• Zalo

Bóng đá Việt mùa 'tựu trường': Nhiều thí sinh chưa thi đã rớt

Thể thaoThứ Ba, 04/02/2014 03:41:00 +07:00Google News

...Vào đầu mùa bóng, chúng tôi hay dùng từ “mùa tựu trường” để nhắc đến một mùa giải mới với bao háo hức, chờ đợi và kỳ vọng...

Nhưng với bóng đá VN thì “mùa tựu trường” 2014 lại rất yên ả và thậm chí còn bình lặng đến đáng sợ. Điều đáng sợ ấy đến từ ngày khai mạc - núp sau cái Cúp Nutifood hoành tráng.
Cứ nhìn cảnh ông Quyền Chủ tịch VFF tối hôm trước còn phát biểu hùng hồn ở ngày đấu cuối Cúp Nutifood với bao niềm tin, kỳ vọng lẫn nhiệm vụ đặt vào đôi vai đám trẻ và hình ảnh khai mạc ảm đạm trên sân bóng thủ đô với loe ngoe vài ngàn khán giả, trong đó có người đến sân để được trả tiền (mướn CĐV), sẽ thấy rất rõ điều đó.
 Năm 2014 đầy thách thức với những người làm bóng đá Việt Nam
(Ảnh: Quang Minh)
“Mùa tựu trường” bóng đá V-League dễ cho mọi người có cảm giác đến hẹn lại lên và đến hạn phải trả nghĩa nhà tài trợ. Bằng chứng là buổi chiều bóng lăn, thì buổi sáng mọi người lại làm thủ tục ra mắt nhà tài trợ, dù đây là nhà tài trợ cũ - với trách nhiệm của năm thứ ba trong gói tài trợ ba năm.
“Mùa tựu trường” năm nay không có mấy đội dám đặt mục tiêu vô địch, mà đa phần chỉ nghĩ nhiều đến việc làm sao để trụ hạng. Cái mùa mà chỉ có đại gia như B.Bình Dương là dám đổ tiền mua lẫn thay đến 2/3 đội hình với giá trị hàng chục tỉ đồng, nhưng lại là đội bóng thi đấu thật khó khăn trong trận khai mạc và thua tan nát đến 2-4 ở Hàng Đẫy.
Bóng đá VN đến mùa thứ 14, nhưng quan niệm làm bóng đá kiểu “có tiền mua tiên” lại khiến nhiều người bất an. Khi mà Sông Lam Nghệ An ngẫu nhiên lại trở nên lò sản sinh cầu thủ, trong khi nhiều địa phương khác đang rút dần khâu đào tạo để chuyển sang chính sách nhìn và chờ các địa phương ai có cầu thủ ngon thì bắt về.
Khoảng 7 năm trước, khi HLV Đặng Trần Chỉnh về với bóng đá B.Bình Dương, khi trao đổi với HLV này, tôi đã chúc mừng ông Chỉnh vì ông được làm điều mình thích là gõ đầu trẻ.
Thế nhưng thời gian qua đi thì cái lò trẻ mà ông Chỉnh muốn xây dựng lại dần triệt tiêu bởi những người làm bóng đá ở đó cứ nghĩ đến chính sách đồng tiền quay vòng và để nhanh đạt được mục tiêu, họ chọn cách lấy cầu thủ của các CLB vừa qua tuổi phục vụ cho địa phương. Đó là lý do vì sao ở B.Bình Dương bây giờ có xấp xỉ nửa đội hình là cầu thủ Sông Lam Nghệ An được đào tạo qua nhiều mùa và cũng thử lửa qua nhiều mặt trận.
Bóng đá VN “mùa tựu trường” nay có quá ít những đại gia đau đáu với chuyện phải đầu tư trong những trận mang tính sống còn kiểu Gạch – Gỗ ngày nào.
Rõ nhất là trước đây, mỗi khi HA Gia Lai xuống núi đá với “Gạch” hay ĐT Long An lên rừng tử chiến với “Gỗ” đều kéo theo giới truyên thông tới xem rồi luôn làm “cháy” mặt báo với nhiều từ mạnh, mà chỉ cần lấy phát biểu của 2 ông bầu cũng đã đủ để nóng các trang báo. Bây giờ thì những trang báo vẫn nguội lạnh, bởi nhiệt huyết nơi những ông bầu đã cạn cùng với sự nhàm chán ở chiến trường V-League.
V-League “mùa tựu trường” nay phải chấp nhận con số 13 và cứ mỗi lượt đấu thì một đội phải ngồi ngoài làm khách. Con số lẻ ấy cũng kéo theo nhiều thứ, trong đó có cả sự bất mãn của một ông bầu - như ông Đoàn Nguyên Đức ấm ức vì đội mình rơi vào mã số trận khai mạc phải nhìn người ta đá, còn trận bế mạc thì lo các đối thủ "bắt tay" hại mình.
Cũng chính vì lẽ đó mà bầu Đức tỏ thái độ không thèm tham gia Hội đồng bảo trợ V-League nữa, bởi có doanh nghiệp nào bảo trợ cho tổ chức đang mang lại nhiều bất lợi, hay nói nặng hơn là làm hại mình.
“Mùa tựu trường” của bóng đá VN đã thấy có rất nhiều thí sinh chưa thi mà đã rớt.
Và đó là nỗi lo của một năm bóng đá chỉ biết kỳ vọng vào một nhúm cầu thủ trẻ trong lứa gà nòi của bầu Đức.
Bình luận
vtcnews.vn