1. Sau mỗi trận đấu, phát biểu của HLV luôn được quan tâm nhất. Không giống khán giả hay chuyên gia, HLV thấu hiểu đội bóng và sở hữu cái nhìn toàn cục hơn. Nhìn từ bên trong, bên ngoài, nhìn cả quá trình vận động, chứ không chỉ nhìn vào kết quả. Sau khi U23 Việt Nam đè bẹp Thái Lan, HLV Park Hang Seo đã nói gì?
"Từ khi tôi dẫn dắt tuyển Việt Nam, chúng ta chưa từng đối đầu với Thái Lan, nhưng U23 Việt Nam đã đánh bại U23 Thái Lan 2 lần. Tôi khẳng định: kể từ nay, chúng ta không phải sợ Thái Lan nữa". Đúng, chúng ta không sợ Thái Lan nữa, nhưng HLV Park Hang Seo có cho rằng "Việt Nam đã vượt Thái Lan" hay "Việt Nam là vua Đông Nam Á", như những mệnh đề được nhắc đi nhắc lại mấy hôm nay hay không?
Có lẽ là không.
Video: CĐV thức trắng đêm ăn mừng chiến thắng của U23 Việt Nam
2. Nhiều người gọi chiến thắng 4-0 của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan là dấu mốc lịch sử, so sánh với chiến thắng 3-0 mà tuyển Việt Nam có được trước Thái Lan ở bán kết Tiger Cup 1998.
Tuy nhiên, đây là phép so sánh sai quy chiếu. Các học trò của HLV Park Hang Seo vừa thắng 4-0, nhưng đây là chiến thắng ở cấp độ trẻ. U23, dù rất gần với ngưỡng trưởng thành của hầu hết cầu thủ chuyên nghiệp, thì tầm vóc của đội U23 cũng không thể so với tầm vóc ĐTQG.
Từ khi dẫn dắt tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo chưa có cơ hội so đọ hơn thua với người Thái. Lần gần nhất đối đầu ở cấp ĐTQG, Việt Nam của HLV Toshiya Miura thua Thái Lan 0-3 ở Mỹ Đình.
Một điều hiển nhiên khi nhìn lại năm 2018 là tuyển Việt Nam có thành tích tốt hơn Thái Lan. "Voi chiến" không đủ mạnh để lọt vào vòng đấu nào mà ta có mặt. AFF Cup 2018, Thái Lan bị loại ở bán kết. Asian Cup 2019, Thái Lan dừng bước ở vòng 1/8. BLV Quang Huy khẳng định ngoại trừ nhóm 6 đội mạnh nhất châu lục là Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Ả Rập Xê Út, Uzbekistan, Việt Nam có thể đá ngang ngửa hoặc trên cơ tất cả các đấu thủ còn lại. Trang trọng hơn, báo quốc tế gọi Việt Nam là "vua Đông Nam Á", đẩy Thái Lan khỏi ngai vàng.
Song HLV Park Hang Seo vẫn rất bình thản. Ngót 20 năm bôn ba huấn luyện, từng nếm vị ngọt khi cùng Hàn Quốc giành hạng Tư World Cup, dù chỉ trong vai trò trợ lý, thầy Park biết rõ quy luật của thành công. Năm 2018 trải đầy vinh quang giúp bóng đá Việt Nam có vị thế khác, nhưng chúng ta vẫn đang ở lưng chừng. Qua chân núi, nhưng còn lâu mới tới đỉnh núi.
Từ chỗ "thế lực mới nổi" đến khi khẳng định đẳng cấp là cả một quãng đường dài. Muốn thành công, tuyển Việt Nam cần có thêm nhiều năm như năm 2018. Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều tài năng như Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng,... Các CLB V-League cần chăm chút cho khâu đào tạo trẻ. VFF cần bố trí thời gian tập trung và cố gắng sắp xếp nhiều trận giao hữu với hàm lượng chuyên môn cao. Bóng đá học đường cần phát triển mạnh mẽ. Dinh dưỡng thể thao cũng nên được chú trọng nhiều.
Đó là thứ bóng đá Việt Nam đang cần. Chúng ta có lẽ chưa đạt đến, và cũng không cần danh xưng "vua của Đông Nam Á". Hơi phũ phàng, nhưng đó là thực tế. Một thứ danh xưng không sờ, không nắm, không nhìn được, mà lại có nguy cơ trở thành thứ độc dược khiến người ta ngộ nhận.
3. Bại tướng của Việt Nam dường như từng "chết" vì sự tự mãn. Khi Thái Lan vô địch AFF Cup 2016, LĐBĐ nước này tuyên bố mục tiêu là vươn tới World Cup. HLV Kiatisak Senamuang bị chê bai không đủ kinh nghiệm quốc tế. Theo tư duy của người Thái, có lẽ một lứa cầu thủ được ăn tập ở châu Âu (CLB Leicester City), vài cầu thủ chơi ở các giải hàng đầu châu Á và một HLV đẳng cấp là đủ để người Thái vươn ra biển lớn.
Tiến thoái lưỡng nan là cách hay nhất để mô tả tình trạng của Thái Lan sau khi tự xưng là "vua Đông Nam Á". Vị thế tự phong khiến Thái Lan không còn động lực ở "ao làng", nhưng lại nhỏ bé khi giong buồm tiến ra biển lớn. Không những không bắt kịp Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, mà cơn tự mãn của Thái Lan còn khiến họ bị Việt Nam, Malaysia áp sát, thậm chí lấn lướt tự lúc nào.
Sự ngộ nhận dễ xuất hiện ở trạng thái lưng chừng. Bóng đá Thái Lan đầu tư bài bản, khoa học, mời nhiều chuyên gia, HLV tên tuổi, đưa cầu thủ sang Nhật Bản, Hàn Quốc mà vẫn không tiến ra châu Á được, trong khi Việt Nam lại phất lên một cách khó tin chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Đó là lý do khiến báo chí xứ chùa vàng lao vào tranh cãi, rằng có cần một hệ thống vững mạnh, khoa học mới có được thành công hay không.
Bóng đá hấp dẫn ở chỗ một đội tuyển đến từ nền bóng đá dù mới nổi và chưa có căn cơ vững bền, song vẫn đủ sức đá ngang ngửa với đại diện của một nền bóng đá khác với cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển số 1 châu Á (như cách Việt Nam đá với Nhật Bản). Trận đấu quả cảm ở UAE có được là nhờ lứa cầu thủ này nhiều hơn là nội lực nền bóng đá, và bản thân bóng đá Việt Nam phải cố gắng để xứng đáng với màn trình diễn hôm ấy.
"Bóng đá có chu kỳ, nay lên, mai xuống", HLV Gama nói ngắn gọn sau thảm bại của người Thái. Chiến lược gia người Brazil có thể sai trong cách bày binh bố trận, song ông đúng khi nói về triết lý bóng đá. Việt Nam đang có đà đi lên, thì hãy tiếp tục "khai sơn phá thạch" để tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có. 5 trung tâm đào tạo chất lượng đã đá thế này, nếu có 10, 20 trung tâm chất lượng, chúng ta còn có thể thế nào?
Lứa cầu thủ nòng cốt hiện tại vượt quá mặt bằng chung bóng đá Việt Nam. Gốc rễ, cốt lõi của chúng ta vẫn chưa mạnh được như thế. Không nên thổi phồng trận thắng 4-0 trước U23 Thái Lan lên thành thứ gì đó lớn lao hay gượng ép nó với dấu mốc lịch sử. Các học trò của HLV Park Hang Seo cần được khen ngợi với tinh thần vượt qua nghịch cảnh, và chỉ dừng lại ở đó thôi. U23 Việt Nam còn nhiều hạn chế phải khắc phục.
Sự tự mãn dù ở thời điểm nào cũng là liều thuốc ngủ, có thể khiến ta "mơ mơ màng màng" như Thái Lan sau năm 2016. Cái duyên của thầy Park rồi cũng hết, và bóng đá Việt Nam phải tự đứng trên đôi chân của mình.
Chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa. Nền bóng đá này cần chân đế vững vàng, trước khi nghĩ đến chuyện làm vua chỉ nhờ một chiến thắng hay một thời kỳ thăng hoa.
Bình luận