Không cần nói nhiều về tham vọng của bóng đá Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới đặt mục tiêu vô địch World Cup trong 22 năm tới. Thế nhưng, dù đã bỏ ra rất nhiều tiền, bóng đá Trung Quốc đang gặp những vấn đề nghiêm trọng từ chính các cầu thủ bản địa lẫn ngoại binh.
Khi ban lãnh đạo Shanghai SIPG mời cựu HLV tuyển Anh, Sven Goran Eriksson về dẫn dắt, họ muốn xây dựng một đế chế bóng đá. Song, mọi chuyện diễn ra không như mong đợi. Khán đài trống vắng, các cổ động viên thích ngồi nhà xem Premier League còn hơn đến sân.
Từ Thượng Hải, nơi tọa lạc của Shanghai SIPG, cây viết Justin Allen của The Sun tin nhiều cổ động viên Trung Quốc đang chán nản với thực trạng của nền bóng đá nước nhà.
Cầu thủ Trung Quốc không hài lòng vì hưởng lương thấp hơn ngoại binh tới 15 lần, họ cũng không được đối xử công bằng. Ở chiều ngược lại, những HLV và các ngôi sao ngoại quốc cho rằng chính các đồng nghiệp Trung Quốc thiếu nỗ lực để vươn lên đỉnh cao.
Điều đó dẫn đến hệ quả: chất lượng các trận đấu càng ngày càng thấp.
Với 24 triệu dân, Thượng Hải là thành phố lớn nhất Trung Quốc. Nhưng CLB Shanghai SIPG chỉ thu hút trung bình 29.779 cổ động viên tới sân mỗi trận, so với sức chứa gần 56.842 chỗ ngồi của sân vận động. Không khí bóng đá trong các trận đấu trở nên ảm đạm trong thời gian qua.
Hulk, ngôi sao vừa đến Trung Quốc vào hè 2016, hưởng lương tới 320.000 bảng/tuần. Tuy nhiên, anh bị nhiều chuyên gia đánh giá “lười biếng” và không đóng góp nhiều cho đội bóng. Hulk tốn của Shanghai SIPG tới 46,2 triệu bảng, hưởng lương gấp 15 lần so với các đồng nghiệp Trung Quốc.
Dave O’Reilly, một cổ động viên bóng đá đang sinh sống tại Thượng Hải, mô tả về Hulk như một cầu thủ “nặng nề, chậm chạp, chỉ đi bộ trên sân và không làm gì cả”. Tuy nhiên, dù chỉ đi dạo trên sân, cựu cầu thủ Zenit vẫn ghi tới 2 bàn trong trận hòa 2-2 mới đây của Shanghai SIPG với Beijing Guoan.
Các cầu thủ Trung Quốc chỉ là những kẻ lười biếng, thái độ tập luyện thiếu tích cực
Đó là lý do vấn đề có thể không chỉ nằm ở những cầu thủ ngoại quốc. Một ngoại binh giấu tên, nói với Justin Allen rằng: “Các cầu thủ Trung Quốc chỉ là những kẻ lười biếng, thái độ tập luyện thiếu tích cực. Muốn nổi tiếng, có thật nhiều tiền nhưng lại không muốn tập luyện”.
Có một sự chia rẽ sâu sắc giữa các cầu thủ bản địa và ngoại quốc. Một nhân viên của Shanghai SIPG tiết lộ cho Justin Allen biết việc HLV Eriksson, Hulk và 3 cầu thủ ngoại quốc khác từ chối ở chung khách sạn với phần còn lại của đội bóng, bất chấp quy định được đề ra.
“Họ chỉ thích ở những căn hộ xa xỉ, và không muốn giao du với các đồng đội. Điều đó khiến nhiều cầu thủ Trung Quốc thất vọng và cảm thấy như bị phân biệt đối xử”, nguồn tin này nói.
Các ngôi sao và HLV ngoại quốc đang được đối xử như vua. Họ sống trong các căn hộ xa xỉ, nhận nhiều đặc ân và mặc sức làm những gì mình muốn.
Lu Win, chuyên gia bóng đá Trung Quốc phân tích chính cách hành xử của các bên đang khiến người ta mất niềm tin vào bóng đá Trung Quốc. Rất nhiều cổ động viên bóng đá Trung Quốc không sẵn sàng bỏ ra 18 bảng để mua một tấm vé vào sân xem Shanghai SIPG thi đấu.
Trong suốt thời gian ở Thượng Hải, tôi chẳng thấy cậu bé nào chơi bóng trên đường phố
Họ không cho rằng chất lượng trận đấu xứng đáng với số tiền bỏ ra. “Người Trung Quốc yêu bóng đá, nhưng chất lượng các trận đấu không đủ để thu hút họ đến sân”, một cổ động viên nói.
Với fan Trung Quốc, họ thà bỏ tiền vào các quán bar xem các ngôi sao Premier League chơi bóng. Trận derby Manchester diễn ra vào tháng trước thu hút một lượng lớn cổ động viên đến các quán bar.
Manchester United, Man City, Chelsea, Arsenal và Liverpool là những CLB rất được ưa thích ở Trung Quốc.
Rất nhiều tiền đã được đổ ra, nhưng hiệu quả chưa thấy đâu. Justin Allen kết thúc bài báo của mình bằng một sự thật chua xót: “Trong suốt thời gian ở Thượng Hải, ông chẳng thấy cậu bé nào chơi bóng trên đường phố”.
Bình luận