EU cũng khẳng định họ không có kế hoạch tái bàn luận thỏa thuận đã thống nhất với cựu Thủ tướng May hồi năm 2018 bởi cho rằng đây là "lựa chọn tốt nhất có thể".
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Anh khẳng định London cần chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận nếu EU tiếp tục từ chối đàm phán lại.
"London sẽ không chờ đợi thêm và giờ là thời điểm để hành động, đưa ra quyết định cũng như vai trò đi đầu mạnh mẽ nhằm thay đổi đất nước vì một tương lai tươi sáng hơn", ông Johnson nhấn mạnh.
Tuyên bố cứng rắn của ông Johnson không khiến nhiều người bất ngờ bởi nó phản ánh đúng lập trường đưa Anh rời mái nhà chung EU bằng mọi cách kể cả khi không đạt được thỏa thuận của ông trước khi bước vào số 10 phố Downing.
“Nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10, kèm một thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận nào. Cách tốt nhất để đạt được một thỏa thuận tốt là chuẩn bị cho phương án không có thỏa thuận”, ông Johnson nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra cách đây 2 tháng.
Với việc thời hạn Brexit (31/10/2019) chỉ còn hơn 3 tháng, quan điểm cứng rắn của nhà lãnh đạo mới của Anh khiến nhiều người lo ngại ông không có thời gian để thuyết phục những ý kiến cứng rắn ở Brussels hồi tâm chuyển ý và nguy cơ London dứt áo chia tay mái nhà chung mà có không thỏa thuận là rất cao.
Hầu hết các chuyên gia, nhà phân tích đều thừa nhận rằng kịch bản này nếu xảy ra sẽ mang tới thảm họa cho nền kinh tế Anh và các nước châu Âu khác.
Nếu "ly hôn" mà không đạt được thỏa thuận, Anh sẽ phải chấp nhận rời mái nhà chung mà không có một giai đoạn chuyển tiếp giúp các doanh nghiệp thích nghi với môi trường bên ngoài EU. London sẽ không có 21 tháng đàm phán thỏa thuận thương mại với các nước thứ 3 và thực hiện các thỏa thuận này trong gần 2 năm đó.
Trong một dự báo mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR) cảnh báo nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận, nền kinh tế Anh cũng không thể tăng trưởng trong năm 2020 và lạm phát sẽ tăng lên đỉnh 4% do đồng bảng tiếp tục mất giá thêm khoảng 10% so với hiện nay làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng.
Khi rời EU mà không có thỏa thuận, Anh buộc phải chuyển sang các quy tắc thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Dù Anh dứt áo ra đi, London vẫn sẽ phải đối mặt với các mức thuế quan mà EU áp đặt. Điều này có thể đẩy giá các mặt hàng lên cao hoặc khiến các sản phẩm do Anh sản xuất bị đá thẳng khỏi thị trường mà họ từng là thành viên.
Dự báo nếu Brexit "cứng" xảy ra, châu Âu sẽ mất hơn 1,2 triệu việc làm, trong khi phía Anh mất 526.000 việc làm. GDP của nền kinh tế EU ước tính sẽ giảm 1,54% trong khi với Anh, tỷ lệ tăng trưởng GDP được sự đoán sẽ giảm 1,21%, xuống còn 4,48%.
Một vấn đề khác nảy sinh liên quan tới vấn đề con người. Khi rời EU không có thỏa thuận, Anh được tự mình áp đặt các quy định nhập cư với công dân các nước trong EU, nhưng ngược lại khối này cũng có thể làm điều tương tự.
Cách đây 2 thập kỷ, Anh và Ireland thống nhất duy trì một khu vực tự do đi lại chung, cho phép công dân hai nước qua lại lẫn nhau không cần hộ chiếu hay còn được gọi là đường biên giới mềm. Nhưng nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận, chiếu theo quy định của EU, biên giới giữa khối này với một quốc gia khác sẽ phải thiết lập các chốt kiểm soát. Một đường biên giới cứng với Ireland theo đó sẽ được dựng lên kéo theo những thiệt hại kinh tế khó có thể đong đếm mà Anh và EU cùng phải gánh chịu.
Trước hàng loạt viễn cảnh đen tối này, hôm 18/7, Hạ viện Anh thông qua một điều khoản nhằm gây khó khăn cho tân Thủ tướng nước này nếu ông theo đuổi Brexit "cứng".
Nước Anh giờ đây đang chia rẽ hơn bao giờ hết với các ý kiến trái chiều về Brexit "cứng hay mềm". Nhiều nghị sỹ kêu gọi tân Thủ tướng cân nhắc xem xét trì hoãn rời EU và tính tới các thiệt hại khủng khiếp Anh phải đối mặt với Brexit "cứng". Thậm chí một nhóm gồm 42 nghị sĩ đảng Bảo thủ còn đe dọa sẽ mở cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ non trẻ nếu ông Johnson có ý định theo đuổi chính sách mạo hiểm với Brexit.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lời cảnh báo này sẽ chẳng mấy ảnh hưởng tới vị cựu Thị trưởng London vốn nổi tiếng là người không có khái niệm thỏa hiệp. Có thể thấy rõ điều đó nếu nhìn vào sự cương quyết của ông khi rời khỏi chính phủ của bà Theresa May hồi tháng 7/2018 vì các bất đồng trong tiến trình Brexit hay quyết định sa thải hơn một nửa nội các của bà Theresa May, lấp đầy đội ngũ mới với các cựu chiến binh bỏ phiếu Rời đi và các nhà thị trường cánh tả chỉ 1 ngày sau khi lên nắm quyền.
Nhưng nhiều ý kiến khác nói rằng họ muốn rời EU bằng bất cứ giá nào vì không thể mòn mỏi chờ đợi số phận mới của Anh khi cuộc trưng cầu dân ý về Brexit đã diễn ra cách đây 3 năm. Các chuyên gia cho rằng 92.153 lá phiếu đảng viên bảo thủ ủng hộ cựu Ngoại trưởng Anh trong cuộc bỏ phiếu mới đây cho thấy họ đã sẵn sàng cho một kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Không rõ trong những ngày tới ông Johnson có thay đổi quan điểm cứng rắn của mình hay không dù các nhà phân tích nhận định rất khó xảy ra, nhưng Brexit dù "cứng hay mềm" cũng sẽ gây ra những thiệt hại không nhỏ cho cả Anh và EU cũng như ảnh hưởng lớn tới tương lai chính trị của vị chính trị gia được ví là Donald Trump của Anh này.
Bình luận