• Zalo

Bóng đá như cuộc đời: Hãy học yêu từ những điều ta ghét

Thể thaoThứ Sáu, 14/09/2012 09:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- Trong mắt tôi, bóng đá giờ đây từ A đến Z đều gọi tên những thứ mà tôi ghét.

(VTC News)- Vẫn là môn thể thao vua, vẫn là một thứ tôn giáo. Nhưng điều đó không ngăn cản được việc trong mắt tôi, bóng đá giờ đây từ A đến Z đều gọi tên những thứ mà tôi ghét.
A - Anti-football strategies: Chiến thuật phản bóng đá. Xu hướng lên ngôi của bóng đá xấu xí bắt đầu bị đẩy đi quá đà khi những chiếc xe bus hai tầng lừng lững tiến vào các trận cầu đỉnh cao và đưa Hy Lạp lên ngôi ở Euro 2004 trước con mắt trợn tròn của người hâm mộ toàn thế giới.

B - Blatter: 14 năm độc tài ở FIFA, Sepp Blatter đã hoàn tất việc giúp nơi này vô đối về khả năng làm tiền cũng như những bê bối tham nhũng, mua phiếu. Bản thân ngài chủ tịch không ngừng tấu hài với những ý tưởng điên rồ như 4 hiệp thi đấu, 2 trọng tài chính trên sân, cấm hòa ở vòng bảng hay yêu cầu các nữ cầu thủ ăn mặc sexy hơn để tăng sức hút cho bóng đá nữ.

 

C - CR7: Một con công bóng bẩy sặc nước hoa, hình mẫu hoàn hảo cho cái gọi là thảm họa showbiz trên sân cỏ. Những vụ chuyển nhượng đắt đỏ và sự cưng chiều quá mức dành cho anh chàng đang tạo ra tiền lệ về những kiêu binh thích đến thì đến, thích đi thì đi, coi thường mọi bản hợp đồng, bất chấp người hâm mộ và tình nghĩa dành cho đội bóng.
D - David Beckham: Những người rất lạc quan bảo rằng Becks đã khai sáng cho nền bóng đá Mỹ khỏi thời trung cổ dưới 'ách áp bức' của bóng rổ và bóng chày. Nhưng với tuyệt đại đa số còn lại, bằng việc kí bản hợp đồng sang LA Galaxy, anh đã đặt dấu chấm hết cho Beckham - cầu thủ, để chuyên tâm cho Beckham của những nhãn hàng cao cấp, như đồ lót Armani chẳng hạn.
E - Euro: Người ta có vẻ định biến giải đấu cam go đỉnh cao thành "niêu cơm Thạch Sanh" khi quyết định mở rộng số đội tham dự VCK lên 24, tiến gần đến chuẩn World Cup, trong khi số thành viên UEFA đã không tăng lên từ năm 1996 với vẻn vẹn 53 đội - đơn giản là vì muốn cái bánh lợi nhuận tiếp tục phình ra.
F - Match-fixing (dàn xếp tỉ số): Với khán giả Việt Nam, SEA Games 23 là kí ức đau đớn về những cầu thủ lẽ ra đã làm nên một thế hệ vàng - Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh... nếu họ không dại dột bán đứng niềm tự hào dân tộc cho một canh bạc đỏ đen. Ở cấp đội tuyển quốc gia, nơi người ta thi đấu bằng danh dự và màu cờ sắc áo thì hơn cả tệ nạn, đây là một thảm kịch. 
Ngay trước thềm World Cup 2006, cả thế giới túc cầu cũng rúng động với việc hàng loạt ông lớn của bóng đá Italia dính vào vụ bê bối dàn xếp tỉ số lớn nhất trong lịch sử nước này. Người ta còn nói rằng nhà cái giờ đây cũng không thua kém gì mafia trong việc luồn những cái vòi bạch tuộc của họ vào thao túng thế giới bóng đá.
G - Ryan Giggs: Bê bối của cầu thủ kì cựu vốn được coi là tượng đài sống ở MU đã khiến làng báo Anh vốn ngập chìm trong tin sốc lá cải cũng phải rúng động. Đến biểu tượng về sự mẫu mực như Giggs cũng có thể ngoại tình với em dâu, cướp bồ của bạn thì thật khó để tin vào lối sống lành mạnh của bất kì cầu thủ nào.
H - Hooligan: 27 năm sau thảm họa Heysel, nạn hooligan không những không được dẹp trừ mà còn ngày càng phát sinh những biến tướng tệ hại. Giờ đây, không cần đến sân vận động, chỉ cần ngồi nhà và buông lời chỉ trích MU hay Hải Phòng chẳng hạn, chắc chắn sẽ đủ 'gạch đá' để xây biệt thự. Tất nhiên, với điều kiện bạn đủ kiên nhẫn nghe các fan cuồng này "hỏi thăm" ông bà, cha mẹ, tổ tiên của mình.

I - Indentity - Bản sắc: Trừ fan cuồng, khó ai nén được nỗi ngán ngẩm trong trận chung kết World Cup 2010 với một "cơn lốc màu da cam" bỗng dưng côn đồ và một tiqui-taka đột nhiên nhạt nhẽo, cũng như quên bẵng sự có mặt của Brazil trong 2 kì World Cup gần đây. Trách sao được cái thời thay ngôi đổi chủ này, khi mà sự tại vị dài lâu của Sir. Alex cũng không giữ được cho MU lối đá quyến rũ ngày xưa!

J - Jose Mourinho: Tôi chưa từng ghét Mou ngay cả khi Chelsea dưới thời HLV ngạo mạn này là kình địch với Liverpool của tôi. Nhưng khi "chủ nghĩa Mou" lan tràn khắp thế giới theo đà thành công của Mou, thì với tôi, đó là một thảm họa cho bóng đá đẹp. 

 

K - Kịch sĩ: Bằng một tỉ lệ tuyệt vời giữa biểu diễn và đóng kịch, những đội bóng được cho là giàu kĩ thuật như Argentina và TBN có vẻ đang muốn chứng minh rằng: muốn làm nghệ sĩ sân cỏ thời nay, trước tiên phải là kịch sĩ siêu hạng cái đã.
L - La Liga: Trừ khi bạn thực sự xem với một tâm thế thưởng thức, còn thì chẳng có gì để chờ đợi ở giải đấu này khi cúp vô địch đã thành quả bóng chuyền trên tay 2 ông lớn Real và Barca.

M - MU: Biểu tượng đẹp của thập niên 90 đang có xu hướng trở thành cái bóng của chính mình khi đánh mất dần những mảnh ghép đầy bản sắc - Becks, Van Nistelrooy, CR7.... Thay vào đó, họ khai thác cạn kiệt tình yêu của những fan chân chính và biến mình thành thứ trang sức lóng lánh cho đám fan phong trào đông đúc vốn quan tâm đến khoe khoang và gây gổ nhiều hơn là bóng đá.
N - Nhập tịch: Việc chiêu mộ cầu thủ ngoại đã tạo ra những "dải thiên hà" đích thực và kéo các nền bóng đá lại gần nhau. Tuy nhiên đó là chuyện của các câu lạc bộ. Còn khi niềm tự hào dân tộc bị mang ra cân đong đo đếm với tiền bạc và danh vọng thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác. 
O - Offside - luật việt vị: Dù rất cần thiết cho sự công bằng của trận đấu, nhưng có lẽ cũng không tín hiệu nào tiêu diệt sự hưng phấn nhiều như lá cờ báo việt vị. Sau khi được chỉnh sửa nhằm hạn chế việc gián đoạn trận đấu, luật việt vị lại càng kéo theo nhiều tranh cãi nảy lửa hơn. Chẳng thế mà trong một phút nóng đầu Blatter đã đòi xóa bỏ luôn điều luật thứ XI này, còn trọng tài lắm tai tiếng Howard Webb thì than vãn rằng nó mãi mãi là cái vùng xam xám chẳng thể nào đen trắng rõ ràng.
P - Premier League: Hãy dùng một câu để mô tả giải Ngoại hạng hiện nay? - "Giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh."
Hấp dẫn? Hmm..., bạn có chắc không?
Q - Quiz - những phát ngôn bất hủ: "Mourinho là một HLV xuất sắc, nhưng thật sự ông ấy nên học lại cách cư xử tốt hơn và phải tỏ ra tôn trọng những người khác." - câu này quá chuẩn, nếu nó không được phát ra từ Balotelli hay bất cứ ngôi sao lắm tài nhiều tật nào khác của làng bóng đá.

R - Referee - Trọng tài: Trong khi ban tổ chức lúc nào cũng huênh hoang về sự thành công của giải đấu, thì ở tất cả các kì Euro, World Cup, chưa kể Champions League và các giải quốc gia, báo chí đều kêu la ầm ĩ về vấn nạn từ các ông vua áo đen. Người Úc chắc vẫn chưa thể nuốt trôi quả penalty oan uổng ở World Cup 2006 sau gần 90 phút ăn miếng trả miếng kiên cường trước Ý.
S - Selecao: Hình ảnh 'Ro béo' già nua, ục ịch tại World Cup 2006 dường như cũng là hình ảnh của một Brazil đã đi qua thời vàng son và đang nằm chờ sự chuyển giao thế hệ. Không chỉ thất bại, họ còn phá vỡ niềm kiêu hãnh của chính mình khi trình diễn một lối chơi ít đam mê và quá nhiều toan tính. 
T - Thể Công: Không có gì quá đáng khi đưa việc Thể Công bị xóa tên vào danh sách những bi kịch lớn nhất của bóng đá Việt Nam đầu thế kỉ này. Nếu được lựa chọn, tôi tin chắc rất nhiều cổ động viên sẽ sẵn sàng dốc hết gia sản để cứu lấy một huyền thoại thất truyền do những bất cập về cơ chế.

 

U - Upset - các cuộc soán ngôi ngoạn mục: Trong những giải đấu lớn gần đây, cái ngoạn mục thì chẳng mấy bất ngờ, mà cái bất ngờ - như Hy Lạp ở Euro 2004, Italy ở World Cup 2006, thì lại chẳng mấy khi ngoạn mục. Cũng chẳng trách được, khi các đội đã quá hiểu nhau.

V - V-League: Bạn có muốn bình luận gì không? Tôi thì không.
W - Wags: Ồn ào, phiền toái, tập đoàn chân dài Wags luôn khiến các huấn luyện viên phải đuổi như đuổi tà vì những vận rủi mà họ đem theo. Thế nhưng ở bất cứ giải đấu lớn nào cũng vẫn xuất hiện bi hài kịch về những anh chàng 'chết vì gái'.
X - X-factor - nhân tố đột biến: Khi mà các cầu thủ tinh quái nhất đều đã đụng nhau chan chát ở các giải cấp quốc gia và đội tuyển, khi trận đồ được tính toán đến từng xăng-ti-mét và chiến thuật trên cả thế giới bị quy về vài mẫu số chung thì nhân tố đột biến khó xuất hiện hơn cũng là điều dễ hiểu.
Y - Tuyển Ý: Dù nắm trong tay 4 cúp vô địch thế giới, "đội quân thiên thanh" giờ đây có vẻ là cái tên quá lãng mạn so với một đội bóng có 'tiền sự' chơi bẩn hàng đầu thế giới, nền bóng đá tràn ngập scandal, hooligan và tệ nạn.
Z - Zero-sum games: Sức ép danh hiệu, tiền bạc đã biến bóng đá từ một trò chơi trở thành cuộc đấu sinh tử nơi mà mọi chiêu trò trong hay ngoài sân cỏ đều được chấp nhận, miễn là chiến thắng.
Còn gì để bình luận nữa không? Đáng ghét từ A đến Z!
Và đáng ghét nhất là... tôi lại không thể ghét.
Hay đúng hơn là không thể từ bỏ. Như với một cô gái đẹp, đỏng đảnh lắm, đành hanh lắm, khiến người ta giận vô cùng mà vẫn không thể không yêu.
Vì tình yêu ấy không chỉ là một thứ gia vị, mà đã là một phần cuộc sống. Như mỗi kì Euro hay World Cup đi qua, người ta soi vào đó bằng binh pháp, bằng kinh tế học, bằng kinh dịch học, chiêm tinh học, và trên hết, bằng những bài học. 
Bài học rằng: trên thế giới này không bao giờ có con đường cùng, và quả ngọt đôi khi lại sai cành ở những nơi đất đai khô cằn nhất, như điều thần kì mang tên Azzurri ở World Cup 2006, sau bê bối ngả nghiêng cả xứ sở hình chiếc ủng.
Bài học rằng: không ai đánh thuế ước mơ. Khi Blatter đem ánh sáng huyền hoặc của cúp vàng đến với những đứa trẻ đang đuổi theo quả bóng mây sứt sẹo trên đất nước Nam Phi của Nelson Mandela, như một minh chứng cho câu nói nổi tiếng của người anh hùng này: "It always seems impossible until its done" - Mọi thứ chỉ có vẻ như bất khả thi cho đến khi nó được thực hiện.

 

Bài học rằng "muốn mang vòng nguyệt quế, chí ít anh cũng phải có cái đầu". Muốn bị ném đá nhiều như Cristian Ronaldo, trước nhất, hãy đủ tài năng để người ta phải nhìn vào sự đỏm dáng của anh. Và dù có ném đá đến đâu, thì thế giới vẫn cần một CR7.
Bài học rằng, đừng hi vọng trên đời này có cái gọi là công bằng tuyệt đối, nhưng vẫn phải hiểu và tôn trọng luật chơi để biết cách tự cứu lấy mình. 
Bài học rằng: bóng đá cũng như cuộc sống là cái sân khấu bốn mặt, mà ở đó, mọi sự giả dối rồi sẽ được lôi ra ánh sáng, chỉ có điều là vào lúc nào mà thôi.
Bài học rằng, bóng đá không phải là cờ vua và tiền không mua được tất cả, nhưng tiền cộng với chiến lược hợp lý và quyết tâm sắt đá thì  - như cách Abramovic đã đưa Chelsea lên đỉnh vinh quang của UEFA Champions League.
Bài học rằng, phong độ là nhất thời, nhưng đẳng cấp cũng không phải là mãi mãi. Nếu không vượt lên được ánh hào quang của quá khứ thì đến một lúc nào đó, chính ta sẽ bị quá khứ nhấn chìm.

 

Bài học rằng, niềm tin không phải là vô tận, những người yêu thương có thể quay lưng lại với ta như cổ động viên Việt Nam đang quay lưng với giải đấu hàng đầu trong nước. 
Nhưng dù sao thì ta cũng vẫn phải tin, và vì thế người ta cần những biểu tượng. Như Collina. Như Sir. Alex.
Để tin rằng, như bài hát truyền thống của câu lạc bộ tôi yêu - You'll never walk alone, sẽ luôn có những bàn tay sẵn sàng nắm lấy tay bạn, miễn là bạn biết cách chìa tay.
Để hiểu rằng, trong mọi vấn đề luôn có hai mặt đen - trắng song hành, chỉ là bạn muốn nhìn vào mặt nào thôi. Vẫn luôn có cách để yêu giữa vô số điều ta ghét! 

Huyền Dương

*Bài viết nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Bóng đá: Tôi yêu&Tôi ghét" do VTC News phối hợp cùng Alpha Books tổ chức.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của tòa báo.


Bình luận
vtcnews.vn