Trong thông báo phát đi hồi đầu tháng này, LĐBĐ Singapore cho biết tiền tài trợ cho giải VĐQG S.League vào năm tới sẽ giảm xuống còn 8,5 triệu USD, tức là chỉ nhiều hơn một nửa số tiền tài trợ hiện tại (16 triệu USD).
Các khoản trợ cấp hàng năm cho giải bóng đá chuyên nghiệp duy nhất và đã có 21 năm tuổi của Singapore đến từ Tote Board, nhưng nó chỉ được giải ngân thông qua cơ quan quản lý thể thao quốc gia SportSG.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn đặc biệt, Aleksandar Duric tin rằng việc cắt giảm tiền tài trợ sẽ mang đến điều tốt đẹp hơn cho S.League. Huyền thoại từng 8 lần vô địch S.League cho biết: “Chúng tôi đã rơi vào cuộc khủng hoảng sâu rộng và chúng tôi đang kêu gọi sự quan tâm”.
“Trong nhiều năm, bạn có thể thấy bóng đá đang đi xuống và giải đấu không còn giữ được sự ‘khỏe manh’ như trước. Các CLB dựa quá nhiều vào ngân quỹ của chính phủ”.
“Về cơ bản, nó vẫn hướng tất cả về vấn đề lớn nhất là tiền bạc. Nếu không có tiền, bạn thậm chí không thể duy trì một trường mẫu giáo chứ đừng nói đến một CLB bóng đá. Cho đến khi chúng tôi nhận ra điều đó, chúng tôi đã gặp đủ rắc rối”.
“Nguồn tài chính bị cắt giảm có thể là một chuyện tốt, bởi vì giải đấu sẽ không có lựa chọn nào khác. Các CLB sẽ phải tự thân vận động đi tìm kiếm các nhà tài trợ, và để có tài trợ tốt, họ cần phát triển lại thứ bóng đá ở đẳng cấp trước đây”.
“Hướng ra thế giới, bạn có thể thấy các CLB đều được tư nhân hóa và tự kiểm soát nguồn tài trợ. Vì thế, đã đến lúc các nhà quản lý CLB cần làm một điều gì đó. Nếu họ không thể, họ nên bước qua một bên và nhường chỗ cho ai đó có thể làm được. Tôi tin rằng có rất nhiều công ty cũng như người đam mê sẵn sàng đầu tư vào bóng đá Singapore. Vì thế, hãy cố gắng kết nối bóng đá với những con người như vậy”.
“Tất nhiên nó sẽ là một quá trình dài, có thể kéo dài 5 năm hoặc 10 năm. Chúng tôi cần kiên nhẫn và ủng hộ dự án này thay vì đòi hỏi lợi ích ngay lập tức. Bây giờ ai cũng tức giận và có ý kiến riêng, nhưng điều đó không giúp được gì cho bóng đá nước nhà”.
ĐTQG Singapore chỉ thắng được 2 trong số 17 trận đấu chính thức dưới thời HLV V. Sundramoorthy và đang gặp rất nhiều khó khăn ở bảng E vòng loại Asian Cup 2019. Họ cũng từng đứng bét bảng ở AFF Cup 2016 và không cho thấy dấu hiệu có thể trở lại trong một thời gian gần.
“Đó là một câu hỏi khó và rất khó để trả lời đúng. Có lẽ chúng tôi sẽ phải chờ đợi rất lâu nữa”, Duric nói. “Ở thời điểm này, mọi chuyện rất khó khăn và tôi nghĩ phải qua vài vòng chung kết nữa chúng tôi mới có thể cạnh tranh chức vô địch ở AFF Cup”.
“Với vòng loại Asian Cup, tôi nghĩ chúng tôi không gặp may trong một số trận đấu. Chúng tôi chơi tốt và hòa 0-0 với Bahrain ở trận ra quân. Nhưng đó là trận đấu trên sân nhà và lẽ ra chúng tôi có thể thắng, nhưng chúng tôi không làm được”.
“Trận hòa 1-1 với Turkmenistan đặc biệt đen đủi. Chúng tôi đáng ra phải thắng cách biệt vài bàn, nhưng cuối cùng chỉ có 1 điểm. Bóng đá luôn là như vậy, nếu bạn không ghi được bàn, bạn sẽ bị trừng phạt. Thật không may, mọi người đánh giá đội bóng không đủ tốt và vì thế, các cầu thủ đang phải chịu rất nhiều áp lực”.
“Không ai ủng hộ chúng tôi nữa. Chúng tôi cần những người biết chấp nhận đội bóng không còn mạnh nhưng vẫn ủng hộ hết mình, vẫn cổ vũ cho ĐTQG, cho giải VĐQG, cho các CLB và cả tương lai của chúng tôi”.
Thực tế Duric nói không hề quá lời. Kể từ khi sân vận động quốc gia mới và đa năng được Singapore khánh thành vào năm 2014, nó chưa một lần được lấp đầy trong các trận đấu bóng đá của ĐTQG nước này. Trong khi các trận đấu của Brazil hay Arsenal có thể thu hút 5 vạn khán giả đến sân, các trận đấu quan trọng của Singapore thậm chí không có nổi 1 vạn cổ động viên.
Cuộc khủng hoảng sâu rộng của Singapore giống hệt những gì bóng đá Việt Nam phải trải qua trong nhiều năm trở lại đây. Kể từ chức vô địch AFF Cup 2008, Việt Nam vẫn miệt mài đi tìm con đường phát triển nhưng đâm vào ngõ cụt.
Giải VĐQG đầy rẫy các tranh cãi, hầu hết các CLB không thể tự nuôi sống mình và không thể kéo khán giả đến sân. ĐTQG Việt Nam không xuống dốc không phanh như Singapore nhưng cũng liên tục gây thất vọng ở các giải đấu chính.
Tuy nhiên, chúng ta còn những điểm để hy vọng. Đó là sự trỗi dậy của các lò đào trẻ được đầu tư bài bản và quan trọng nhất, là tình yêu không bao giờ chết của người hâm mộ. Cho dù niềm tin bị chà đạp hết lần này đến lần khác, những người yêu bóng đá vẫn chưa một lần quay lưng lại với ĐTQG Việt Nam…
Bình luận