1. "Nếu đội bóng chơi không kết dính, khát khao, cá tính, đầy sợ hãi và chẳng tạo ra điều gì cả, điều đó nghĩa là HLV làm việc không tốt. Nếu đưa một đội bóng như thế ra sân, tôi sẽ không muốn làm như mình đi ăn cướp tiền lương nữa. Tôi được trả rất nhiều tiền, nhưng sẽ không nhận tiền theo cách đó. Tôi sẽ từ chức", đó là những lời cuối cùng của ông Marcello Lippi trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Trung Quốc.
Bóng đá Trung Quốc đã có tất cả để có thể thành công: Tiền bạc, giải VĐQG hàng đầu châu Á, đầy rẫy cầu thủ giỏi trong đội tuyển quốc gia, và một HLV hàng đầu thế giới cùng lượng cổ động viên khổng lồ. Song rốt cuộc những gì họ đang thu về chỉ là sự thất vọng não nề. Trước trận thua 1-2 trước Syria, thậm chí Trung Quốc còn bị Philippines cầm hòa không bàn thắng.
Nếu như chiến thắng trước UAE đang giúp Việt Nam mở toang cánh cửa lọt tiếp vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, cùng sự thăng tiến bượt bậc trên bảng xếp hạng FIFA, tiệm cận với top 90, thì với Trung Quốc, hi vọng đi tiếp ở vòng loại World Cup trở nên mong manh hơn bao giờ hết, và lời từ chức của HLV Lippi dường như chỉ mới là sự khởi đầu cho chuỗi ngày khốn khó cho nền bóng đá của quốc gia tỷ dân này.
Nhưng đấy chưa phải là điều "thảm họa" nhất, mà như HLV Marcello Lippi nói, đội tuyển Trung Quốc đang chơi bóng với sự sợ hãi, họ sợ thua mọi đối thủ. Thậm chí khi đối đầu với những cầu thủ "dưới cơ", họ cũng loay hoay không biết cách này để thắng. Điều gì đang diễn ra với bóng đá Trung Quốc vậy?
Sự thất bại của bóng đá Trung Quốc, ở cả cấp độ đội tuyển quốc gia, cũng như cấp độ trẻ như trận thua 0-2 của U22 Trung Quốc trước chính U22 Việt Nam, chỉ là phần ngọn của vấn đề. Vậy phần gốc nằm ở đâu?
Câu trả lời là ở công tác đào tạo bóng đá trẻ, nền móng của bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển bóng đá. Người Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch cực kỳ lớn để đào tạo bóng đá trẻ, với dự tính năm 2025 sẽ đạt đến con số 50.000 trường tiểu học và cấp hai mà ở đó bóng đá đóng vai trò chủ đạo trong môn thể dục. Mục tiêu còn có 50 triệu người sẽ chơi bóng đá, trong đó 30 triệu được đào tạo bài bản.
2. Việc vạch ra kế hoạch chi tiết và đổ tiền vào thực hiện, bóng đá Trung Quốc đã làm gần 10 năm nay. Chỉ có điều, chính bản thân các cầu thủ trẻ của quốc gia này lại từ chối những điều kiện đào tạo "trong mơ" mà người ta cung cấp cho họ.
"Đào tạo bóng đá ở Trung Quốc như quân đội vậy. Sự kìm hãm tự do khiến lũ trẻ sống kỷ luật, nhưng thiếu đam mê, sáng tạo và dũng cảm. Chúng sợ đưa ra quyết định và ngại nói lên suy nghĩ của mình", HLV Miguel Labaien của học viện bóng đá Evergrande nhận xét trong sự ngạc nhiên của bản thân.
"Nếu bạn không chỉ ra chính xác những gì cần làm trên sân, chúng sẽ chẳng biết phải làm gì. Chúng cũng rất hiếm khi giao tiếp với nhau trên sân, nên việc dạy kỹ chiến thuật cho chúng là vô vọng. Ở lớp học cũng thế. Đầu giờ, chúng đứng dậy chào giáo viên, sau đó thì im lặng trong phần còn lại của buổi học".
Sự hèn nhát ấy, cũng là cội nguồn căn cơ cho sự hèn nhát của những tuyển thủ quốc gia "hèn nhát" trong mắt HLV Marcello Lippi.
Nếu như Miguel Labaien nhận ra được điều này từ vài năm về trước, thì HLV Marcello Lippi cũng vừa mới nhận ra điều tương tự. Mikel Lasa - một HLV khác của học viện Evergrande lý giải cho điều này: "Lũ trẻ được giáo dục từ gia đình và nhà trường để trở thành người giỏi nhất, nhưng không biết cách hợp tác và quan tâm đến người khác".
Đấy cũng chính là lý do Trung Quốc là cường quốc thể thao, luôn đứng tốp đầu về huy chương ở các kỳ Olympic. Họ thành công ở những môn thể thao cá nhân, nhưng thất bại trong việc tìm ra được 22 cầu thủ hợp thành một đội bóng tốt giữa 1,3 tỷ người mà mình sở hữu.
3. Bóng đá Việt Nam đã có những chuỗi dài những ngày u tối, sống với sự sợ hãi mà HLV Marcello Lippi từng nhắc đến ở những lời cuối cùng của mình trước khi rời bóng đá Trung Quốc. Suốt bao thế hệ cầu thủ Việt Nam, Thái Lan là nỗi sợ hãi hữu hình. Cứ nhất đến Thái Lan là toát mồ hôi.
Bóng đá Việt Nam đã có những ngày lao dốc đến tận cùng, với thất bại thảm thương của HLV Hữu Thắng ở cả đội tuyển quốc gia lẫn U22 Việt Nam, để rồi chính tay người Thái dìm giấc mơ SEA Games vào thảm họa với trận thua trắng 0-3, kết thúc một kỷ nguyên đầy sự sợ hãi và bất lực.
Những gì mà bầu Đức, bầu Hiển cùng những lò đào tạo khác như VPF, Viettel... làm với lứa cầu thủ trẻ Việt Nam từ 10 năm về trước có chung một điểm đến: Khiến cho bóng đá Việt Nam gạt bỏ được sự sợ hãi trước người Thái, trước khi vươn mình ra khỏi Đông Nam Á.
Nhưng rồi suýt chút nữa, bóng đá Việt Nam lại rơi vào kỷ nguyên phải sống dưới cái bóng của người Thái, dưới sự sợ hãi trước "đại kình địch khó chịu" ở "vùng trũng" Đông Nam Á sau thất bại não lòng ở SEA Games 29. May mắn thay, thầy Park đến.
Có lẽ chẳng cần phải điểm lại những gì HLV Park Hang Seo làm được cho bóng đá Việt Nam, bởi với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, nó đều là những điều đáng nhớ. Chỉ có điều, giờ đây bóng đá Việt Nam, đội tuyển Việt Nam hay các lứa cầu thủ trẻ đã không còn phải sợ hãi khi đứng trước bất cứ đối thủ nào. Thay vào đó, những đội bóng khác phải sự hãi khi đối mặt với Việt Nam.
U22 Trung Quốc thua thầy trò HLV Park Hang Seo trong sự hoang mang đến tột độ, để rồi bị đè bẹp thảm hại. UAE cực kỳ thận trọng trong công tác chuẩn bị hậu cần, chuyên môn khi phải đối đầu với Việt Nam, rốt cuộc vẫn "lấm lưng trắng bụng" tại Mỹ Đình. Và giờ đến lượt người Thái run rẩy đối đầu với thầy trò HLV Park Hang-seo trên "thánh địa" của bóng đá Việt Nam dưới thời ông thầy người Hàn Quốc.
Sự hòa hợp, tôn trọng đã giúp HLV Park Hang Seo cùng lứa cầu thủ "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam nhìn chung về một hướng, với một sức mạnh không còn là sự quật cường của một đội bóng "cửa dưới", mà là sự kiêu hãnh của một nền bóng đá với sức mạnh và tiềm năng thực sự, sẵn sàng khiến mọi đối thủ phải dè chừng, phải khiếp sợ.
Chính điều ấy, chứ không phải thứ hạng trên bảng xếp hạng FIFA mới là giá trị đích thực của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Cái nền tảng ấy, bóng đá Trung Quốc còn lâu lắm mới có thể có được, dù có chi ra biết bao nhiêu tiền đi nữa.
Bình luận