Một trong những yếu tố tiên quyết để xác định phương hướng phát triển cho một nền bóng đá là phải hiểu rõ chỗ đứng của mình. Bóng đá Nhật Bản với kế hoạch phủ rộng bóng đá về từng ngõ phố, trường học từng phải thừa nhận vị thế nhỏ bé ở sân chơi châu Á, từ đó mới có động lực và phương hướng rõ ràng để thực hiện cú bật. Tương tự với bóng đá Hàn Quốc, Australia, Iran hay Ả Rập Xê Út, Qatar, UAE,...
Vậy, khi người người, nhà nhà nói đến giấc mơ World Cup, chúng ta cần xác định rõ: bóng đá Việt Nam đang đứng ở đâu trên địa hạt bóng đá châu lục? Khi biết mình đang đứng ở đâu, ta mới nắm rõ với tiềm lực hiện tại và ngoại cảnh trước mắt, liệu giấc mơ World Cup trên đất Qatar sau đây bốn năm có khả thi không?
Vòng loại World Cup rất khác Asian Cup
Bóng đá Việt Nam khao khát World Cup thế nào, các cường quốc bóng đá châu Á cũng khao khát World Cup như thế, thậm chí hơn thế. Bóng đá Hàn Quốc có thể chấp nhận không vô địch Asian Cup trong 30, 40 năm, Iran chấp nhận chưa từng lên ngôi cao nhất châu Á, cổ động viên Nhật Bản thờ ơ Asian Cup khi đội tuyển quốc gia không còn những ngôi sao lớn,...
Nhưng World Cup thì rất khác. Asian Cup là sân chơi được châu Á nhìn vào, song World Cup là vũ đài của cả thế giới.
Trên lý thuyết, châu Á có 4,5 suất đi World Cup, bao gồm bốn suất vào thẳng ở vòng loại cuối cùng và một suất play-off. Muốn lọt vào vòng chung kết World Cup, tuyển Việt Nam cần vượt qua vòng loại cuối cùng với tư cách đầu hoặc nhì bảng. Nếu đứng thứ ba, đội bóng của HLV Park Hang Seo sẽ chạm trán với đội đứng thứ ba ở bảng đấu còn lại theo thể thức đối đầu hai lượt.
Vượt qua vòng play-off này, đại diện châu Á sẽ gặp đại diện của CONCACAF (Bắc, Trung Mỹ và Carribean) trong trận play-off cũng với thể thức hai lượt để chọn đội dự vòng chung kết World Cup.
Ở World Cup 2018, châu Á có năm đại diện, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Iran (vượt qua vòng loại cuối với tư cách đầu hoặc nhì bảng) và Australia (vượt qua vòng play-off). Tính từ thời điểm bóng đá Iran vươn mình và trở thành đại diện quen thuộc của World Cup, bóng đá châu Á luôn có bốn đội bóng gần như chắc chắn góp mặt ở các kỳ đại hội, đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Australia.
Tuyển Việt Nam rất khó chen chân vào nhóm "tứ cường" trong tương lai gần, đó là thực tế. Các học trò của HLV Park Hang Seo lọt vào tứ kết Asian Cup, ngang với Hàn Quốc, Australia, hơn Ả Rập Xê Út - ba đội dự World Cup 2022, song điều đó không đồng nghĩa với việc bóng đá Việt Nam ở đẳng cấp châu Á. Cả hai vòng loại World Cup mà tuyển Việt Nam tham dự tới đây đều có thể thức vòng bảng, đá vòng tròn hai lượt.
Thể thức này đòi hỏi đội vượt qua phải có sự bền bỉ, dẻo dai và cực kỳ ổn định trong ít nhất hai đến ba năm liên tiếp, thay vì thể thức loại trực tiếp vốn ẩn chứa bất ngờ nhiều hơn.
Video: Việt Nam có trận đấu "để đời" trước Nhật Bản
"Không thể so sánh vòng loại World Cup với Asian Cup bởi tính mục đích, động lực của các đội cũng là khác nhau. Hàn Quốc có thể để Son Heung Min đá tuỳ trận tại Asian Cup, song vòng loại World Cup thì khác, khi nó diễn ra trong thời gian các ĐTQG tập trung (CLB không thể tác động)" - BLV Quang Huy phân tích.
Vòng loại World Cup cũng chứng kiến các đội mang lực lượng mạnh nhất, dồi dào nhất, thể hiện rõ nhất sức mạnh tổng lực của cả nền bóng đá.
Nói chung, thành tích ở giải trẻ hay Asian Cup không thể hiện được sức mạnh hiện tại của bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam cần kế hoạch 10 năm
"Truyền thông Việt Nam hỏi tôi rất nhiều về việc dự World Cup. Tôi không nghĩ tuyển Việt Nam vô địch Đông Nam Á tức là vươn lên nhóm đầu của châu Á. Bóng đá Việt Nam phải sẵn sàng trong khoảng mười năm. Tôi nói với VFF rằng phải đầu tư mạnh vào lứa cầu thủ trẻ hơn đội tuyển quốc gia hiện tại ít nhất mười tuổi. Cần có một chiến lược dài hạn", HLV Park Hang Seo chia sẻ khi trở về Hàn Quốc.
Chiến lược gia 60 tuổi cũng thừa nhận mọi công trình "không thể dựng xây trong một buổi sáng". "Thành Rome không thể xây trong một ngày". Hàn Quốc, Nhật Bản nuôi giấc mơ World Cup sau hàng chục năm "gia cố" lại nền bóng đá từ gốc đến ngọn. Iran muốn vươn tầm châu Á, cũng phải thực hiện cải cách từ đội chính đến đội trẻ và mời "kiến trúc sư" Carlos Queiroz.
Mỗi quốc gia, với đặc thù nền bóng đá riêng, lại có cách thức riêng để vươn tầm châu lục, nhưng tựu chung lại: mọi thành công muốn vững bền đều cần có sự đầu tư đúng đắn, bài bản và sự phát triển tổng lực của toàn xã hội.
Thành công của U23 Việt Nam hay tuyển Việt Nam là minh chứng cho tính đúng đắn của quá trình đào tạo trẻ. Gần chục năm trước, ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng bị dư luận chỉ trích là "điên cuồng" khi đốn hạ hàng trăm héc ta cao su để xây dựng nên Học viện bóng đá HAGL - JMG. Bầu Hiển cũng bị hoài nghi khi xây dựng hệ thống đào tạo cầu thủ "cây nhà lá vườn", quyết tạo điều kiện cho người trẻ dù khi ấy không thiếu tiền bạc để mua về những ngôi sao sáng nhất. Hay SLNA, Đồng Tháp, dù khó khăn tài chính, vẫn xoay sở để duy trì công tác đào tạo trẻ tử tế.
Cộng với sự ra đời của PVF hay sự vươn mình của Viettel, bóng đá Việt Nam bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến trồng cây, để rồi thu gặt trái ngọt, dẫu ngọt đến... mức này là điều hiếm ai nghĩ tới. Đào tạo trẻ là căn cơ, gốc rễ, cũng là hướng đi bắt buộc cho bóng đá nước nhà trong mười năm tới.
"Mỗi CLB tại V-League cần có một lò đào tạo trẻ" - BLV Quang Huy khẳng định. Sự lớn mạnh của các lò trẻ, đội trẻ sẽ tạo ra tính cạnh tranh gắt gao và chọn lọc kỹ càng hơn. Bóng đá Pháp, Đức lên đỉnh thế giới bởi có mạng lưới tuyển trạch dày đặc, không bỏ sót bất kỳ hạt ngọc thô nào. Cầu thủ Việt Nam có đầy đủ tố chất để vươn tầm châu lục, vấn đề nằm ở công tác tuyển chọn và gọt giũa nhân tài.
Không thể chờ đợi một thế hệ gồng gánh hết kỳ vọng của nền bóng đá. Những Quang Hải, Duy Mạnh,... đã "cày ải" khắp các giải, từ SEA Games, U23 châu Á, ASIAD, AFF Cup tới Asian Cup. Một mặt, việc chơi liên tục ở nhiều đấu trường giúp cầu thủ nhanh chóng tích luỹ kinh nghiệm. Một mặt, điều đó cũng thể hiện bóng đá Việt Nam đang không có tính kế thừa. Một thế hệ cầu thủ phải đá liên tục với tần suất dày đặc từ giải chính đến giải trẻ cho thấy thực tế là HLV Park Hang Seo không có nhiều lựa chọn.
Vẫn những con người đấy, Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh cuối năm phải về chinh chiến... SEA Games, như một vòng tròn mỏi mệt và không cần thiết.
Các nền bóng đá phát triển có nhiều lứa cầu thủ tương trợ nhau, giúp HLV có nhiều lựa chọn hơn, dùng người này khi người kia không có điểm rơi phong độ. Không phủ nhận tài năng của "thế hệ vàng" hiện nay, đồng thời Công Phượng, Quang Hải, Văn Đức,... có thể chơi tốt trong ít nhất năm năm tới, nhưng thất bại chóng vánh của U16, U19 Việt Nam cho thấy bóng đá nước nhà chưa có sự kế cận đủ tốt.
Đội tuyển thành công cần có sự tổng hoà của nhiều thế hệ. Chúng ta muốn gột, song cần có đủ bột.
Xây dựng giấc mơ từ... nhà vệ sinh
Chia sẻ với phóng viên VTC News sau thành công của tuyển Việt Nam, chuyên gia Steve Darby chỉ ra ngay điều bóng đá Việt Nam cần làm để chinh phục thành công mới.
"V-League phải cải thiện chất lượng. Những trận đấu không có tính thực chiến hay "có mùi" cần bị loại bỏ, cơ sở vật chất cần được nâng tầm để thuận lợi cho cổ động viên, điển hình như nhà vệ sinh ở các sân bóng. Các CLB cũng cần đến gần gũi hơn với các gia đình, tạo điều kiện cho trẻ em, phụ nữ đến sân nhiều hơn, có thể là bán vé giá rẻ hoặc miễn phí tiền vé cho những đối tượng này.
Bên cạnh đó, các CLB cần đảm bảo mặt sân chất lượng. Mặt sân có tốt, chúng ta mới được thưởng thức thứ bóng đá ở đẳng cấp cao nhất. Mỗi đội bóng cũng cần có vật phẩm lưu niệm, có trang web riêng, phát triển trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter. Điều này sẽ giúp các cổ động viên cảm thấy mình như một phần của đội bóng".
"Chân đế" của nền bóng đá không chỉ nằm ở lực lượng trẻ, mà còn nằm ở văn hoá bóng đá của mỗi quốc gia. V-League cùng các giải trong hệ thống VĐQG đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập văn hoá bóng đá. Bên cạnh việc tạo ra môi trường thuận lợi để các cầu thủ phát huy, mài giũa khả năng, V-League còn phải lành mạnh, thực chiến, chuyên nghiệp (đúng như "tấm áo") để nâng tầm vị thế, giúp bóng đá lan toả sâu rộng trong đời sống xã hội.
Những trận đấu "có mùi" cần bị loại bỏ, cơ sở vật chất cần được nâng tầm để thuận lợi cho cổ động viên, điển hình như nhà vệ sinh ở các sân bóng.
Không phủ nhận sự tiến bộ của V-League với những khán đài được lấp kín, bóng đá đẹp lên ngôi, song chất lượng mặt sân, cơ sở vật chất cơ bản (nhà vệ sinh, mặt cỏ, khán đài) ở nhiều đội bóng chưa được cải thiện, văn hoá của cộng đồng bóng đá còn nhiều lỗ hổng, đồng thời tư duy thành tích vẫn ám ảnh nhiều CLB khiến công tác phát triển bóng đá trẻ chưa được chú trọng.
Bóng đá Việt Nam muốn đi lên, nhất định phải phát triển từ những chi tiết, hạng mục nhỏ nhất, thay vì chỉ mơ xa mà không chịu bắt tay hành động.
Khi mọi thứ thành tố nội lực tốt lên, nền bóng đá sẽ tốt lên như lẽ tất yếu. Điều này cần sự vào cuộc của cả xã hội, các ban ngành, đoàn thể, để xây dựng kế hoạch, tiêu chí, hướng đi, mục tiêu cụ thể. Đừng để những kế hoạch vứt vào... trong xó, như nguyên Phó Chủ tịch VFF Ngô Tử Hà từng nói: "Thực hiện xong các kế hoạch, có lẽ chúng ta đi World Cup từ lâu rồi".
Bóng đá Việt Nam không được để những giọt mồ hôi và cả máu đổ xuống hôm nay trở thành vô ích!
Bình luận