Mô hình phát triển bóng đá Đức tập trung vào sự thận trọng hơn lợi nhuận. Nói cách khác, xã hội đứng trên tất cả. Cùng với những chia sẻ của người đại diện Bundesliga Maurice Gorges mới đây, nhiều khả năng các CLB tại Đức sẽ tiếp tục trung thành với điều luật "50+1".
Luật "50+1" tạm hiểu là một đội bóng phải có tối thiểu 51% cổ phần được sở hữu bởi các hội viên. Điều luật này để chống sở hữu tư các CLB tại một trong những giải đấu hàng đầu châu Âu, đồng thời giảm tối đa rủi ro tình cảnh các đội bóng khánh kiệt tài chính.
Nhờ điều luật này, ngân sách những CLB ở Bundesliga hơn một thập niên trở lại đây luôn được duy trì ở mức "khỏe mạnh", không có chuyện bị phá sản. Thời gian qua, luật "50+1" cũng trở thành kim chỉ nam trong tiêu chí hoạt động bất di bất dịch của các đội bóng ở Đức.
Song, một chủ đề gây tranh luận lớn ở Đức vài năm gần đây đã xuất hiện, đòi bỏ luật "50+1". Nhiều người cho rằng chính sách này lỗi thời, theo đó kìm hãm sự phát triển các CLB. Thậm chí, đã có phản ánh luật "50+1" làm suy yếu tính cạnh tranh của giải Bundesliga.
Bằng chứng Bayern Munich quá mạnh so với phần còn lại. Hồi đầu tháng, đại diện xứ Bavaria vừa cán mốc năm thứ 6 liên tiếp vô địch giải quốc nội. Thành phần "Hùm xám" cũng tập hợp rất nhiều ngôi sao tên tuổi nhờ khả năng tài chính vững mạnh, đứng số 1 ở Đức.
Luật "50+1" mang đến sự ổn định cho các CLB, nhưng vô tình đào sâu khoảng cách giàu-nghèo giữa các đội bóng. Bayern Munich vẫn giữ thế độc tôn, dễ dàng chi đậm trên thị trường chuyển nhượng. Ngay cả Borussia Dortmund chỉ dám mơ chi tiêu được như đại kình địch.
Bayern Munich quá mạnh, thậm chí giàu nhất tại Đức, trong khi phần còn lại không thể tạo ra sự đột phá về ngân sách. Từ Dortmund tới Schalke... những mùa giải gần đây chỉ biết cạnh tranh cho suất dự Champions League, còn ngôi vô địch mặc định thuộc về tay "Hùm xám".
Ở sân chơi cúp châu Âu, ngoại trừ Borussia Dortmund vào chung kết Champions League mùa 2012-13, chỉ Bayern Munich trở thành tên tuổi duy nhất có thành tích ấn tượng, hoặc đáng gờm trên mặt bằng chung thế giới. Số còn lại như Schalke, Leverkusen đều không để lại nhiều ấn tượng.
Đó một phần do lực lượng các đội bóng này khá mỏng, không có nhiều ngôi sao đẳng cấp. Dễ hiểu cho điều này bởi tình hình tài chính ở các CLB thuộc tốp trên như Dortmund, Schalke hay Leverkusen chỉ ở mức vừa phải. Theo đó, họ không bao giờ chi đậm trên TTCN, dẫn đến cấu trúc ổn định bị phá vỡ.
Rõ ràng, mọi điều luật đều có hai mặt. Với Bundesliga, chính sách "50+1" đang trở thành rào cản ngăn giải đấu này tăng sức cạnh tranh. Song, người Đức luôn giữ vững quan điểm, không muốn thay đổi điều quy tắc đã mang đến thành công và trở thành hình mẫu cho các giải đấu khác học theo.
"Hai tuần trước, 36 CLB thuộc hệ thống giải Bundesliga đều tán thành duy trì luật "50+1". Điều này cho thấy những đội bóng Đức đều nhận ra tính ổn định của chính sách", ông Maurice Gorges kết luận trong buổi hội thảo Bundesliga Media Tour có các phóng viên Đông Nam Á tham dự hôm 13/4.
"Khi CLB được sở hữu bởi một nhân vật giàu có nào đó, họ sẽ biến đội bóng thành ra món đồ chơi. nếu một ngày nào đó giới chủ biến mất, vận mệnh CLB rồi sẽ ra sao? Với luật "50+1", chúng tôi có thể ngăn chặn điều đó bởi đội bóng thuộc về cộng đồng", ông Maurice Gorges phân tích.
Giải Bundesliga theo khái niệm của nhiều người có thể mất tính cạnh tranh vì Bayern Munich ngày càng đào sâu cách biệt so với phần còn lại. Dù vậy, sân chơi này vẫn còn nhiều cuộc chiến khác rất hấp dẫn, như màn đua tranh giành vé dự Champions League với khoảng cách giữa các đội chỉ là 4 điểm.
Ai đó nói rằng mặt trận Bundesliga mất đi tính cạnh tranh, nhưng đây vẫn là sân chơi thu hút người xem đến sân đông nhất. Thậm chí, thống kê chỉ ra không phải giải Premier League, mà chính Bundesliga mới đi đầu về số lượng khán giả trung bình đến sân xem các trận đấu.
Mùa 2016-2017, thống kê của tổ chức Các giải vô địch Quốc gia châu Âu (EPFL) chỉ ra giải Bundesliga vượt qua giải Anh để chiếm ngôi đầu, với số lượng khán giả trung bình đến sân là 40.693 người/trận, còn Premier League là 35.838 người/trận. Giải La Liga đứng thứ ba, với 27.609 người/trận.
Điều đáng nói các CLB Bundesliga không hề sở hữu những tên tuổi hay nhất hành tinh như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Theo Giám đốc điều hành Alexander Jobst của Schalke 04, các CĐV tới sân vì tình yêu mãnh liệt với đội nhà, không phải vì đội bóng nắm giữ những tên tuổi hay nhất hành tinh.
"Mỗi CĐV sinh ra ở đâu sẽ mặc nhiên dành tình yêu cho đội bóng ấy. Họ đến sân để ủng hộ cả đội, không phải một cầu thủ. Người Đức yêu bản sắc CLB, đó là cá tính của chúng tôi. Cổ động viên tới sân đông vì họ hiểu điều đó giúp ích cho đội bóng. Không ai lớn hơn CLB", CEO Alexander Jobst cho biết.
Giải Premier League tự hào vì đầy tiền, còn Bundesliga có linh hồn. Bằng chứng các CĐV cảm thấy rằng họ là một phần của CLB. Bản chất cốt lõi của bóng đá là phục vụ người xem. Những đội bóng Đức đã và đang trung thành với con đường phát triển bền vững đó.
Ở các CLB, họ nâng niu, bảo vệ mối quan hệ với người hâm mộ. Theo đó, giá vé không bao giờ làm khó người xem, thậm chí với tầng lớp người bình dân. Nói với Zing.vn, CEO Alexander Jobst chia sẻ mỗi trận đấu của Schalke luôn dành 1000 vé miễn phí cho những ai không có tiền.
Theo thống kê, giá vé ở giải Bundesliga cũng thấp nhất trong số 5 sân chơi hàng đầu châu Âu, với trung bình 26 euro, thua xa Serie A (58 euro), La Liga (58 euro) hay Premier League (62 euro). Ở một số khu vực sân Signal Iduna Park, giá vé thậm chí chỉ vào khoảng 10-12 euro.
Người Đức thật sự chinh phục khán giả bằng sự nhiệt thành đó. Ngạc nhiên thay, doanh thu của sân chơi này đứng thứ hai so với Anh, Pháp, Tây Ban Nha khi cán mốc 2,7 tỷ euro vào mùa 2015-16. Trong mùa giải tiếp theo, giải Bundesliga đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu lên 3,2 tỷ euro.
Có thời điểm làng bóng đá Việt lao đao khi nhiều đội bóng đứng trước nguy cơ giải thể. Thậm chí, điều tồi tệ đã xảy ra khi một số CLB vì không đủ kinh phí trì hoạt động hoặc vì lý do khác đã đi đến quyết định... giải tán, như trường hợp của Sài Gòn Xuân Thành, Ninh Bình, An Giang...
Chính cơ chế quản lý bấp bênh trong bộ máy điều hành dẫn đến trường hợp đáng tiếc nói trên. Mà trong bóng đá, một đội bóng trước khi mơ tới danh hiệu cần duy trì được sự ổn định về tài chính đầu tiên. Lúc này, những CLB V.League có lẽ nên học từ mô hình phát triển của người Đức.
Bình luận