(VTC News) – Trong lúc giải đấu của phái mày râu có tên là V.League đang gặp phải hội chứng “tháo chạy” và đứng trước nguy cơ đổ vỡ thì ngó qua những cô gái mặc quần đùi áo số bỗng thấy những khác nhau vời vợi.
Chỉ một câu hỏi duy nhất về sự công bằng cho hai phái đá bóng ở Việt Nam mang ra đặt trước Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu thì nhận được những tâm sự rất nghề, rất đời của ông.
Họ đã thiệt thòi từ thế hệ F1
“Khoan nói tới định hướng phát triển bóng đá nữ. Chúng ta sẽ bắt đầu từ thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam mà tôi gọi vui là thế hệ F1” – Nhà báo Nguyễn Lưu cắt lời tôi. Rồi ông nhẹ nhàng:
“Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã có định hướng phát triển bóng đá nữ và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía lãnh đạo ngành trong đó có nguyên Bộ trưởng Hà Quang Dự.
Bóng đá nữ Việt Nam rất giàu về thành tích ở khu vực nhưng rất nghèo về sự quan tâm (Ảnh: QL) |
Ngay sau khi có chủ trương thì HLV Gia Quảng Thác được mời sang Việt Nam tiến hành xây dựng một ĐTQG với lòng cốt là các cầu thủ của Hà Nội. Và thật đáng ngạc nhiên là không lâu sau khi có ĐT, chúng ta đã có được tấm HCV SEA Games với những tên tuổi như Bùi Hiền Lương, Lưu Ngọc Mai, Thúy Nga, Phùng Minh Nguyệt, Kim Hồng. Đó là một chiến tích mà khi nhìn sang bóng đá Nam với thế hệ vàng cùng lứa như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hoàng Bửu… vẫn loay hoay.
Ra đời muộn nhưng bóng đá nữ của chúng ta nhanh chóng bắt kịp đấu trường khu vực và vươn lên khẳng định vị trí một cách thần tốc.
Ra đời muộn nhưng bóng đá nữ của chúng ta nhanh chóng bắt kịp đấu trường khu vực và vươn lên khẳng định vị trí một cách thần tốc. Nhà báo Nguyễn Lưu
Thế nhưng, ngay từ buổi đầu ấy, cả các nhà quản lý lẫn người hâm mộ đã thiếu sự công bằng với bóng đá nữ Việt Nam. Các cô gái không có được một điều kiện tập luyện tốt, không có chỗ ăn ở tốt, phụ cấp thấp, và khi ra sân thì còn chẳng có nổi một tấm băng rôn cổ vũ như người ta vẫn căng đầy sân cho bóng đá nam.
Người ta kêu gọi bình quyền giới song bóng đá nước ta, vẫn hiển hiện mồn một sự trọng nam khinh nữ. Và khoảng cách của hai giới quần đùi áo số nước ta càng ngày càng xa nhau vời vợi trên nhiều mặt, trong đó, đáng ngại nhất vẫn là vấn đề ưu tiên đầu tư.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh một đoạn phóng sự khi Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, có quay cảnh các cầu thủ nữ ở CLB Hà Nam ra sân tập phải đi mượn cả cái khung gỗ, hì hục khiêng vào sân. Trong khi trên mặt cỏ của giới nam, các đấng mày râu khỏe mạnh chẳng phải khuân vác thứ gì. Một sự so sánh nhỏ nhưng nói nên nhiều điều lớn.
Trở lại chuyện thế hệ F1 chúng ta càng thấy sự trọng nam khinh nữ trong bóng đá Việt Nam. Tôi nói thế này bạn sẽ rõ ngay. Hầu hết những cầu thủ nam thuộc thế hệ vàng F1 khi giã từ sự nghiệp đều có đầu ra rất vững. Nếu không theo nghề huấn luyện thì sẽ trở về với những công việc nhà nước, có thu nhận ổn định. Trong khi đó thế hệ F1 của bóng đá nữ số ít có cơ hội theo nghề huấn luyện với mức lương cũng ba cọc ba đồng, còn số đông thì loay hoay với cuộc sống, người thất nghiệp, người thì đi bán bánh mỳ… Xót chưa!?” – Nhà báo Nguyễn Lưu dừng lại. Tôi ngấm dần cái nỗi xót trong ông cho bóng đá nữ.
“Dứt khoát phải xã hội hóa”
Đó là điều tiên quyết mà Nhà báo Nguyễn Lưu đưa ra khi trở lại với câu hỏi “làm thế nào để lấy lại công bằng và sự phát triển bền vững cho bóng đá nữ Việt Nam”. Bấy giờ khẳng định xong, ông phân tích luôn:
“Sự thiếu công bằng đối với bóng đá nữ Việt Nam lâu nay gần như thâm căn. Nhưng đừng vì thế mà mặc kệ. Hôm rồi khi ĐT nữ Việt Nam vô địch AFF Cup, Kiều Trinh được thưởng nóng 50 triệu còn toàn đội được thưởng 500 triệu. Nghe đến những phần thưởng này thì mừng cho các cô gái lắm, nhưng cũng nghĩ ngay tới cái gì đó giống như thể người ta cho con mình ăn lúc đứa con đã no. Tức là thưởng khi họ giành thành tích chứ không phải là tập trung đầu tư cho họ từ trước đó.
Kiều Trinh được thưởng nóng 50 triệu sau khi đưa ĐTVN giành chức vô địch AFF Cup (Ảnh: QL) |
|
Dứt khoát bóng đá nữ phải được xã hội hóa thì mới mong các cô gái của chúng ta thu hẹp khoảng cách với những cầu thủ nam về nhiều mặt. Lâu nay sự xã hội hóa trong bóng đá nữ đã có song manh mún, kêu gào khản cổ mới được một vài doanh nghiệp đầu tư nhỏ giọt.
Trong khi đó, nhìn sang Thái Lan, họ còn đưa cả bóng đá nữ vào trường học, có lò đào tạo, có trung tâm huấn luyện và có chế độ đãi ngộ so với chúng ta là một trời một vực. Rất may là chúng ta vẫn đứng trên họ về thành tích nhờ vào tố chất. Nếu được đầu tư, có lẽ chúng ta đã vượt xa họ từ lâu rồi.
Tôi nhận thấy có một công thức cho bóng đá nữ Việt Nam cần phải duy trì. Đó là cầu thủ Việt cộng với thầy Trung Quốc. Dùng HLV đến từ một nền bóng đá nữ rất phát triển lại gần gũi và có nhiều điểm tương đồng với chúng ta là điều cần thiết. Minh chứng từ thời ông Giả Quảng Thác đến thời ông Trần Vân Phát đã cho thấy rõ.
Trong bối cảnh V.League đang gặp phải hội chứng “tháo chạy”, còn ĐT nam phát triển chậm như hiện nay, người ta càng phải nhìn nhận một cách thấu đáo hơn với bóng đá nữ để có những đối xử công bằng với họ!” – Nhà báo Nguyễn Lưu kết lại.
Hà Thành (ghi)
Bình luận