1. ... bởi đặt trong tương quan so sánh, tầm quan trọng của chiến dịch vòng loại World Cup diễn ra bốn năm một lần, với quy mô toàn thế giới hiển nhiên lớn hơn tất cả các giải trẻ. Mà SEA Games còn... không bằng các giải trẻ, bởi đây là đại hội thể thao Đông Nam Á và bóng đá chỉ là một trong các môn. Ở địa hạt bóng đá trẻ, U23 Việt Nam là á quân châu lục, Olympic Việt Nam vào bán kết ASIAD. Lùi lại một chút, U19 Việt Nam cũng vào bán kết châu Á cách đây ba năm.
Nếu U22 Việt Nam lại giành ngôi cao ở giải U22 Đông Nam Á, bóng đá trẻ Việt Nam liệu còn điều gì phải chứng tỏ ở SEA Games nữa?
2. Bóng đá Việt Nam có hai nỗi sợ lớn. Một là sợ Thái Lan, cứ nhắc đến Thái Lan là "tim đập chân run". Hai là sợ SEA Games. Bao nhiêu thế hệ cầu thủ với đầy đủ chiêng, trống đi đánh xứ người, nhưng chưa bao giờ mang được huy chương vàng SEA Games về cho Tổ quốc.
Mà đã sợ, càng phải cố mà thắng.
Người đại diện Lee Dong Jun của HLV Park Hang Seo từng chia sẻ về nỗi lo khi thân chủ của mình có thể mất việc. Ở giải giao hữu M-150 tại Thái Lan, U23 Việt Nam từng vấp phải chỉ trích khi thua U23 Uzbekistan, mất vé chơi trận chung kết. Thời điểm đó, ông Lee Dong Jun đã yêu cầu thầy Park phải giúp U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan trong trận tranh hạng ba.
Trận đấu vô thưởng vô phạt, nhưng phải thắng, vì bóng đá Việt Nam rất sợ, và rất ghét thua Thái Lan. Nếu U23 Việt Nam khi ấy thua U23 Thái Lan, HLV Park Hang Seo sẽ lâm nguy. Tư tưởng "sợ Thái" ăn sâu vào tế bào nhận thức bóng đá của chúng ta như thế.
Các HLV dù thành công với đội trẻ, đội tuyển đến đâu, hễ chưa đánh bại được Thái Lan thì chưa được xem là thành công. U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn từng bị dè bỉu suốt một năm vì thua U19 Thái Lan 0-6 trong trận chung kết, hay U23 Việt Nam của HLV Toshiya Miura bị chỉ trích vì thua U23 Thái Lan trong trận đấu thủ tục ở SEA Games 28. Chỉ đến khi bóng đá Việt Nam có năm 2018 thăng hoa còn Thái Lan tụt dốc, người ta mới... bớt sợ Thái Lan đi.
Đấy là lúc chúng ta nhận ra: đâu cần phải thắng Thái Lan mới chứng tỏ mình hơn họ?
3. Điều tương tự cũng cần bàn tới khi nói về nỗi sợ SEA Games. Đúng là bóng đá Việt Nam khao khát huy chương vàng sau gần nửa thế kỷ đợi chờ. U23 Việt Nam nhiều lần ở sát vinh quang rồi gục ngã trong cay đắng, nên một danh hiệu vô địch SEA Games sẽ là liều thuốc xoa dịu bao nhiêu đau đớn từng ám ảnh nhiều thế hệ cầu thủ trong quá khứ.
Bóng đá Việt Nam cần vô địch SEA Games để đảo chiều lịch sử. Ngoài ra, với vị thế hiện tại, U23 Việt Nam phải đặt mục tiêu cao nhất ở mọi các giải trẻ trong khu vực, bởi các học trò của HLV Park Hang Seo đang ở trên đỉnh Đông Nam Á. Họ phải giữ đỉnh cao đó.
Nhưng, khi đặt trong mối tương quan lựa chọn giữa "biển lớn" (vòng loại World Cup) và "ao làng" (SEA Games), thật nực cười nếu HLV Park Hang Seo vẫn bị ép phải bơi trong ao làng. Bóng đá Việt Nam chưa tiệm cận Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran, Ả Rập Xê Út, song ở nhóm giữa, các cầu thủ hoàn toàn có thể vươn lên. Vô địch AFF Cup và vào tứ kết Asian Cup chỉ trong hai tháng, tuyển Việt Nam đã đủ sức hướng ra biển lớn.
Nếu phải chọn "biển lớn" và "ao làng", đấy nhất định phải là biển lớn.
Trên phương diện lứa U23, HLV Park Hang Seo sẽ hướng đội tuyển đến vòng chung kết U23 châu Á 2020 - nơi một trong ba đội giành ngôi cao nhất sẽ có suất dự Olympic Tokyo. Olympic Việt Nam chưa từng được góp mặt tại sân chơi này, nên HLV Park Hang Seo cần có thời gian chuẩn bị để có hiệu quả tối đa.
Tương tự là vòng loại World Cup 2022. Dẫu biết sân chơi World Cup vẫn rất xa vời với bóng đá Việt Nam và chúng ta cần kế hoạch 10, 20 năm, song tuyển Việt Nam có thể dựa vào sân chơi này để tiếp tục trưởng thành, phát triển và khuếch trương thương hiệu bóng đá nước nhà. Cả HLV Park Hang Seo và trợ lý Lee Young Jin đều tin tuyển Việt Nam đủ sức đi đến vòng loại cuối.
Và để hiện thực hoá điều này, dứt khoát phải giảm tải cho HLV Park Hang Seo. Ở tuổi 60, chiến lược gia người Hàn Quốc không thể làm việc ở cường độ cao trong liền ba, bốn tháng liên tiếp với áp lực thành tích ở mọi mặt trận là như nhau.
4. Thầy Park không chán SEA Games. Trái lại, ông rất muốn U23 Việt Nam vô địch sân chơi này, nên mới đề xuất chỉ cầm một đội tuyển, bởi như thế, khả năng tập trung để hoàn thành nhiệm vụ sẽ lớn hơn nhiều so với kiêm nhiệm.
Trong bản hợp đồng đã ký với VFF, HLV Park Hang Seo có trách nhiệm dẫn dắt đồng thời cả ĐTQG và U23 đến hết tháng 1/2020. Cựu trợ lý của Guus Hiddink có nghĩa vụ đáp ứng các điều khoản đã thống nhất, nhưng thành công ngoài dự kiến trong năm 2018 giúp thầy Park có quyền đòi hỏi sự thay đổi. Kỳ vọng dành cho đội tuyển đã khác trước rất nhiều, nên kiêm nhiệm sẽ không mang lại hiệu quả về lâu dài.
Sở dĩ HLV Park Hang Seo được "níu" cho SEA Games, cũng bởi nỗi sợ SEA Games ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Họ sợ rằng nếu không phải thầy Park dẫn dắt, U23 Việt Nam sẽ không vô địch. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam dù muốn thắng sân chơi này, nhưng không phải thắng bằng mọi giá, thắng với rủi ro sức khoẻ, áp lực của HLV Park Hang Seo hay thắng với nguy cơ ĐTQG sẽ không có sự tập trung tốt nhất. Nên nhớ, cuối năm 2019 là cao điểm của bóng đá Việt Nam, đòi hỏi các lãnh đạo VFF lẫn ngành thể thao phải xác định được nhiệm vụ trọng tâm.
Do đó, không nhất thiết cứ phải "ép" HLV Park Hang Seo cố SEA Games đến cùng. Tìm được người thay thầy Park dẫn bóng đá trẻ thì dễ, chứ tìm được người dẫn ĐTQG thay ông mới khó, mà bộ mặt bóng đá trẻ Việt Nam đã được U19, U23 viết lại từ rất lâu rồi.
Khi đội tuyển đang đứng trước vận hội vươn mình, hãy tạo điều kiện để thầy Park hướng tới mục tiêu cao nhất!
Bình luận