• Zalo

BOT Hà Nội – Bắc Giang đi 8 km thu phí 45 km: 'Đói rồi, rách rồi phải chấp nhận mặc áo vá'

Kinh tếThứ Hai, 28/08/2017 07:04:00 +07:00Google News

“Đói quá, rách quá rồi nhưng ông không có tiền nên đành phải chấp nhận mặc áo vá, chứ ai chẳng muốn mặc áo lành”, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT) chia sẻ liên quan việc "thu phí hở" ở BOT Hà Nội - Bắc Giang.

Sau bài viết trên báo điện tử VTC News về việc dù đi chỉ 8 km nhưng vẫn thu thu phí đủ 45 km toàn tuyế BOT Hà Nội – Bắc Giang, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải đã có những lý giải về vấn đề này.

Video: Trạm BOT Hà Nội – Bắc Giang: Đi 8 km thu phí 45 km

-  Thưa ông, tại sao nhiều dự án BOT giao thông nước ta thực hiện phương thức "thu phí hở?

Bản chất BOT là người dân sử dụng bao nhiêu trả phí bấy nhiêu. Tức là song song với đường cũ, chủ đầu tư sẽ xây dựng đường mới, ví dụ như tuyến Hà Nội – Hải Phòng hay Hà Nội - Lào Cai, ai đi đường cũ thì đi, còn ai đi đường mới nhanh hơn, thuận tiện hơn thì chấp nhận trả phí.

Nhưng đó là trên lý thuyết, còn thực tế hiện trạng nước ta thì tiền đâu để xây dựng như vậy.

ts nguyen van thu

 PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải

Thế nên, phương án tối ưu nhất là nhà nước dùng hình thức hợp tác công tư (PPP) sử dụng dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao).

Có thể hiểu, nguyên nhân tại sao lại có hình thức "thu phí hở" là như thế này: Do nước ta thiếu ngân sách đầu tư đường mới, phải nâng cấp cải tạo trên nền tảng giao thông cũ, ví dụ như quốc lộ 1A. Khi anh nâng cấp, cải tạo, mở rộng thì phải bỏ tiền ra làm, sau đó sẽ thu phí phương tiện lưu thông trên đường để bù lại.

Chúng ta không thể làm thêm đường cao tốc khác được nữa, không đủ tiền để làm. Khi chúng ta làm trên nền hệ thống cũ, cụ thể là Quốc lộ 1A, lịch sử đã để lại rất nhiều đường ngang ngõ tắt, các lối rẽ vào đô thị, khu dân cư vệ tinh mọc lên 2 bên đường.

Bây giờ, doanh nghiệp họ đầu tư tiền cải tạo, nâng cấp đường họ không thể đi rào hết các đường giao đó lại để tiến hành thu phí kín được (đi bao nhiêu trả phí bấy nhiêu). Thế nên, chỉ có phương án duy nhất cho các dự án BOT trên nền đường cũ là thu phí hở, bất cứ phương tiện nào đi qua đều phải trả phí.

Thiệt thòi ở đây sẽ thuộc về người dân vùng lân cận trạm thu phí vì thường xuyên phải qua lại. Thực tế đã cho thấy, có nhiều vụ người dân biểu tình vì phí BOT cao như Bến Thủy… để khắc phục thì doanh nghiệp phải giảm phí hoặc miễn phí cho người dân thuộc phạm vi quanh vị trí đặt trạm BOT thường xuyên phải qua lại. Như vậy, để đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.

Dự án thu phí hở cũng chịu nhiều rủi ro vì có nhiều đường giao cắt với đường dân sinh, nếu người ta đi trên đường khi chưa qua trạm thu phí họ rẽ vào đường nội thị thì doanh nghiệp cũng không thu được phí.

Nói tóm lại, việc thu phí hở là do hoàn cảnh lịch sử và chủ yếu là thiếu ngân sách để xây dựng hạ tầng. Dự án cao tốc Bắc – Nam đang chuẩn bị xây dựng đấy, sau này ai đi cao tốc sẽ trả tiền, còn không thì đi đường cũ. Mỗi giai đoạn cụ thể anh phải giải quyết nhu cầu cấp bách thời điểm đó. Tiền không có không thể làm khác được.

 
Bây giờ đói quá, rách quá rồi nhưng ông không có tiền nên đành phải chấp nhận mặc áo vá, chứ ai chẳng muốn mặc áo lành

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ

Ví dụ thế này, bây giờ đói quá, rách quá rồi nhưng ông không có tiền nên đành phải chấp nhận mặc áo vá, chứ ai chẳng muốn mặc áo lành.

- Tại sao nước ta không buộc dự án BOT phải xây dựng đường mới?

Ai chẳng thích đường mới nhưng vấn đề là không có tiền mà xây. Nếu xây dựng mới thì nước ta phải đi vay nước ngoài, nhưng hiện nay nước ta đã kịch trần nợ công.

Do hoàn cảnh lịch sử để lại, nhu cầu giao thông tăng nhưng chúng ta không có tiền để xây đường khác nên phải cải tạo trên nền hạ tầng cũ.

-  Ngoài nước ta, các nước khác có cho phép chủ đầu tư nâng cấp cải tạo đường cũ và thu phí BOT không?

Các nước khác cũng phải đi lên từ lạc hậu rồi mới đến hiện đại, tất nhiên là không nước nào giống nước nào. Cả chiều dài lịch sử phát triển ban đầu, họ cũng thô sơ như mình rồi mới đi lên hiện đại.

Tôi không đánh đồng tất cả, nhưng nước nào cũng có thôi, có thể ở thành phố này hạ tầng phát triển nhưng nơi khác còn lạc hậu. Vùng này phát triển nhưng nông thôn lại lạc hậu.  

Đức Thuận - Lê Thạch
Bình luận
vtcnews.vn