Trong 2 ngày 9 và 10/8, người hâm mộ sẽ được theo những màn so tài hấp dẫn của môn Breaking (hay Breakdance). Đây là môn thể thao hoàn toàn mới trong chương trình thi đấu của Olympic.
Môn thể thao từ những vũ điệu đường phố
Breaking là một phần trong văn hóa Hip Hop, cùng với DJ, rap và graffiti. Văn hóa này khởi nguồn ở Bronx, New York (Mỹ), từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Đây là nơi tập trung nhiều người lao động, người da màu và dân nhập cư từ các nơi khác.
Những thanh niên ở khu vực này cảm thấy bức xúc khi bị tước đoạt quyền công dân. Họ sử dụng, kết hợp khéo léo âm nhạc, thành ngữ, câu thơ,... để tạo nên thứ âm nhạc, vũ điệu mới mẻ, qua đó phản ánh thực tế cuộc sống.
Các nhánh của văn hóa Hip Hop dần len lỏi, phát triển và trở thành xu thế của giới trẻ. Breaking cũng tương tự khi được nhiều người yêu thích. Những bộ phim như Step Up giúp phong trào Breaking ngày càng được nhân rộng. Các cuộc thi nhảy quốc tế xuất hiện nhiều hơn, tạo ra nhiều sân chơi hơn cho người tham gia Breaking.
Những điều trên khiến nhiều người lầm tưởng Breaking là một môn nghệ thuật thuần túy. Tuy nhiên, yếu tố thể thao luôn hiện diện trong môn này.
Các B-boy hoặc B-girl (tên gọi của vũ công Breaking) phải thực hiện những động tác rất khó ở các tư thế top rock (các động tác trong tư thế đứng), freeze (những tư thế kết thúc bài nhảy), down rock (các động tác được thực hiện dưới sàn).
Nhiều động tác trong Breaking trở thành niềm cảm hứng cho các môn thể thao khác. Ví dụ như động tác xoay người trong khi giữ thăng bằng bằng một tay hoặc hai tay được áp dụng ở môn Thể dục dụng cụ. Hay như động tác "cối xay gió" khi vũ công giữ thăng bằng bằng khuỷa tay, vai hoặc chỉ bằng đầu.
Những động tác như vậy khiến Breaking nhận nhiều ánh mắt tiêu cực của dư luận ở thời kỳ đầu, bởi công chúng cho rằng đó là động tác nguy hiểm. Bên cạnh đó, những người theo nghệ thuật chính thống không thích xu hướng mới này. Họ cho đây là một hình thức phản đối của những người thuộc tầng lớp thấp.
Một yếu tố thể thao nữa trong Breaking là thể lực. Các vũ công phải rất dẻo dai, khỏe mạnh để tham gia những cuộc tranh tài. Họ có thể phải diễn nhiều lần để thuyết phục các giám khảo. Các bài thi sẽ rất tốn sức của vũ công.
Breaking đến với Olympic ra sao?
Từ năm 2010, Liên đoàn khiêu vũ thế giới lập một nhóm để vận động hành lang, giúp Breaking có mặt trong chương trình thi đấu của Olympic.
Năm 2016, họ nhận tin vui khi Breaking được tranh tài tại Thế vận hội trẻ 2018 tổ chức ở Buenos Aires (Argentina). Môn thể thao nhận sự hưởng ứng lớn từ người hâm mộ.
Từ đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) quyết định chọn Breaking vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic Paris 2024. Môn thể thao này cũng là cách để Olympic tiếp cận nhiều hơn đến khán giả trẻ.
Vòng loại Breaking của Olympic 2024 được tổ chức tại hai địa điểm là Thượng HảI (Trung Quốc) và Budapest (Hungary) vào tháng 5 và 6 vừa qua.
Thể thức thi đấu Breaking tại Olympic 2024
Place de la Concorde, Paris là địa điểm tổ chức thi đấu, với 17 vận động viên nữ và 16 vận động viên nam. Các trận đấu diễn ra theo hình thức đối kháng.
Vận động viên hạt giống số 16 và 17 của nội dung nữ sẽ thi đấu để chọn một người vào vòng chung kết. Ở vòng chung kết của cả nam và nữ, ban tổ chức sẽ chia đều các vận động viên vào 4 bảng.
Các vận động viên thi đấu vòng tròn một lượt. Trong một trận đấu sẽ có 2 hiệp và 9 giám khảo. Hai vận động viên được bốc thăm ngẫu nhiên để thuộc bên xanh hoặc đỏ. Bên xanh sẽ được quyền chọn thi đấu trước hay không.
Vận động viên có 60 giây để trình diễn trên nền nhạc do DJ chọn trước. Ban giám khảo sẽ bỏ phiếu để chọn người thắng, dựa trên kỹ thuật, khả năng cảm nhạc, sáng tạo, tính biểu diễn và sự đa dạng.
Ở vòng đấu loại trực tiếp, các trận đấu diễn ra trong 3 hiệp. Nhật Bản và Mỹ là đoàn thể thao được đánh giá cao nhất ở môn Breaking.
Bình luận