7 tháng qua, tiền vào đâu?
Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tín dụng tính đến hết tháng 7/2017 ước tăng 9,3% so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, bất thường ở chỗ dù mức tăng tín dụng cao nhưng GDP không nhận được mức tăng khả quan tương ứng.
Trước hiện tượng này, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đặt ra hai tình huống. Thứ nhất, theo BVSC, tiền đang đi vào sản xuất nhưng do mức độ tác động của tín dụng đến tăng trưởng của nền kinh tế luôn có độ trễ. Khoảng thời gian trễ này có thể tính bằng quý, thậm chí là bằng năm, tùy đặc thù hoạt động của từng doanh nghiệp.
Thứ hai, có thể do cơ cấu các khoản cho vay không hợp lý, dòng tiền chủ yếu chảy vào các lĩnh vực đầu cơ mua đi bán lại thứ cấp, điển hình như cho vay chứng khoán hay bất động sản.
Mổ xẻ số liệu của Ngân hàng Nhà nước, BVSC đã chỉ ra: 6 tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, với tỷ trọng khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, tín dụng đối với ngành công nghiệp ước tăng khoảng 10,5%; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và các nhu cầu vốn trên địa bàn nông thôn tăng gần 10%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro đều tăng thấp như cho vay kinh doanh bất động sản ước tăng 5,5%; cho vay các dự án BOT, BT giao thông chi tăng 1,75%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng vụ các tổ chức tín dụng (NHNN) cho hay, tính đến 15/8, tín dụng tăng trưởng đạt mức 9,68% “trong đó có một lượng lớn chiếm tới 14-15% trong tổng tín dụng đã vào nông nghiệp, tương ứng khoảng 1,2 triệu tỷ đồng”, ông Hùng nói.
Những gì sẽ biến động?
Trước khả năng hệ thống ngân hàng sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18% đặt ra hồi đầu năm, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, trên cơ sở đảm bảo chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.
Hiện tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng đạt khoảng 6 triệu tỷ đồng. Theo tính toán, nếu tăng trưởng tín dụng đạt 20% nghĩa là cả năm 2017 dư nợ phải tăng thêm 1,2 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong 5 tháng cuối năm, khoảng 642.000 tỷ đồng qua cửa ngân hàng sẽ được tiếp tục bơm ra nền kinh tế.
Nếu tính thêm cả lượng vốn hơn 143.000 tỷ đồng đang được Kho bạc gửi tại các ngân hàng thương mại rút về để giải ngân đầu tư công, dự báo một lượng tiền cực lớn sẽ được đưa ra.
Video: Siêu lạm phát, dân Venezuela phải dùng cân đếm tiền
Việc khuyến khích mở rộng tăng trưởng tín dụng lên tới hơn 20% theo nhìn nhận của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dường như là thông điệp nới lỏng chính sách. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng quan ngại rằng, tỷ giá đang duy trì sự ổn định khá tốt nhưng trước những diễn biến trên, không có gì bảo đảm chắc chắn tỷ giá không có biến động và áp lực vẫn còn ở phía trước cả về khách quan và chủ quan.
Từ năm 2001 đến 2010, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam liên tục ghi nhận tốc độ trên 20%, riêng năm 2005 ở mức 19,2%; trong đó có những năm đột biến như 2004 tăng tới 41,5%, năm 2007 lên tới 53,8% và năm kích cầu 2009 tăng 37,5%. Sau giai đoạn bùng nổ đó, từ năm 2011 tăng trưởng tín dụng rơi xuống chỉ còn 10,9% và duy trì dưới 20% mỗi năm cho đến nay.
Bài học về nới lỏng chính sách tiền tệ ở vào giai đoạn năm 2007 vẫn còn nguyên giá trị khi cung tiền cao đã đẩy lạm phát năm 2008 bùng lên dữ dội tới 23%. Rút kinh nghiệm trong điều hành tiền tệ, một nguồn tin cho biết, hiện NHNN đang rốt ráo xây những kịch bản tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm với đích cán 22% và những giải pháp thắt chặt làm sao để vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa tránh tác động mạnh đến lạm phát và tỷ giá.
Bình luận