Bột sắn dây là loại thức uống dân dã và quen thuộc, có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong mùa hè. Vậy nhưng, bột sắn dây có dinh dưỡng không?
Giá trị dinh dưỡng của bột sắn dây
Bài viết trên Báo Sức khỏe & Đời sống nêu thành phần dinh dưỡng trong 100g bột sắn dây gồm 14g nước, 0,7g protit, 84,3g gluxit, 0,8g xenlucoza, 18mg canxi, 20mg photpho, 1,5mg sắt…
Mùa hè sau những giờ lao động mệt nhọc hoặc đi ngoài nắng về, được uống một cốc nước bột sắn ta thấy mát, dễ chịu, người đỡ mệt hẳn. Ngoài giá trị dinh dưỡng, sắn dây còn là một vị thuốc giải nhiệt, giải khát tốt vẫn được Đông y dùng chữa các chứng cảm nắng, cảm nóng, sốt cao, khát nước… từ lâu đời.
Sử dụng bột sắn dây thế nào cho đúng?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của bác sĩ Nguyễn Thị Ly hướng dẫn cách sử dụng bột sắn dây.
Bạn nên pha sắn dây với nước nóng để đạt được hiệu quả tốt nhất. Thông thường một muỗng canh bột sắn pha cùng một ly nước sôi tùy theo liều lượng sử dụng của bạn. Lưu ý trong quá trình pha chúng ta cần khuấy thật đều tay để bột được chín đều, không vón cục. Có thể thêm một chút nước cốt chanh để làm tăng hiệu quả giảm cân.
Việc nên sử dụng sắn dây vào thời gian nào trong ngày gây nên tranh cãi. Nhiều luồng ý kiến cho rằng nên sử dụng vào buổi sáng hoặc tối để đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, khoảng thời gian buổi sáng là thời điểm lượng hormone trong máu khá thấp, do đó nếu bạn bị huyết áp thấp, hoặc cơ thể suy nhược thì không nên sử dụng. Còn khi uống sắn dây vào ban đêm sẽ khiến hệ tiêu hóa của cơ thể phải làm việc liên tục, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến dạ dày. Một lưu ý vô cùng quan trọng là không uống loại thực phẩm này khi đói.
Do vậy, thời điểm tốt nhất để uống là sau bữa ăn trưa hoặc tối từ 30 phút đến 1 tiếng.
Ngoài ra, người ta còn sử dụng loại thực phẩm này trong một số trường hợp sau:
- Cảm nắng nhức đầu, đau bụng đi ngoài giống kiết lỵ: Hòa bột sắn dây kèm theo một chút đường để uống.
- Chống ngứa do mồ hôi gây nên: 5g bột sắn dây, 5g thiên hoa phấn, 20g hoạt thạch. Trộn đều hỗn hợp rồi rắc lên những khu vực bị ngứa.
- Cảm giác cồn cào khát nước ở vùng ngực và bụng: 120g sắn dây trộn đều với 15g gạo tẻ, sử dụng để nấu cháo hàng ngày sẽ làm thuyên giảm tình trạng trên.
- Chữa ngộ độc rượu: Hòa sắn dây với một chút đường có thể thêm nước cốt chanh. Có thể sử dụng muối thay cho đường để làm tăng hiệu quả của phương pháp này.
Một số chú ý khi sử dụng bột sắn dây
Theo thông tin trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec, người mắc chứng dương khí hư không nên dùng bột sắn dây. Biểu hiện của người mắc chứng này gồm: Đại tiện lỏng, hay cảm thấy đầy hơi trướng bụng, miệng nhạt, lưỡi ít rêu trắng mỏng; chân tay lạnh; không có cảm giác khát nước;
Không nên cho trẻ em uống nước bột sắn dây pha sống. Nguyên nhân, bột sắn dây có tính hàn, giúp thanh nhiệt nhưng nếu trẻ không bị nhiệt thì dùng bột sắn dây sống sẽ dễ bị đau bụng, tiêu chảy. Nếu cho trẻ ăn, nên nấu chín bột sắn để giảm tính lạnh, an toàn hơn với trẻ.
Phụ nữ có thai bị động thai hoặc dọa sảy thai,...không nên dùng bột sắn dây.
Hạn chế sử dụng bột sắn dây pha với nước lạnh vì dễ gây đau bụng, tiêu chảy. Nếu được, bạn nên nấu chín khi ăn hoặc pha với nước nóng để giảm tác dụng phụ.
Không nên lạm dụng việc uống bột sắn dây, liều lượng tốt nhất là 1 cốc/ngày.
Không pha bột sắn dây với lượng đường quá nhiều.
Chỉ nên mua bột sắn dây ở những cơ sở bán hàng uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Bột sắn dây có dinh dưỡng không?" rồi phải không.
Bình luận