Trong số 49 bàn thua mà đội bóng phố Núi phải nhận, 19 lần hàng thủ của họ phải trả giá sau những tình huống bóng chết.
Kỷ lục tệ hại
“Điểm yếu cốt lõi của HAGL là phòng ngự cá nhân. Bốn trận gần đây chúng tôi liên tiếp bị thủng lưới mà phần nhiều trong số đó đến từ các tình huống cố định”, HLV Dương Minh Ninh than thở sau khi HAGL thua 4 trận liên tiếp và rơi tự do xuống nửa sau bảng xếp hạng.
Đây không phải là lần đầu tiên HAGL thua liền 4 vòng đấu trong một mùa giải. Nhưng trong 4 năm qua, khi những lứa cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản bởi học viên và lứa năng khiếu được đôn lên thi đấu tại V.League thì HAGL chưa bao giờ phải nhận những thất bại với tổng số bàn thua lớn như thời điểm hiện tại.
Trước khi phải trải qua giai đoạn đầy cam go hiện tại, thành tích tệ nhất của HAGL chỉ là 4 thất bại liên tiếp với tổng số bàn thua là 13 ở V.League 2016. Giờ đây, kỷ lục tệ hại đấy đã bị xóa bỏ. Bởi những trận thua trước SLNA, FLC Thanh Hóa, TP.HCM rồi Hà Nội FC xuyên suốt từ vòng 20 đến 23 đã khiến hàng thủ đội bóng phố Núi phải vào lưới nhặt bóng tới 16 lần!
Cũng chính vì thế mà số bàn thua mà HAGL phải nhận cho đến vòng 23 đã lên tới con số 49, cao nhất trong tổng số 14 đội bóng tranh tài ở V.League mùa giải năm nay.
Hoang mang bởi tình huống cố định Đúng như HLV Dương Minh Ninh đề cập, điểm yếu chí mạng của HAGL lúc này chính là khả năng chống tình huống cố định. Trong 4 thất bại liên tiếp với tổng số 16 bàn thua, tới 7 lần các học trò của HLV Dương Minh Ninh bị thủng lưới bởi bóng chết. Riêng hai trận gần nhất gặp TP.HCM và Hà Nội FC, con số đó là 6 bàn thua.
Nhìn rộng ra suốt 23 vòng đấu đã qua, HAGL đã nhận 19 bàn thua từ các tình huống cố định - chiếm gần 40% số lần thủng lưới của đội. Ngoài các bàn thua từ các pha đá phạt góc (4 lần) và chịu phạt đền (4 lần), những pha treo bóng ở các vị trí cố định lệch về bên phải (tính ở phần sân của HAGL) cũng khiến cho đội bóng này thường bị thủng lưới.
Nhìn từ các pha đá phạt có thể suy luận ra khả năng chống bóng bổng yếu đuối của hàng thủ HAGL. Có thể HLV Dương Minh Ninh đã nhận ra điểm yếu về tầm vóc, khi chiều cao trung bình của các trung vệ của HAGL chỉ ở ngưỡng 1m74, trong khi các tiền đạo đối phương luôn có chiều cao từ 1m80 trở lên. Bản thân ông đã bổ sung Josip Zeba - cầu thủ sở hữu chiều cao 1m88 ở giai đoạn 2 với hy vọng có thể cải thiện tình hình.
Song thực tế, mọi thứ đi ngược lại mong muốn của HAGL. Nếu như ở giai đoạn lượt đi, HAGL chỉ thủng lưới 8 lần từ các tình huống cố định mà chủ yếu trong đó là những pha treo bóng bổng vào vòng cấm thì ở lượt về, đội bóng phố Núi phải nhận tới 11 bàn thua từ kịch bản tương tự.
Chiều cao không phải là tất cả trong việc chống lại những pha đá phạt của đối phương. Nó còn phụ thuộc vào khả năng phán đoán điểm rơi, tổ chức kèm người ở những tình huống cố định. Đáng tiếc rằng với HAGL, hàng thủ của họ ở mùa giải này lại không có được điều đó. Oseni của Hà Nội FC dễ dàng ghi bàn ngay trước vạch vôi. Văn Hậu, Kesley của Hà Nội FC, TP.HCM thoải mái di chuyển cắt mặt để chọc thủng lưới… Những tình huống cố định thực sự trở thành nỗi ám ảnh với HAGL.
Bình luận