1. Bóng đá nước nhà đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ năm 2013. Khó khăn về thành tích, khi U18 và U22 Việt Nam phải về nước ngay sau vòng bảng ở giải vô địch Đông Nam Á. Khó khăn về hình ảnh, khi đội tuyển quốc gia thường xuyên bị chỉ trích vì những màn thể hiện thiếu thuyết phục. Và khó khăn về thượng tầng, khi đang có những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng nội bộ VFF.
Khi khó khăn ập đến, người ta thường có thói quen đổ lỗi. Theo BLV Quang Huy, cái lỗi dễ đổ hơn cả là lỗi của các cầu thủ, bởi nó là "bề nổi của vấn đề mà ai cũng thấy". U22 Việt Nam bại trận trước người Thái vì hai sai lầm sơ đẳng của thủ thành Phí Minh Long. U18 Việt Nam thua ngược Myanmar vì pha bắt bóng thiếu cảnh giác của "người gác đền" Y ELi Nie.
Cộng với những sự cố liên quan đến Nguyên Mạnh, Văn Lâm,... các thủ môn Việt Nam ở hầu hết cấp độ đội tuyển vừa có một năm đáng quên. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam liệu đã hết thủ môn giỏi?
Video: Thủ môn sai lầm, U18 Việt Nam dừng bước ngay ở vòng bảng
2. Trong cuộc họp báo ra mắt danh sách đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho trận đấu với Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019, một số ủy viên BCH VFF đã chất vấn HLV Mai Đức Chung về trường hợp của Phí Minh Long. Thủ thành thuộc biên chế CLB Hà Nội mắc sai sót ở SEA Games, song bất ngờ được triệu tập lên tuyển - cấp độ còn cao hơn U22, nơi Minh Long không hoàn thành nhiệm vụ.
Đáp lại, HLV Mai Đức Chung cho rằng: "Nên tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ, không nên vùi dập các em vì một vài sai lầm trong quá khứ".
Đúng vậy. Không cầu thủ nào chưa từng mắc lỗi. Tạo điều kiện cho các tài năng trẻ sửa chữa sai lầm là điều nên làm. Nhưng khi mở rộng vòng tay với những tài năng trẻ như vậy, chúng ta có vô tình làm mất đi cơ hội của những cầu thủ xứng đáng với tài năng không hề kém cạnh?
Trong 3 thủ môn được triệu tập cho cuộc so tài gần nhất, HLV Mai Đức Chung gửi gắm niềm tin vào Đặng Văn Lâm, Phí Minh Long và Bùi Tiến Dũng. Vị trí của Lâm "tây" không cần bàn cãi, bởi 90 phút thuyết phục trước Jordan trên sân Thống Nhất cho thấy thủ thành thuộc biên chế Hải Phòng xứng đáng lên tuyển.
Nhưng Minh Long và Tiến Dũng thì chưa chắc. Cả hai thủ thành nói trên được gắn mác "ăn cơm tuyển trẻ", thậm chí Tiến Dũng còn là thủ thành duy nhất tính đến lúc này được bắt chính tại World Cup (U20). Dẫu vậy, Minh Long và Tiến Dũng chưa có nhiều thời gian trau dồi tại V-League và dành nhiều thời gian trên ghế dự bị.
So với Minh Long và Tiến Dũng, V-League không thiếu thủ môn được ra sân nhiều hơn và thể hiện phong độ tương đối ổn định. Có thể kể đến Nguyên Mạnh (Sông Lam Nghệ An), Đức An (CLB Sài Gòn), Thanh Thắng (FLC Thanh Hóa),... Dẫu vậy, tất cả đều ngậm ngùi nhìn hai "đàn em" ít được ra sân lên tuyển.
Lần triệu tập này, và có thể lần triệu tập sắp tới, không có gì đảm bảo những thủ môn xuất sắc nhất, ra sân nhiều nhất sẽ được để ý tới.
3.Bóng đá Việt Nam không chỉ nhức nhối với câu chuyện thủ môn. Ở rất nhiều vị trí trên sân, không phải cứ phong độ cao là được triệu tập.
Đồng ý rằng: mỗi đội tuyển quốc gia đều nên có một bộ khung, một nhóm cầu thủ "nòng cốt" để định hình lối chơi. Dù vậy, xây dựng bộ khung không có nghĩa giữ nguyên danh sách đến 70, 80% ở mỗi đợt triệu tập. Nhiều cầu thủ có phong độ cao bị bỏ qua, và nhiều cầu thủ phong độ bất ổn vẫn nghiễm nhiên có suất lên tuyển, bởi lý do "đã có kinh nghiệm chơi trong màu áo tuyển".
Có đội bóng nằm trong nhóm dẫn đầu mà không có cầu thủ nào được tạo cơ hội lên tuyển. Chuyện có lẽ chỉ xảy ra ở V-League.
Khi ép chặt danh sách đội tuyển vào một bộ khung hay một nhóm cầu thủ cụ thể (nhóm đó đang có nguy cơ "phình to", chúng ta rất dễ bỏ quên người tài. Hơn nữa, một cầu thủ làm sao có động lực cố gắng bứt lên, khi dù cố gắng thi đấu ra sao, anh ta cũng không thể lên tuyển, trong khi người khác được triệu tập liên tục dù thể hiện phong độ nghèo nàn hoặc ít được ra sân trong màu áo CLB?
Đó là điều HLV trưởng cùng ban huấn luyện phải lưu tâm. Bởi mở rộng cánh cửa cho mọi cầu thủ không chỉ tạo nên tấm lưới "vớt" được tất cả nhân tài, mà còn tạo nên động lực cho các cầu thủ nói chung và V-League nói riêng.
Với những người chưa được chọn, để khoác lên mình màu cờ sắc áo thiêng liêng của đội tuyển quốc gia, họ phải nỗ lực hết mình. Khi cố gắng, cơ hội sẽ không ngoảnh mặt. Với những người được chọn, phải duy trì phong độ, không được lơ là nếu không muốn bị đánh bật khỏi danh sách triệu tập.
Có nhân tài, tức phải có người nhìn thấy khả năng của nhân tài. Nếu không, đừng đổ lỗi cho bóng đá Việt Nam thiếu tài năng. Chỉ là chúng ta chưa biết cách trọng dụng họ mà thôi!
Bóng đá quốc tế sở hữu những trang thống kê số liệu cầu thủ khoa học như Whoscored hay Squawka. Dựa vào đó, người hâm mộ hay các chuyên gia có thể đánh giá toàn diện về phong độ cũng như khả năng cầu thủ trong từng trận đấu cụ thể.
Đó là điều bóng đá Việt Nam còn thiếu. Không có thống kê chỉ số, việc nhận xét phong độ cầu thủ nước nhà hay hay dở đôi khi dựa trên cảm tính và thiếu sức thuyết phục. Các HLV sẽ lựa chọn cầu thủ có thâm niên trên tuyển, đã thi đấu lâu năm với nhau. Do đó, nhiều cái tên xứng đáng có thể bị bỏ quên.
Bình luận