• Zalo

Bóng đá VN: Một thập kỉ ngậm ngùi cảnh 'mớ rau con cá'

Thể thaoThứ Bảy, 15/12/2012 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- Bắt đầu từ mùa bóng 2014, VFF sẽ cấm hoàn toàn việc mua bán, sáp nhập CLB. Sau 10 năm, các đội bóng Việt Nam mới tạm thoát khỏi cảnh mớ rau con cá.

(VTC News)- Bắt đầu từ mùa bóng 2014, VFF sẽ cấm hoàn toàn việc mua bán, sáp nhập các CLB. Như vậy, sau 10 năm, các đội bóng ở Việt Nam mới tạm thoát khỏi cảnh "mớ rau, con cá".

Trong những thương vụ mua bán, san nhượng được liệt kê dưới đây, xót xa nhất có lẽ là trường hợp của Thể Công khi họ bán suất V-League cho Thanh Hóa. Còn bầu Kiên cũng ghi danh vào kỉ lục Guiness Việt Nam với hai lần đưa CLB "trụ hạng" theo cách chẳng giống ai này.
1. LG.HN ACB - Hàng không Việt Nam (2003)
Sau hàng loạt lần thay tên đổi họ, từ Đường sắt Việt Nam sang ACB Hà Nội rồi LG.ACB Hà Nội, đội bóng của bầu Kiên đã trở lại hạng Nhất vào cuối mùa giải 2003. Đúng lúc ấy, Tổng công ty Hàng không Việt Nam quyết định rút lui khỏi vai trò nhà tài trợ chính cho đội Hàng không Việt Nam. 
Chớp lấy thời cơ này, bầu Kiên đứng ra tiếp quản đội Hàng không Việt Nam cùng suất thi đấu tại V-League 2004. Đa số nhân sự của Hàng không Việt Nam được giữ lại làm nòng cốt cho LG Hà Nội ACB, phần còn lại chuyển sang chơi cho Hòa Phát tại giải hạng Nhất.
 Những ông bầu bóng đá gốc Ninh Bình

2. Sơn Đồng Tâm Long An về Ninh Bình (2007)
Cuối năm 2005, Ngói Đồng Tâm Long An (đội dự bị của Gạch Đồng Tâm Long An) tiếp nhận đội bóng của Câu lạc bộ bóng đá Ngân hàng Đông Á để xây dựng thành Sơn Đồng Tâm Long An thi đấu ở Giải bóng đá hạng nhất quốc gia Việt Nam 2006. Kết thúc mùa bóng 2006, đội bóng Sơn Đồng Tâm Long An được chuyển nhượng cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thể thao Hoàng Phát làm nòng cốt thành lập Câu lạc bộ bóng đá Xi măng Vinakansai Ninh Bình.
Từ mùa bóng 2007, CLB Xi măng Vinakansai Ninh Bình thi đấu tại giải hạng Nhất, thăng hạng V-League 2010 với thành tích vô địch hạng Nhất năm 2009.
3. Navibank SG mua suất Quân khu 4 (2009)
Sau một mùa giải tương đối thành công, CLB Quân khu 4 trở thành hiện tượng tại V-League. Song cũng giống như người đàn anh Thể Công vào giai đoạn này, CLB Quân khu 4 nhanh chóng được chuyển giao.
Tháng 7/2009, lãnh đạo TP.HCM cùng Ngân hàng Nam Việt (Navibank) chi khoảng 12 tỷ đồng mua lại đội bóng cùng suất thi đấu tại V-League 2010.

4. Xóa sổ Thể Công (2009)
Dù suy yếu đi nhiều nhưng Thể Công vẫn là CLB có lực lượng cổ động viên hùng hậu nhất Việt Nam. Chính vì thế, quyết định "xóa sổ" CLB Thể Công Viettel sau khi V-League 2009 kết thúc đã bị dư luận chỉ trích hết sức gay gắt. Lam Sơn Thanh Hóa mua lại đội hình Thể Công và vị trí chơi chuyên nghiệp bằng khoản tiền khổng lồ... 80 tỷ. 
 Lễ chuyển giao Thể Công Viettel về Thanh Hóa

Viettel sau đó chỉ tập trung vào đào tạo các lứa cầu thủ trẻ. Hiện đang có thông tin Thể Công rục rịch trở lại nhưng chắc chắn họ sẽ bắt đầu từ giải hạng nhì và cuộc chia tay năm 2009 vẫn là cú sốc lớn nhất dành cho người hâm mộ áo lính suốt 1 thập kỉ qua.
5. Bầu Thụy thích trò đổi tên(2010)
Tháng 7 năm 2010, ông bầu Nguyễn Đức Thụy đã mua lại suất thi đấu ở giải hạng Nhất 2011 của Hòa Phát V&V sau khi CLB bóng đá Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh thất bại trong chiến dịch thăng hạng Nhất. 
Ba tháng sau, CLB đổi sang tên mới là CLB bóng đá Sài Gòn Xuân Thành, chuyển địa điểm đóng quân vào Tp.HCM. Rót hàng chục tỷ vào thị trường chuyển nhượng, dàn sao Sài Gòn Xuân Thành dễ dàng giành quyền lên chơi tại giải đấu hàng đầu Việt Nam.
Ngày 12/12/2012, bầu Thụy từ chức chủ tịch CLB, chuyển giao chiếc ghế nóng cho em trai, đội bóng lần thứ 3 trong năm "làm lại chứng minh thư" dưới cái tên mới là Xi măng Xuân Thành Sài Gòn.
6. Hà Nội.ACB sáp nhập Hòa Phát HN (2012)
Bầu Kiên lần thứ 2 đưa CLB của mình trở lại V-League dù đội bóng mới rớt hạng năm trước. Phương thức thực hiện không có gì thay đổi. Đầu mùa giải 2012, Hòa Phát Hà Nội bỏ bóng đá. Bầu Kiên mua lại đội bóng, sáp nhập cùng HN.ACB vừa xuống hạng để thành CLB Bóng đá Hà Nội dự V-League.
Tên gọi mới của đội bóng cũng gặp phải sự phản ứng dữ dội từ Hà Nội T&T khi nó na ná CLB Hà Nội của bầu Hiển.
Bộ đôi song sát rất được kì vọng của bóng đá Việt Nam 

7. V. Hải Phòng... xuống rồi lại lên (2012)
Là một địa phương "máu" bóng đá nhưng chiến lược chuyển nhượng, đào tạo đội ngũ kế cận của Hải Phòng vô cùng yếu kém. Vị trí cuối cùng tại V-League 2012 đã phản ánh đúng thực lực cũng như kết quả quá trình đầu tư lệch lạc đó của thành phố hoa phượng đỏ.
Nhưng với quyết tâm không trở thành vùng trắng bóng đá đỉnh cao, Hải Phòng nhanh chóng xúc tiến việc mua lại suất chơi V-League 2013. Họ được cho là đã đặt vấn đề với CLB Bóng đá Hà Nội, CLB Hà Nội, Navibank Sài Gòn nhưng phút chót, Xi măng V.Hải Phòng lại thỏa thuận thành công cùng Khatoco.Khánh Hòa.
Theo nghị quyết mới được VFF thông qua, bắt đầu từ mùa giải 2014, mọi hình thức mua bán, sáp nhập CLB sẽ bị cấm hoàn toàn. Như vậy, Xi măng V.Hải Phòng là đội bóng cuối cùng thành hình bằng cách làm chỉ tồn tại ở bóng đá Việt Nam.

Nhạc Dương (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn