Còn nhớ ngày 20/8/2012, bầu Kiên- ông chủ của CLB bóng đá Hà Nội, PCT Công ty cổ phần thể thao Việt Nam bị bắt khiến làng bóng đá rúng động. Bởi lẽ chính bầu Kiên là nhân tố tích cực và có ảnh hưởng nhất trong việc ra đời công ty VPF nhằm thay đổi diện mạo bóng đá nước nhà.
Vậy sau một năm, diện mạo bóng đá Việt Nam thay đổi như thế nào?
Sau khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên bị bắt giam, trao đổi với báo chí, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng: “Bầu Kiên bị bắt không ảnh hưởng tới bóng đá”. Ông Hỷ nói thêm: “Ông Kiên là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VPF. Nên nhớ rằng, ông Kiên chỉ là một trong số nhiều thành viên Hội đồng quản trị, việc ông ấy bị bắt không thể làm đảo lộn các hoạt động của VPF, không ảnh hưởng tới các giải đấu cũng như sự phát triển của bóng đá nước nhà. Bóng đá Việt Nam vẫn sẽ phát triển theo đúng định hướng”.
Thực tế đã diễn ra không đúng với tuyên bố của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Bóng đá Việt Nam, V.League đã có những thay đổi và tính đến thời điểm này, đáng buồn là những thay đổi ấy hầu như mang tính tiêu cực nhiều hơn.
Chưa có thống kê đầy đủ về những ảnh hưởng phía sau hậu trường lên nền bóng đá VN của bầu Kiên (Ảnh: Quang Minh) |
Càng ngày càng…nghèo
Khi chưa dính vào vòng lao lý, bầu Kiên đã vẽ ra một viễn cảnh không thể tươi sáng hơn đối với bóng đá Việt Nam. Cụ thể là sau khi AVG nhượng lại bản quyền V.League, bầu Kiên đã thông báo về sự ra đời của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm 10 “đại gia” là các doanh nghiệp có lợi nhuận mỗi năm cả ngàn tỷ.
Theo tính toán, mỗi doanh nghiệp có tên trong Hội đồng này sẽ tài trợ 5 tỷ cho bóng đá Việt Nam trong năm 2012, và con số này dự kiến sẽ được luỹ tiến thành 7,5 tỷ đồng/doanh nghiệp vào năm 2013 và 10 tỷ đồng/doanh nghiệp ở năm 2014. Tức là mỗi năm bóng đá Việt sẽ được “bảo trợ” 50 tỷ năm 2012, 75 tỷ năm 2013 và 100 tỷ năm 2014!
Kế hoạch này vốn đã bị cho là viển vông (trong giai đoạn nền kinh tế có những khủng hoảng) đã bị tắt ngấm. Có thông tin cho rằng, chỉ có doanh nghiệp của bầu Thắng, bầu Đức đóng tiền cho năm 2012 với tổng số tiền chỉ đủ mua…một cầu thủ.
K.Kiên Giang có đủ sức trụ hạng khi cái nghèo lúc nào cũng quẩn quanh? (Ảnh: Quang Minh) |
Không có Hội đồng bảo trợ nào cả. Các đội bóng lại quay quắt với cái “nạn khan tiền”. Một đại gia như V.Ninh Bình ngay trước mùa giải 2013 đã phải chống chọi lại với một “cuộc đình công” của cầu thủ vì bị nợ lương thưởng 3 tháng. Một đội bóng tưởng chừng nhiều tiềm lực như HN T&T phải giảm lương.
SLNA thảm tới mức phải để CĐV ra lời hiệu triệu “chung tay góp tiền nuôi đội bóng” và cuối cùng là câu chuyện của K.Kiên Giang- đội bóng này từng được bầu Kiên bao bọc trong vai trò cổ đông lớn của Kienlongbank, sau này được bầu Thắng bao bọc trong vai trò Chủ tịch HĐQT Kienlongbank. K.Kiên Giang gần như…hết tiền, không thể duy trì đội bóng.
Trong trận đấu quyết định suất xuống hạng với Ninh Bình, lãnh đạo K.Kiên Giang quay quắt đi vay mượn để “yên lòng cầu thủ”. Ngay cả trường hợp K.Kiên Giang may mắn trụ hạng họ sẽ không có tiền để mùa sau thi đấu.
Càng ngày càng nhiều đội…giải thể
Ngay sau khi bầu Kiên bị bắt thì hai CLB do ông bầu này làm chủ phải tạm ngừng hoạt động. Nói là tạm ngừng nhưng khả năng là…ngừng luôn. Kể từ đây bắt đầu là sự đổ vỡ của những quân do-mi-no: Navibank Sài Gòn giải thể, K.Khánh Hòa chuyển giao cho Hải Phòng. Trước mùa 2013, V.League đứng trước viễn cảnh không đủ đội thi đấu, tới mức người ta đã phải nghĩ ra phương án “lạ” là đưa đội U 22 lên chơi như một đội chuyên nghiệp ở giải chuyên nghiệp, hoặc không có đội xuống hạng…
V.Hải Phòng mua suất chơi V-League từ K.Khánh Hòa (Ảnh: Quang Minh) |
Cho đến nay, khả năng giải thể ở nhiều đội bóng vẫn đang lơ lửng: Khả năng cao nhất thuộc về K.Kiên Giang, sau đó là XMXT Sài Gòn, V.Ninh Bình đây cũng là những CLB mà ông chủ của nó không còn thiết tha với câu chuyện V.League nữa.
Càng ngày càng mất …uy tín
Bầu Kiên bị bắt, VPF không đơn thuần là mất đi một PCT Hội đồng quản trị mà cao hơn, VPF mất luôn cái hồn vía của mình.
Ở VPF chỉ duy nhất bầu Kiên dám “đôi công” với VFF, dám chỉ mặt mắng sỗ sàng các ông bầu và làm nổi sóng làng bóng với những phát biểu không thể thẳng hơn. Nghĩa là bao nhiêu cái uy của VPF dồn cả vào bầu Kiên- ông bầu có ánh mắt sắc như dao và khả năng hoạt ngôn có thể khiến đối thủ “á khẩu” trong tranh luận. Bầu Thắng, bầu Đức có thể nhiều tiền hơn bầu Kiên nhưng cái khẩu khí và cái uy thì còn lâu mới bằng.
Bầu thắng mất dần uy tín (Ảnh: Quang Minh) |
Khi người có “uy” nhất bị bắt, cũng là lúc VPF và BTC giải V.League bị các đội bóng và các ông bầu bắt nạt. Đầu tiên là những tuyên bố bỏ giải, sau đó là những yêu cầu ngược đời với BTC như chuyện phân công trọng tài.
Có người nói thẳng: “Nếu bầu Kiên còn ở VPF thì làm gì có chuyện các trưởng, phó ban trọng tài do ông dựng lên bị thay thế một cách nhanh chóng với những lý do lãng xẹt đến thế? Nếu còn bầu Kiên thì ông Trần Duy Ly- trưởng BTC giải không bị bầu Đệ của Thanh Hóa dằn mặt và bị chính ban kỷ luật của VFF qua mặt rồi sờ gáy đến như vậy”.
Càng ngày càng…tiêu cực
VPF mất trụ cột lớn nhất, lập tức liêu xiêu. Đó cũng là lúc mà những mầm mống tiêu cực nổi lên thách thức, điển hình là CLB XMXT Sài Gòn với những trận đấu “ma” và ít nhất 2 lần có các tin nhắn tố cáo về kết quả thi đấu.
Ban đạo đức ra đời theo ý tưởng của bầu Kiên. Việc ông bầu này bị bắt giữ, Ban đạo đức vẫn được thành lập nhưng ngay từ đầu tiếng nói đã không mấy trọng lượng như kỳ vọng. Thậm chí nhiều đề xuất của Ban đạo đức vị chính BTC giải và VFF “lờ đi”.
Tiếng nói của ban Đạo đức không được coi trọng |
V.League 2013 chỉ còn vài vòng đấu nữa nhưng có vẻ nó ngày càng mất kiểm soát. Có lẽ do VPF thiếu những con người quyết liệt kiểu bầu Kiên nên VPF trở nên mềm yếu trước VFF.
Với những động thái như dần dần kiểm soát Ban trọng tài, kỷ luật cả Trưởng BTC giải và động thái mới nhất là Ban kỷ luật VFF quyết định trừ điểm XMXT Sài Gòn thì việc VFF quay lại kiểm soát V.League chỉ là vấn đề thời gian.
Nhật Thành (Thể thao 24h)
Bình luận