1. Không quá khi nói, 7 ngày phiêu lưu của U20 Việt Nam tại vòng bảng U20 World Cuplà 7 ngày đáng nhớ nhất với bóng đá nước nhà, tính từ sau chức vô địch AFF Suzuki Cup năm 2008.
Video: U20 Việt Nam cảm ơn khán giả sau cuộc so tài với U20 New Zealand
Trên sân cỏ, U20 Việt Nam trở thành tập thể đầu tiên tại Đông Nam Á giành được điểm số tại các kỳ U20 World Cup. Thầy trò huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn thể hiện tinh thần thi đấu quật khởi cùng sự tự tin dù phải đối mặt với những nền bóng đá giàu kinh nghiệm tại đấu trường World Cup.
Trên các khán đài, cổ động viên Việt Nam biến những Cheonan hay Jeonju trở thành sân Mỹ Đình hay Thống Nhất thứ hai bằng tình yêu cuồng nhiệt với đội tuyển quê hương.
Tiệc vui cũng có lúc tàn khi U20 Việt Nam vừa trở về nước sau hành trình lịch sử. Kết thúc những ngày mộng mơ, bóng đá nước nhà sẽ trở lại guồng quay quen thuộc với V-League cùng đội tuyển quốc gia. Một câu hỏi được đặt ra: Với bóng đá Việt Nam, sau U20 World Cup là gì?
2. Trên trang cá nhân, nhà báo Đặng Hoàng có chia sẻ quan điểm về bóng đá trẻ: Người ta đánh giá nền bóng đá dựa vào giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia chứ không phải các đội trẻ. Chúng ta có thể dễ dàng kể tên các đội vô địch World Cup từ 1930 đến nay, nhưng rất hiếm ai nhớ những đội vô địch U20 World Cup từ 1977 đến nay.
Giống như trong cuộc đua tranh chức vô địch, đâu ai nhớ người nào xuất phát tốt, người nào dẫn đầu mà chỉ nhớ người về đích.
Nói vậy không phải để phủ nhận đóng góp của bóng đá trẻ. Trong vài năm trở lại đây, các lứa U16, U19 và U23 Việt Nam đã có được những thành tích tiến bộ tại đấu trường châu lục (U23 Việt Nam lọt vào vòng chung kết U23 châu Á, U16 Việt Nam lọt vào vòng 1/8 giải U16 châu Á, U19 Việt Nam lọt vào bán kết giải U19 châu Á).
Điều đó cho thấy, bóng đá trẻ Việt Nam đang đi đúng hướng khi cho ra đời những sản phẩm ưu tú, đặc biệt từ những lò đào tạo của HAGL, PVF, Viettel hay câu lạc bộ (CLB) Hà Nội.
Tuy nhiên, bộ mặt của nền bóng đá không nằm ở chỗ đó. Bóng đá Mali, Serbia (trước) và Venezuela, Zambia hiện tại sở hữu những tập thể làm mưa làm gió tại các giải trẻ. Nhưng khi so tài ở AFCON (giải vô địch châu Phi), Copa America, EURO hay World Cup, những cái tên này lại tỏ ra mờ nhạt.
Các đội tuyển trẻ cho thấy tiềm năng phát triển, song đội tuyển quốc gia mới là nơi hội tụ tinh hoa, cho phép người ta đánh giá chính xác và toàn diện nhất về sức mạnh của cả một nền bóng đá.
Cũng như nhà cao phải cần có móng chắc, nhưng người ta sống trong nhà chứ không sống trong móng. Thành tích ở các giải trẻ chỉ mang tính chất khích lệ, đánh dấu bước phát triển trong lộ trình đào tạo trẻ. Thành tích ấy sẽ trở nên vô nghĩa nếu đội tuyển quốc gia không có những bước tiến đáng kể trong khoảng thời gian sau đó.
Rất khó để tạo ra một thế hệ trẻ tiềm năng, song giúp họ trở thành cầu thủ trưởng thành với tài năng thực sự là nhiệm vụ còn gian nan hơn vạn lần.
Thế giới đã chứng kiến hàng nghìn, hàng vạn cầu thủ trẻ “chết yểu” trước ngưỡng trưởng thành bởi nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Do đó, lộ trình phát triển bóng đá Việt Nam phải đặt cầu thủ làm trọng tâm, đặc biệt là những tài năng đã phần nào khẳng định tên tuổi.
Có như vậy, đội tuyển quốc gia mới được hưởng lợi khi là nơi hội tụ những cầu thủ tài năng nhất.
3. Trong đợt triệu tập chuẩn bị cho U20 World Cup, giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede không thể nhận ra tập thể từng lọt vào bán kết giải U19 châu Á chỉ ít tháng trước. Các cầu thủ đã sa sút rất nhanh sau khi không được ra sân tại các đội bóng chủ quản.
Với bất cứ cầu thủ nào, được thi đấu thường xuyên cũng là yếu tố tiên quyết để nâng cao trình độ, kinh nghiệm. Chuyên gia Vũ Mạnh Hải phân tích: “Các cầu thủ cần được ra sân thi đấu, bởi đá tập thì chỉ như bắn đạn giả hoặc ngắm bắn không có đạn, còn đá thật thì mới giống như được bắn đạn thật”.
Công Phượng đã không còn là chính mình sau quãng thời gian quá dài “mài đũng quần” tại Mito Hollyhock, đó là một minh chứng. Thực tế, ngoại trừ Thái Quý, Quang Hải, Đức Chinh, Đình Trọng cùng các cầu thủ thuộc biên chế CLB Viettel, không nhiều trong số những cái tên còn lại của U20 Việt Nam được mài giũa thường xuyên.
Cần nhận định đúng vai trò của V-League. Đây là sân chơi chuyên nghiệp duy nhất để các cầu thủ trẻ thử lửa và nâng cao trình độ. Tuy nhiên, V-League hiện tại đang đối mặt với quá nhiều vấn đề: sai lầm của trọng tài, bạo lực, những khán đài trống vắng cùng mặt sân kém chất lượng,… Về mặt xây dựng hình ảnh và thu hút nguồn lực, V-League cần thêm thời gian để xứng với "tấm áo" chuyên nghiệp khoác lên mình 17 năm qua.
Giải vô địch quốc gia có mạnh thì nền bóng đá mới có cơ hội đi lên, các cầu thủ có được tạo cơ hội thì mới không đứng trước nguy cơ “chết yểu” tài năng. Chiến tích của U20 Việt Nam chỉ tạm che mờ những bất cập mà bóng đá nước nhà phải đối mặt, chứ không xóa bỏ hoàn toàn các vấn đề.
4. Sau mộng mơ là thực tại cần phải đối mặt. Hình ảnh bóng đá Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế quan trọng thật đấy, nhưng hình ảnh bóng đá Việt Nam trong mắt chính người dân Việt Nam còn quan trọng hơn nhiều. Tiếng thở dài đã cất lên đâu đó khi chứng kiến cảnh tượng bát nháo của V-League trong nhiều tháng qua.
Đến bao giờ, bóng đá Việt Nam mới tiếp tục sở hữu một đội tuyển tranh tài tại sân chơi World Cup? Chẳng ai biết được, bởi đó là câu chuyện của cả một nền bóng đá.
U20 Việt Nam đã bước những bước đi đầu tiên cho bóng đá Việt Nam trên đấu trường thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là phải bước tiếp và kiên trì với lộ trình phát triển bóng đá hiện tại, bởi “trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.
Bình luận