Thành công của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn 2017-2022 là thành quả của sự đổi thay trong công tác đào tạo trẻ những năm trước đó. Giờ đây, để tiến thêm một bước, thực hiện giấc mơ World Cup vào năm 2026 hoặc xa hơn, bóng đá Việt Nam phải tiếp tục tạo ra và bồi dưỡng thế hệ tiếp nối lứa Công Phượng, Quang Hải. Tìm ra phương hướng để làm điều đó là nhiệm vụ của ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa IX.
Quay trở lại điểm xuất phát đồng nghĩa với rất nhiều khó khăn và sức ép. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ ban chấp hành mới, bóng đá trẻ Việt Nam chưa có những kết quả tốt ở các giải đấu. Tuy nhiên, VFF vẫn kiên định bởi mục tiêu quan trọng là chặng đường dài.
Thay đổi bước ngoặt
Năm 2023, Thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra những quyết định quan trọng và có phần táo bạo về bóng đá trẻ. Đầu tiên, ở thời điểm mà các giải đấu như ASIAD 19, vòng loại U23 châu Á 2024 và giải U23 Đông Nam Á 2023 diễn ra rất gần nhau, trùng với cả lịch thi đấu ở giải quốc nội, VFF quyết định sử dụng 3 đội tuyển với nhân sự có nhiều khác biệt. Đây là điều chưa từng có.
Đầu tiên, các nhà quản lý hiểu rằng cần dung hoà lợi ích giữa đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ. Do đó, không thể triệu tập tất cả những cầu thủ trẻ tốt nhất cho một giải đấu không chính thức như giải U23 Đông Nam Á. Ngược lại, đây chính là cơ hội cho các cầu thủ trẻ lứa 2003 - 2006, những người có thể phát triển mạnh mẽ và đạt độ chín trước thềm World Cup 2030.
Bởi vậy, HLV Hoàng Anh Tuấn với tư cách là nhà cầm quân nội thành công nhất với bóng đá trẻ được tín nhiệm dẫn dắt đội U23 Việt Nam. Ông mạnh dạn trao cơ hội cho nhiều cái tên như Mạnh Hưng, Nguyên Hoàng, Minh Quang, Đăng Dương, Hữu Tuấn, Lê Đình Long Vũ. Thậm chí, đây còn là sân chơi để giúp một số cái tên không có phong độ tốt như Văn Chuẩn, Văn Khang, Quốc Việt tìm lại chính mình.
Tại ASIAD 19, VFF đưa ra chiến lược sử dụng hầu hết các cầu thủ ở độ tuổi U20 - những người trong 3-6 năm tới mới thực sự bước giai đoạn bùng nổ trong sự nghiệp. Thực tế, khi không nhiều cầu thủ trẻ có thể chiếm suất thi đấu tại V-League, đây là bước đi hợp lý.
Ngoài ra, các đội tuyển trẻ thường xuyên được tập huấn, thi đấu ở nhiều giải đấu quốc tế cũng là nỗ lực của các nhà quản lý bóng đá. Cầu thủ trẻ cần được ra sân nhiều nhất có thể thì mới nhanh chóng trưởng thành.
Mạnh dạn đổi mới, chấp nhận chỉ trích
Thực tế, chỉ một chức vô địch ở giải U23 Đông Nam Á không thể giúp các đội tuyển trẻ Việt Nam "thoả mãn" người hâm mộ, dư luận cần nhiều hơn như thế. Các đội U20 Việt Nam, U17 Việt Nam ít nhiều để lại dấu ấn ở giải châu Á nhưng kết quả cuối cùng đều là không vượt qua được vòng bảng. Tương tự như vậy, Olympic Việt Nam cũng phải dừng bước sớm tại ASIAD 19.
Đó là rủi ro về mặt thành tích khi VFF chấp nhận chọn những lứa cầu thủ trẻ tuổi hơn so với giới hạn quy định để tham dự các giải đấu.
Sau ASIAD 19 tại Trung Quốc, HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thẳng thắn với VTC News: "Đúng là chúng tôi có gặp những áp lực từ dư luận khi các đội tuyển chưa thành công về kết quả. Nhưng đây là điều dễ hiểu, người hâm mộ luôn khao khát được chứng kiến các cầu thủ giành chiến thắng.
Tuy nhiên, chiến lược bóng đá trẻ mà VFF đang áp dụng hiện nay hoàn toàn đúng đắn. Các cầu thủ trẻ cần nhiều trận đấu quốc tế để nhanh chóng trưởng thành hơn. Bản thân tôi rất vinh dự được đóng góp cho bóng đá Việt Nam theo cách như vậy dù chính mình nhiều thời điểm cũng áp lực và mệt mỏi. Nhưng định hướng World Cup không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai, đó là hành trình dài hơi của bóng đá Việt Nam".
Để hướng tới World Cup, bóng đá Việt Nam có lẽ cần nhiều hơn nữa những khoản đầu tư và hơn hết là sự kiên nhẫn từ các nhà quản lý bóng đá và người hâm mộ. Những giải đấu trẻ gần đây nói lên rằng các cầu thủ chưa tiệm cận ở trình độ hàng đầu châu lục. Do đó, bóng đá trẻ Việt Nam nói chung và đội tuyển quốc gia nói riêng còn nhiều công việc phải làm cho giấc mơ lớn mà VFF khoá IX đặt ra.
Bình luận